BXD đề nghị trích 30% tiền phạt vi phạm hành chính làm kinh phí hoạt động
Bộ Xây dựng vừa trình Chính phủ dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở để thay thế Nghị định số 126/2004/NĐ-CP ngày 26 tháng 5 năm 2004 của Chính phủ (NĐ 126) về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, quản lý công trình hạ tầng đô thị và quản lý sử dụng nhà.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện NĐ 126 đã xuất hiện nhiều vấn đề cần phải soát xét cho phù hợp với tình hình hiện nay. Nghị định mới cũng nhằm khắc phục các nhược điểm như: mức xử phạt còn thấp, không đủ sức răn đe; quy định về biện pháp khắc phục hậu quả chưa cụ thể dẫn đến hiện tượng “phạt cho tồn tại”; thẩm quyền xử phạt của cấp xã, phường còn thấp; nhiều hành vi vi phạm chưa quy định trong Nghị định... Dự thảo lần này, một số Bộ, ngành và địa phương đề nghị giảm mức phạt đối với một số hành vi vi phạm thường xuyên xảy ra ở cấp xã như: vi phạm quy định về bảo vệ khu vực an toàn giếng nước ngầm; vi phạm quy định về bảo vệ, sử dụng mạng lưới cấp nước; vi phạm quy định về khai thác, sử dụng hệ thống thoát nước; vi phạm quy định về bảo vệ cây xanh, công viên và vườn hoa trong đô thị... để phù hợp với thẩm quyền xử phạt của thanh tra viên, Chủ tịch UBND cấp xã. Cùng đó là nhiều kiến nghị như: phân chia hành vi vi phạm trật tự xây dựng theo hai đối tượng là nhà ở riêng lẻ và dự án đầu tư xây dựng công trình để quy định mức phạt phù hợp với mức độ, tính chất hành vi vi phạm; bổ sung lực lượng thanh tra cho các đô thị loại I...
Đặc biệt, Bộ Xây dựng đề nghị trích 30% tiền phạt vi phạm hành chính làm kinh phí hoạt động. Theo Bộ Xây dựng, công tác thanh tra phải triển khai trực tiếp xuống địa bàn hàng ngày, thậm chí ngày nghỉ, ngày lễ để phát hiện, ngăn chặn và xử phạt kịp thời hành vi vi phạm. Trong khi đó, lực lượng trong biên chế thực tế tại các địa phương còn rất mỏng. Vì vậy, cần thiết có nguồn kinh phí để tuyển dụng bổ sung cán bộ hợp đồng, mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác, chi bồi dưỡng, động viên và khen thưởng kịp thời lực lượng này. Ngoài ra, chi phí điều tra, xác minh hành vi vi phạm cũng đòi hỏi nguồn kinh phí nhất định và những khoản chi thực tế khác có liên quan đến hoạt động xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng.
ttxvn
|