Tiếp tục các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu để kiềm chế nhập siêu
Tháng 10, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá cả nước ước đạt 5,1 triệu USD, thấp hơn con số 5,3 triệu USD trong tháng 9.
Như vậy, tổng kim ngạch xuất khẩu 10 tháng qua ước đạt 53,77 tỷ USD, duy trì được mức tăng 36,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo các chuyên gia thương mại, đến hết tháng 10, xuất khẩu vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá tốt. Cụ thể, các mặt hàng chủ lực vẫn đạt kim ngạch xuất khẩu và tỷ lệ tăng trưởng mạnh. Dầu thô đạt 9,4 tỷ USD, tăng 43% kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái. Tương tự, than đá đá 1,2 tỷ USD, tăng 57%; dệt may 7,6 tỷ USD, tăng 20%; giày dép 3,7 tỷ tăng 16%; điện tử và máy tính 2,2 tỷ USD, tăng 27,3%; gạo 2,6 tỷ USD, tăng 83%; cà phê 1,69 tỷ USD, tăng 9.5%; cao su 1,39 tỷ USD, tăng 28,9%; sản phẩm gỗ đạt 2,23 tỷ USD tăng 18,6%...
Đáng chú ý là kim ngạch nhập khẩu đã tăng trở lại trong tháng 10 và ước đạt 5,8 tỷ USD, so với mức 5,51 tỷ USD trong tháng trước. Do đó, tính chung từ đầu năm đến nay đã đạt trên 70 tỷ USD, tăng 42,6% so với cùng kỳ.
Các chuyên gia thương mại cho rằng: Với mức nhập khẩu này, nhập siêu vẫn ở mức khá thấp, khoảng 700 triệu USD trong tháng 10. Tính chung đến thời điểm này, mức nhập siêu chưa đến 17 tỷ USD. Do đó, mục tiêu kiềm chế nhập siêu dưới 20 tỷ USD có thể thực hiện được. Mặc dù vậy, điều đáng lo ngại là xu hướng giảm xuất khẩu và những tín hiệu không tốt trên thị trường như: giá hàng hóa xuất khẩu giảm, nhu cầu tiêu thụ tăng chậm và thậm chí giảm ở những thị trường lớn do khủng hoảng...Đó là những nguy cơ mới mà xuất khẩu Việt Nam phải đối phó trong thời gian tới. Mặt khác, giá một số mặt hàng xuất khẩu như dầu thô, gạo...có dấu hiệu giảm và làm ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu những tháng cuối năm. Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo cần tiếp tục các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, kiềm chế nhập khẩu để cải thiện cán cân thương mại.
vov
|