"Không bội chi, lấy gì mà tiêu"
Các ĐBQH đã quan tâm đặc biệt đến việc bội chi ngân sách, kỷ luật chi tiêu và việc rót vốn dễ dãi cho các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) khi Quốc hội (QH) thảo luận tổ về ngân sách chiều 17/10.
Mọi năm, tăng thu ngân sách đều tương ứng với phát triển kinh tế. Năm nay, lạm phát vượt hơn 1/4 so với dự kiến nhưng ngân sách vẫn vượt dự toán 76 nghìn tỷ đồng", Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên nói.
Tuy nhiên, ông Kiên tỏ rõ sự lo ngại "thu ngân sách chứa đựng nhiều yếu tố đột biến, bất ổn, phụ thuộc vào bên ngoài. Nguồn thu chủ yếu do giá dầu tăng cao trong năm qua".
Theo ông Kiên, vấn đề đáng ngại hiện nay là không có sự nuôi dưỡng nguồn thu trong nước hoặc tạo ra nguồn thu lâu dài...
ĐBQH Phùng Văn Toàn (Phú Thọ) nêu, loại trừ các yếu tố giá, thu nội địa năm 2008 thấp hơn dự toán, sở dĩ vượt dự toán là do tăng giá.
Thu từ các doanh nghiệp (DN) cuối năm 2008 đã có xu hướng giảm và chắc chắn sẽ còn giảm trong năm 2009, khi các DN sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, ĐBQH Hà Văn Hiền nhận định.
"Không bội chi, lấy gì mà tiêu?"
Về con số bội chi, ĐBQH Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) cho rằng, tình trạng ngân sách của chúng ta rất đặc biệt: vừa bội thu, vừa bội chi. "Nếu chúng ta không cắt giảm hàng loạt dự án, 10% chi tiêu công thì tình trạng bội chi sẽ là bao nhiêu? Tôi muốn nói đến tính kỷ luật trong chi tiêu ngân sách"- ông Xuân thắc mắc.
Ông Nguyễn Đình Xuân cũng đặt vấn đề, các tổ chức quốc tế nói chúng ta bội chi khoảng 6%. Nhưng một ĐBQH khác, bà Phạm Thị Loan đã đưa ra con số bội chi thực của Việt Nam có thể lên tới 14-15%. "Vậy chúng ta theo Quốc tế hay họ theo chúng ta? Cần thống nhất luật chơi"- ông Xuân thêm một lần thắc mắc.
Chính vì thế, ông Nguyễn Đình Xuân đề nghị: "Chúng ta cần giảm bội chi. Nhiều khoản nợ sắp đến hạn trả".
Cũng góp ý về việc hạn chế bội chi, ĐBQH Hà Văn Hiền (Hà Nội) nói: "Nếu giữ mức bội chi ngân sách như dự kiến năm 2009 là 4,8%, tuy giảm về tương đối so với năm 2008 nhưng về thực chất, bội chi sẽ tăng thêm 20 nghìn tỷ đồng, điều này mâu thuẫn với chính sách tiết kiệm chi tiêu ngân sách đã đề ra".
ĐBQH Vi Trọng Lễ (Phú Thọ) đưa ra phương án nên xác định mức bội chi dự kiến theo số tuyệt đối, thay vì con số 4,8%.
Dù hiểu rằng "bội chi thực chất là ứng trước để ăn chứ là gì khác", nhưng ĐBQH Nguyễn Bá Thanh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nói "mình nghèo nên phải chấp nhận. Không bội chi, lấy gì mà tiêu?"
Huy động trái phiếu là một nguồn trám vào số bội chi đó, nhưng ông Hà Văn Hiền cho biết, tỷ lệ đạt so với dự kiến rất thấp. Năm 2007, khi họp khi ước tính kế hoạch cuối năm, dự đoán sẽ thu được 16 nghìn tỷ đồng từ trái phiếu Chính phủ, cuối cùng chỉ đạt 7 nghìn tỷ.
"Rót vốn như thế này, ai cũng làm giám đốc được"
Khoản ngân sách chi cho DNNN cũng được các ĐBQH sôi nổi thảo luận.
Nhìn vào kế hoạch rót cho các tập đoàn khoản tiền gần 11 nghìn tỷ đồng trong năm 2009, trong đó có khoản rất lớn dành cho Tập đoàn Dầu khí, ĐBQH Nguyễn Văn Thời (Thái Nguyên) đã phải kêu lên: "Rót vốn như thế này thì ai cũng làm giám đốc được, vì lỗ đã có Chính phủ bù. Một khi được rót vốn, các DNNN thấy không cần cổ phần hóa, vì đã có sẵn vốn Nhà nước rót rồi."
Theo ông, Quốc hội phải kiên quyết không duyệt chi khoản này. ĐBQH Phạm Thị Loan thì cho rằng cần cân nhắc thận trọng, nhất là khi cơ chế của ta chưa cho phép đánh giá hiệu quả hoạt động, khả năng vay và trả nợ của các DNNN.
Bà Loan đặc biệt lưu ý trường hợp Petrolimex, nhất là khi Petrolimex có kế hoạch đầu tư khoản tiền 15,4 tỷ USD từ nay đến 2010, đồng thời đang vươn dài tay ra nước ngoài, "tranh" dự án đầu tư ở Lào với Sông Đà.
"Không thể để tình trạng nơi cần vốn thì không có, nơi không biết làm gì cho hết đồng vốn của Nhà nước thì lại dồi dào"- bà Loan kiến nghị.
Không những vậy. việc rót vốn hiện nay còn khá dễ dãi. "Thậm chí, với 77 dự án chưa đủ thủ tục nhưng Nhà nước vẫn tiếp tục bố trí vốn"- ĐBQH Nguyệt Hường (Hà Nội) bổ sung.
Được ưu ái như vậy, nhưng theo ĐBQH Nguyễn Ngọc Đào, các DN độc quyền vẫn "làm mình làm mẩy, gây sức ép với Chính phủ".
Theo ông Nguyễn Văn Thời, đã là DN thì phải tự lo vốn, tự hạch toán, không thể đợi Nhà nước bao cấp mãi được.
Thống kê cho thấy, giai đoạn 1996 -2000, bội chi ngân sách 2,8%; giai đoạn 2001 - 2005 bội chi 3,87% và mức bội chi 2006 - 2008 là 4,8%.
Xăng dầu: DN thu lợi lớn, nhà nước bỏ tiền bù lỗ
"Giá dầu thế giới mấy tháng nay đã giảm, nhưng giá xăng dầu ở Việt Nam vẫn cao, chưa giảm là bao. DN thu lợi nhuận rất lớn, Nhà nước phải bỏ tiền ra bù lỗ", Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương ông Nguyễn Văn Quynh (ĐBQH Quảng Ninh) thắc mắc.
Ông Quynh đề nghị cần làm rõ việc Nhà nước bù lỗ 32 nghìn tỷ cho xăng dầu.
Theo ĐB Vi Trọng Lễ, phần bù lỗ này góp phần khá lớn vào bội chi ngân sách, nhất là đầu năm 2008. Đầu năm 2008, chúng ta đã "bao cấp xăng dầu cho cả Đông Dương"!.
Theo ông Quynh, thời gian tới khi giá xăng dầu theo cơ chế thị trường, lợi nhuận doanh nghiệp phải được cân nhắc. Cần làm rõ việc "có chuyện doanh nghiệp xăng dầu liên kết với nhau không?"
Cũng liên quan tới xăng dầu, ĐBQH Nguyễn Văn Kinh (Hà Nội) bức xúc: "Khi giá xăng thế giới tăng, chúng ta tăng giá 4.500 đồng/lít, nhưng khi giá thế giới giảm, Việt Nam lại chỉ giảm 500đồng/lít, với lí do chưa bán hết xăng giá đắt. Chẳng nhẽ khi giá lên cao, Việt Nam đã cạn hết xăng dầu dữ trữ rồi sao?"
vnn
|