Hạt nêm: "Cuộc chiến" PR tràn qua mặt báo
"Cuộc chiến" giữa các thương hiệu hạt nêm không chỉ nằm ở chiến lược kinh doanh, sản phẩm, chất lượng quản lý và điều hành mà đã tràn qua báo chí.
Nói ngừng... nhưng vẫn quảng cáo
Tương quan trong "cuộc chiến" này, một bên là sản phẩm "hạt nêm không bột ngọt Chin-su" của Masan và một bên là các đại gia trong lĩnh vực này. Sau khi báo chí đăng tải thông tin Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm (CATVSTP)-Bộ Y tế có ý kiến về việc Masan quảng cáo khi chưa được phép, ngày 14.10, Masan đã có văn bản gửi đến nhiều cơ quan, trong đó cho biết "để thể hiện tinh thần trách nhiệm cao nhất với người tiêu dùng (NTD), chúng tôi đã chủ động tạm dừng các hoạt động quảng cáo". Tuy nhiên, đến hết ngày 16.10, sản phẩm hạt nêm không bột ngọt Chin-su vẫn tiếp tục được quảng cáo trên truyền hình.
Các tài liệu cho thấy, Masan đã gửi đầy đủ hồ sơ đăng ký quảng cáo thực phẩm cho Cục ATVSTP và được cục ban hành giấy tiếp nhận số 643 vào ngày 18.8.2008. Đây được xem như giấy phép để Masan được quảng cáo trên truyền hình, chứ Cục ATVSTP không cấp phép cho các hình thức quảng cáo khác như Masan đã tiến hành trên thực tế (tờ rơi).
Biến báo chí thành một "mặt trận"
Những ngày đầu Masan tung ra mẫu quảng cáo hạt nêm không bột ngọt Chin-su cùng với chiến dịch chạy bài PR nhấn mạnh tỉ lệ bột ngọt (chất điều vị 621) cao trong các loại hạt nêm phổ biến trên thị trường, đại diện của một trong số những nhãn hiệu hạt nêm bị "đụng" đã liên hệ với một đại gia khác nhằm bàn cách chống đỡ. Thế nhưng, vì cấp liên hệ chỉ là nhân viên nên hai bên không kết nối được để cùng đứng trong một "trận địa". Do đó, mỗi đại gia mạnh ai nấy chống, bằng nhiều cách, gồm cả phương án chạy bài PR để "phản công". Điều này dẫn đến một hệ lụy là báo chí lại bị chính các bên trong "cuộc chiến" hạt nêm biến thành một "mặt trận" để đấu nhau, với nhiều hình thức thông tin.
Sau những bài PR "đánh" vào yếu tố bột ngọt, rải rác trên một số báo bắt đầu xuất hiện các bài PR với ý hướng giải thích nhằm làm nhẹ đi thái độ tiêu cực của NTD đối với bột ngọt. Bài PR của một đại gia mua trang trên báo viết rằng "bột ngọt chính là "cứu cánh" cho các nhà sản xuất ngành hàng thực phẩm, bởi khả năng tăng vị đậm đà cho sản phẩm".
Đòn "phản công" còn đi cụ thể vào "một nhãn hiệu hạt nêm mới tung ra trên thị trường cũng đã quảng cáo rầm rộ là không có bột ngọt công thức", mà nhiều người biết đó chính là hạt nêm không bột ngọt Chin-su.
Dùng "gậy ông đập lưng ông", bài PR này còn nhấn mạnh, dù sản phẩm quảng cáo không bột ngọt nhưng lại dùng hai chất điều vị 627 (disodium guanylate) và 631 (disodium inosinate) là hai chất "siêu bột ngọt".
Chưa hết, bài PR còn đưa ra các con số so sánh về chỉ tiêu Protein (g/100gr), trong đó sản phẩm hạt nêm không bột ngọt Chin-su chỉ đạt 5,4g trong khi của Miwon, Magi xương hầm và hạt nêm từ thịt Knorr, Aji-ngon lần lượt là 10g, 14g, và cùng 18g.
Khi bị tấn công bằng những chiêu thức không lành mạnh nhưng cũng dùng chiêu không lành mạnh khác để phản công lại chỉ khiến cho cả hai phía mất dần uy tín đối với NTD mà thôi. "Cuộc chiến" hạt nêm đang đi dần tới kết cục này.
lđ
|