Thứ Sáu, 17/10/2008 22:52

Xăng và dầu giảm giá:

Cơ chế thị trường hay là sự xin - cho?

Ngày 16 - 17.10, giá dầu thế giới giảm thấp và giữ ở mức trên dưới 70USD/thùng. Tuy nhiên đáp lại sự kỳ vọng của người tiêu dùng, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu một lần nữa giảm giá "nhỏ giọt".

Cụ thể từ 8 giờ ngày 17.10, xăng chỉ giảm 500đ/lít, dầu diesel giảm 300đ/lít. Đã đến lúc cơ quan quản lý cần nhìn lại với vai trò cầm cân nảy mực; còn doanh nghiệp (DN) làm rõ trách nhiệm kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường hay là xin - cho trước người tiêu dùng.

Cái giá của sự độc quyền

Theo cựu Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển thì 11 DN kinh doanh xăng dầu đầu mối tại VN đã có thể coi là nhiều. Thế nhưng vai trò của Petrolimex vẫn trùm lên hầu như toàn bộ thị trường và việc tăng - giảm nằm trong tay Petrolimex. Với sự độc quyền, Petrolimex áp đặt cuộc chơi không sòng phẳng bằng cách chậm và giảm giá "nhỏ giọt".

Cũng vì lý do này, các DN khác "nhất cử nhất động" tuân theo sự tăng giảm của đại gia này. Đơn giản là việc "núp bóng" đại gia cũng cho phép họ "ăn theo" lợi ích. Như vậy yếu tố cạnh tranh của cơ chế thị trường đã bị triệt tiêu. Thay vào đó, dù không DN nào thừa nhận, nhưng với cách hành xử hiện nay thì rõ ràng một mối "thống nhất" vô hình giữa các DN đã hình thành.

Đến đây cần phân tích mối tương quan lợi ích Nhà nước - DN - người tiêu dùng. Từ đầu tháng 10.2008, Nhà nước buộc DN trích 1.000đ/lít xăng để nộp trả ngân sách. Điều này hợp lý khi mà trước đó, ngân sách đã phải oằn lưng bù giá cho DN. Với cách tính hiện nay, DN kinh doanh xăng dầu đang lãi trên 3.000đ/lít xăng. Trong khi đó, người tiêu dùng chỉ biết chờ đợi rồi thất vọng trước việc giảm giá xăng chậm và nhỏ giọt.

Cơ chế thị trường hay là sự xin – cho?

Để làm rõ câu hỏi này, các chuyên gia kinh tế phân tích tương quan giữa giá XD trong nước với GDTG. Ngày 21.7, giá dầu thế giới khoảng 143USD/thùng thì xăng tăng giá mạnh 4.500đ/lít lên 19.000đ/lít - mức "tiệm cận giá thế giới" Nhưng đến nay, khi giá dầu thế giới giảm còn 73USD/thùng (gần 50%) thì giá xăng lại chỉ giảm 3.000đ/lít cùng với việc DN trả thêm 1.000đ/lít cho nhà nước.

Nếu so sánh ngắn hạn thì càng thấy rõ "tiểu xảo" của DN. Ngày 21.7, các DN tăng đồng loạt các mặt hàng XD. Nhưng khi giảm, các DN không chỉ chậm giảm, giảm thấp mà còn giảm cục bộ từng mặt hàng.

Nếu lấy ngày 14.8 khi giảm giá xăng 1.000đ/lít làm mốc thì khi đó, giá dầu thế giới là 120USD/thùng. Ngày 6.10, khi giá dầu thế giới giảm xuống 90USD/thùng thì giá xăng mới giảm 1.000đ/lít. Liên tiếp 10 ngày qua, giá dầu thế giới giảm xuống còn trên dưới 70USD/thùng thì DN cũng chỉ giảm 1.000đ/lít sau 2 lần giảm giá.

Tương tự từ 21.7, giá dầu hỏa sau khi tăng 6.100đ/lít thì được chia nhỏ 4 lần giảm tổng cộng 3.500đ/lít. Giá diesel sau khi tăng từ 13.950đ lên 15.950đ/lít thì nay giảm nhẹ xuống còn 15.200đ/lít.

Trả lời báo giới, DN cho rằng họ "chờ" cơ quan quản lý. Thậm chí có DN còn cho biết đã trình phương án giảm giá mấy ngày trước, nhưng chờ... 3 ngày theo quy định hiện hành. Trong khi đó, cơ quan quản lý khi thì "chờ" diễn biến thị trường", lúc lại "cân nhắc khả năng bù lỗ của DN".

Một chuyên gia kinh tế cho biết: Đây là bất cập và là căn nguyên của cơ chế xin - cho. Cụ thể, nếu việc tăng giá cần thận trọng thì cơ chế "3 ngày để đăng ký giá" chính là "sự chậm trễ chết người", "vô tình" tiếp tay cho việc chậm giảm giá của DN.

Để xoá bất cập này, các chuyên gia cho rằng Bộ Công thương và Bộ Tài chính cần sớm hoàn thiện khung thuế - giá. Đây là cơ sở để cơ quan quản lý cầm cân nảy mực, còn DN có trách nhiệm tuân thủ. Đặc biệt, liên bộ cần ban hành chế tài xử lý DN vi phạm.

Các chuyên gia nhấn mạnh: Nếu không có chế tài xử lý tương xứng, trước lợi nhuận cực lớn thì DN sẽ vẫn vi phạm. Cuối cùng về lâu dài, cơ quan quản lý cần điều hành vĩ mô xoá dần sự độc quyền, cân bằng khả năng cạnh tranh giữa các DN. Bởi một khi còn độc quyền thì khi đó DN còn có cơ hội làm méo mó quy luật thị trường để lũng đoạn trên quyền lợi người tiêu dùng.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh: Cần tăng thuế và giảm ngay giá xăng. Bộ Tài chính đã trình phương án tăng thuế và sẽ triển khai ngay khi Chính phủ chấp thuận.

Ý kiến chuyên gia kinh tế và DN: Giảm giá không nên bắt DN xin phép: Cũng có DN cho rằng, nếu không thì nên rút ngắn thời hạn xin phép.

Cựu Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyền: Nên kiểm toán DN kinh doanh xăng dầu: Kiểm toán để biết DN lỗ bao nhiêu, dự trữ thế nào, xăng bán ra chịu các chi phí gì… cho toàn dân biết.

Anh Nguyễn Mạnh Tuấn - Lái xe taxi: Không thể áp đặt: DN kinh doanh xăng dầu sẵn nhập hàng, sẵn bán hàng. Lãi thì hưởng mà lỗ thì được bù giá hoặc người tiêu dùng chia sẻ. Vì thế khi mua giá thấp, lãi cao thì DN cần chia sẻ lợi ích với người tiêu dùng, không thể áp đặt giá.

Các tin tức khác

>   Sạt lở đất tiếp tục đe dọa kho xăng Vinapco (17/10/2008)

>   Phát hiện 9 mẫu bánh quy nhiễm melamine (17/10/2008)

>   Tìm giải pháp đối phó với khủng hoảng kinh tế thế giới (17/10/2008)

>   Thủ tướng chỉ đạo theo dõi chặt chẽ khủng hoảng thế giới (17/10/2008)

>   Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ (17/10/2008)

>   Giá xăng giảm, cước vận tải có giảm theo? (17/10/2008)

>   Kiếm triệu “đô” từ hàng phế phẩm (17/10/2008)

>   Bổ sung 532 tỷ đồng đáp ứng tiến độ một số công trình thủy lợi cấp bách (17/10/2008)

>   Sớm có phương án xử lý đối với sữa và các sản phẩm sữa nhiễm melamine (17/10/2008)

>   'Giá xăng dầu có cơ hội giảm tiếp' (17/10/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật