Thứ Bảy, 18/10/2008 07:43

ĐBQH thảo luận tại tổ về kinh tế-xã hội và ngân sách

Hiệu quả đầu tư: “Điểm nghẽn” trong tăng trưởng

Ngày 17-10, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2008; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2009; dự toán ngân sách Nhà nước năm 2009, phương án phân bổ ngân sách Trung ương và bổ sung ngân sách địa phương năm 2009.

Chọn chỉ tiêu “mềm” cho tăng trưởng

Tại các tổ thảo luận, đa số ĐB cơ bản nhất trí với báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế, xã hội năm 2008 và nhiệm vụ năm 2009; đồng thời nhận định: đến thời điểm này, nền kinh tế nước ta đã vượt qua được thời điểm khó khăn và những cân đối lớn của nền kinh tế đang từng bước ổn định, những hạn chế, yếu kém đang dần được khắc phục.

Các ĐB hoan nghênh việc Chính phủ đã kịp thời đề ra 8 nhóm giải pháp về kiềm chế lạm phát và bước đầu đã đạt được một số kết quả cụ thể, củng cố niềm tin của nhân dân, các nhà đầu tư và cộng đồng doanh nghiệp vào chính sách, sự điều hành của Chính phủ và tính ổn định của nền kinh tế. Việc Chính phủ đánh giá được những yếu kém trong chỉ đạo điều hành, rút ra những bài học lớn cho thấy thái độ nghiêm túc, nhìn thẳng vào sự thật để khắc phục những bất cập của nền kinh tế.

Về dự kiến tăng trưởng 6,5%-7% trong năm 2008, nhiều đại biểu chia sẻ với quan điểm của Chính phủ là sẽ khó khăn để đạt mức 7%. ĐB Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TPHCM nhận xét: “Với tình hình như hiện nay, tôi cho rằng nếu GDP đạt được 6,5% là đã tốt rồi”. Điều các ĐB còn băn khoăn về mức tăng trưởng GDP 7% mà Chính phủ đặt ra cho năm 2009, vốn là năm được dự báo tiềm ẩn nhiều khó khăn và diễn biến phức tạp cả trong và ngoài nước.

ĐB Phạm Thị Loan (Hà Nội) cho rằng, những dự báo cho năm 2009 của Chính phủ “dường như hơi màu hồng”, trong khi đó mới là giai đoạn nền kinh tế “ngấm” hết những khó khăn thách thức của đà suy giảm chung. Với góc nhìn của một nhà kinh tế, ĐB Trần Du Lịch kiến nghị năm 2009 nên chọn “chỉ tiêu mềm”, tăng trưởng ở mức 6,5%-7%. Bài học về dự báo năm 2008 cho thấy chúng ta không thể chủ quan trước những diễn biến phức tạp từ bên ngoài.

Xem xét lại hiệu quả đầu tư

Mổ xẻ những yếu tố nội tại của nền kinh tế, các ĐBQH tỏ ra rất quan tâm đến yếu tố hiệu quả của đầu tư. Mặc dù đánh giá cao việc Chính phủ dũng cảm nhìn nhận và từng bước khắc phục sự “non tay”, “phanh gấp” trong điều hành kinh tế, ĐB Phạm Thị Loan (Hà Nội) cho rằng, yêu cầu kiểm soát hiệu quả hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước làm chưa tốt: “Các tập đoàn vẫn viện dẫn những lý do này nọ để đầu tư ngoài lĩnh vực chính của mình. Tôi rất phân vân về sự cần thiết xây dựng một trường đại học riêng cho ngành dầu khí. Rồi Vinashin (rất giỏi về đóng tàu, nhưng không thể coi là dày dạn kinh nghiệm trong sản xuất thép) lại bỏ vốn vào doanh nghiệp thép quy mô lớn nhất nhì nước!”.

ĐB Trần Du Lịch tỏ ra nghi ngờ con số cắt giảm đầu tư 31.000 tỷ đồng của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước: “Liệu đây có phải là những dự án sẽ thực hiện trong năm nay, hay chỉ là những dự án không bao giờ thực hiện, chỉ báo cáo cho có? Vấn đề này cần được kiểm tra cụ thể”.

Trong khi đó, ĐB Trần Đình Long (Đắc Lắc) phân tích: đầu tư mạnh mẽ làm tăng trưởng nhanh, nhưng đầu tư lại thiếu quy hoạch, dẫn đến sử dụng đất không hợp lý, môi trường ô nhiễm... Nhiều ngành công nghiệp ở nước ngoài không có chỗ đầu tư thì họ “đổ” vào Việt Nam, chẳng hạn như công nghiệp đóng tàu.

Đây cũng là băn khoăn của ĐB Phùng Khắc Nghiên (Phú Thọ) về việc “trọng lượng hơn chất” trong thu hút đầu tư: “Trong số 57 tỷ USD vốn FDI đăng ký vào Việt Nam, có bao nhiêu là vốn thực sự từ nước ngoài vào thật, hay một tỷ lệ lớn trong đó là vốn huy động trong nước? Một dự án sân golf ban đầu có bỏ vốn chuẩn bị đầu tư, sau bán thẻ hội viên, thì tiền bán thẻ được đem đầu tư ấy thực chất là vốn huy động chứ đâu phải do chủ đầu tư đưa vào”.

ĐB Nguyễn Văn Thuận (Quảng Nam) cũng cho rằng đã đến lúc phải bàn, đánh giá lại thu hút đầu tư nước ngoài. Có một thời kỳ chúng ta còn lo lắng về công ăn việc làm, phát triển kinh tế nên Luật đầu tư nước ngoài đầu tiên khuyến khích các doanh nghiệp FDI sử dụng nhiều lao động, đi kèm với nó là công nghệ cũ, lạc hậu. Và điều đó đã để lại hậu quả về môi trường như ngày hôm nay.

Quản lý tốt dòng tiền để giảm bội chi ngân sách

Liên quan đến vấn đề ngân sách, nhiều đại biểu tỏ ra băn khoăn với con số bội chi ngân sách 4,8% GDP đặt ra cho năm 2008. ĐB Nguyễn Ngọc Hòa (TPHCM) phân tích: năm 2008 nếu tính bội chi ngân sách trên con số GDP thực vào cuối năm thì chỉ là 4,45% GDP. Vì thế, năm 2009 phải giảm nhiều hơn, có thể là khoảng 4% GDP. Muốn thế, ông Hòa cho rằng cần tiếp tục thắt chặt tài khóa hơn nữa.

Mạnh mẽ hơn, ĐB Trần Du Lịch nói con số bội chi ngân sách 4,8% GDP là không ổn, nhất là trong bối cảnh quản lý dòng tiền còn bất cập: “Bội chi nghĩa là chúng ta phải tiếp tục đi vay, cả bên ngoài và ở trong nước (phát hành trái phiếu để vay của dân). Trong khi đó, tiền ngân sách cứ nằm ở kho bạc, hoặc gửi ở ngân hàng dẫn đến lãng phí ghê gớm”. Điều này đặt ra bài toán về quản lý dòng tiền một cách hiệu quả.

Một vấn đề “nóng” đặt ra cho năm 2009 là tập trung giải quyết khó khăn của khu vực nông nghiệp, nông thôn và doanh nghiệp nhỏ và vừa. ĐB Nguyễn Lân Dũng (Đắc Lắc) cho rằng nếu không có cuộc cách mạng thì khó xoay chuyển tình thế. Ông nói: “Một nước có địa thế không thuận lợi như Hà Lan, 1 ha đất nông nghiệp hàng năm xuất khẩu được 64 tỷ đồng, trong khi 1 ha đất nông nghiệp ở Việt Nam thu được vài chục triệu đồng cũng khó khăn. Nông dân thì 23% là hộ nghèo. Khảo sát 1 xã 4.000 dân ở Thái Bình thì có đến 1.000 dân đổ ra thành phố mưu sinh”.

ĐB Đặng Văn Khanh (Hà Nội) đồng tình: “Chính phủ cần đặt quy hoạch nông nghiệp, nông thôn thành một trọng tâm công tác để định hướng sản xuất kinh doanh cho bà con, tránh cảnh chặt dừa, biến ruộng lúa thành vuông tôm, rồi lại lấp vuông tôm đi trồng lúa!”.

Còn với DN nhỏ, sản xuất kinh doanh đang gặp nhiều khó khăn; trong khi khối DN này giải quyết được nhiều công ăn việc làm cho người lao động, gắn bó với khu vực nông thôn. Vì vậy, ĐB Trịnh Đình Dũng (Vĩnh Phúc) đề nghị cần có sự linh hoạt đối với các DN nhỏ và vừa, bởi tạo điều kiện cho khu vực DN này cũng là tạo điều kiện để thực hiện an sinh xã hội.

Năm 2009: Cần tính cả “kịch bản” chống giảm phát

Trong khi Chính phủ xác định trong năm 2009 sẽ tiếp tục ưu tiên kiềm chế lạm phát, trao đổi với báo chí hôm qua (17-10), TS Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn ĐBQH TPHCM, cho rằng, cần phải tính tới cả tình huống kinh tế thế giới suy thoái sẽ khiến giảm phát xảy ra. Ngay từ bây giờ, cần có phương án kích cầu, chú trọng thị trường trong nước để chống giảm phát.

* PV: Căn cứ nào để có thể đưa ra nhận định này, thưa ông?

* TS TRẦN DU LỊCH: Tình hình kinh tế thế giới và những khó khăn trong nước không cho phép chúng ta chủ quan. Nếu năm 2009, nền kinh tế toàn cầu suy thoái, thì hiện tượng giảm phát sẽ xảy ra. Khủng hoảng tài chính có thể sẽ chuyển sang hàng hóa. Trong trường hợp đó, xuất khẩu của Việt Nam sẽ rất khó khăn. Muốn giữ vững sản xuất thì chúng ta phải chuyển hướng về thị trường nội địa. Do đó, cần dự trù cả phương án cần thiết kích cầu trong nước để cân đối hài hòa mục tiêu tăng trưởng hợp lý đối với nền kinh tế. Theo tôi, trong mọi tình huống, chúng ta cần cố gắng duy trì tốc độ tăng trưởng trên 6%, để không phát sinh những vấn đề xã hội phức tạp, chẳng hạn như tình trạng thất nghiệp. Mỗi năm nước ta có thêm 1 triệu người vào độ tuổi lao động, nếu tăng trưởng dưới 6% sẽ không tạo đủ số việc làm cần thiết. Bên cạnh đó, trong rổ hàng hóa để tính CPI, giá lương thực-thực phẩm chiếm tỷ trọng rất cao. Nếu trong tình hình suy thoái chung, giá mặt hàng này sẽ giảm. Như vậy, chỉ số CPI cũng sẽ giảm mạnh.

* Ông nói cụ thể hơn về các giải pháp trong trường hợp giảm phát xảy ra?

* Khi đó cần phải tập trung kích cầu tiêu dùng, kích cầu đầu tư, mở rộng tín dụng, hạ thấp lãi suất, tiếp sức cho thị trường bất động sản… Điều này cần tính ngay từ bây giờ. Diễn biến kinh tế thế giới rất phức tạp, chúng ta không nên chỉ đi theo một hướng. Thời điểm này xác định tiếp tục kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô là đúng, không thể chủ quan. Chưa kể năm tới có thể tăng giá một số loại dịch vụ như giá điện. Nhưng trong trường hợp kinh tế thế giới tăng trưởng âm, thì chúng ta cần chuyển hướng.

* Thưa ông, năm 2009 dự báo là sẽ khủng hoảng tài chính, niềm tin các nhà đầu tư sụt giảm. Vậy trong bối cảnh đó làm sao có thể kích cầu đầu tư?

* Đó là bài toán đặt ra. Nếu năm 2009, kinh tế thế giới suy giảm, Việt Nam sẽ đối mặt với 3 thách thức: xuất khẩu suy giảm, vốn FDI và vốn đầu tư gián tiếp cũng sẽ không giải ngân nổi, vì khó có thể huy động được. Lúc đó, chúng ta buộc phải dựa vào nguồn đầu tư trong nước.

* Xin cảm ơn ông!

sggp

Các tin tức khác

>   Cùng doanh nghiệp vượt “bão” (18/10/2008)

>   Khởi công dự án cải tạo kênh Ba Bò (18/10/2008)

>   Quốc hội bàn chỉ tiêu tăng trưởng (18/10/2008)

>   Thành lập trường cao đẳng nghề CNTT iSPACE (18/10/2008)

>   30% trang trại dừng chăn nuôi heo (18/10/2008)

>   Thuế tăng, giá thịt nhập khẩu vẫn chưa "nhúc nhích" (18/10/2008)

>   Đồng Nai đưa vào sử dụng cụm cảng bến tàu có quy mô 10 ngàn tấn (18/10/2008)

>   "Không bội chi, lấy gì mà tiêu" (18/10/2008)

>   Môi giới bất động sản không cần bằng cấp (17/10/2008)

>   Quảng Ngãi: kiến nghị Chính phủ cho phép xây dựng nhà máy thép liên hợp tại Dung Quất (17/10/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật