Giá xăng, dầu: Vì sao tăng đột ngột, giảm "nhỏ giọt"?
Tại sao quyết định giảm giá xăng dầu lại "nhỏ giọt" nhiều lần nhưng vẫn chưa tiệm cận được giá thế giới? Có hay không chuyện bắt tay giữa các DN kinh doanh mặt hàng độc quyền này? DN đang lãi bao nhiêu cho mỗi lít xăng bán ra với giá hiện nay? Cơ chế minh bạch thông tin như thế nào?
Tuần Việt Nam trò chuyện với ông Vương Thái Dũng, Phó TGĐ Tổng công ty xăng dầu Việt Nam Petrolimex.
DN kinh doanh với giá quốc tế 20 ngày trước
- Giá xăng thế giới giảm hơn một tháng trở lại đây, trong khi đó giá xăng dầu trong nước chưa giảm mạnh, và theo kiểu nhỏ giọt. Tại sao Việt Nam giảm chậm như vậy?
- Trước hết phải nói rằng giá dầu thô thế giới thời gian qua đã có điều chỉnh có lợi cho DN kinh doanh xăng dầu và người tiêu dùng. Tuy nhiên, dù mức giá đã được công bố nhưng không phải chúng ta đã mua ngay được hàng với mức giá đó. Giá dầu thô được công bố trên sàn New York (80 USD/thùng cho tháng 11) là giá giao dịch trên sàn. Nếu mua trúng lô hàng đó, thì ta sẽ nhận hàng vào tháng 11 chứ không phải ngay ngày hôm nay. Đây là nguyên tắc trong mua bán xăng dầu của thị trường quốc tế. Đó không phải là cá biệt gì đối với Việt Nam và các DN Việt Nam cũng không nằm ngoài cái chung đó.
Hai là, đối với các DN nhập khẩu xăng dầu, quy định của nhà nước về dữ trữ cho lưu thông của từng DN trong điều kiện bình thường tối thiểu là 20-25 ngày. Có những thời điểm nhà nước yêu cầu dữ trữ tối thiểu là 30 ngày. Do đó, thông thường, các DN phải kinh doanh xăng dầu theo giá thị trường ít nhất là 20 ngày trước đó, không phải là giá của ngày hôm nay.
Giá thế giới hiện nay giảm, không phải ngay ngày hôm nay ta được hưởng giá đó. Nếu nhanh, thuận lợi, phải 20-30 ngày sau chúng ta mới có được những lô hàng mua được với giá của ngày hôm nay công bố.
20 ngày gần đây, giá dầu thô bình quân của thị trường thế giới khoảng 90 USD/thùng. Con số này không phải do chính các DN đưa ra mà được công bố công khai, có thể lấy số liệu chính xác như vậy.
DN chỉ có thể làm theo những gì có trong tay
- Mỗi lần giảm giá, các DN xăng dầu thực hiện nhỏ giọt, chỉ 500 đồng/lít trong khi trước đó lại đột ngột tăng 4.500 đ/lít. Liệu mức giảm đó có quá ít không?
Như tôi đã nói, việc kinh doanh xăng dầu theo giá thị trường là một quyết định hết sức thuận lợi cho các DN vận hành theo quy chế mới. Tuy nhiên, việc kinh doanh xăng dầu theo giá thị trường vẫn có sự quản lý của nhà nước, nhất là với một DNNN như Tổng công ty xăng dầu Việt Nam, phải làm sao đảm bảo hài hoà ba lợi ích: của nhà nước, của DN và của người tiêu dùng.
Chúng tôi hết sức chủ động trong tổ chức thực hiện kinh doanh theo cơ chế thị trường, tuy nhiên, chúng tôi phải làm trong điều kiện những gì chúng tôi có trong tay. Chúng tôi không thể làm theo những cái trong tương lai được.
Từ ngày 16/9, nhà nước đã thống nhất vận hành việc kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường nhưng còn rất nhiều tồn tại của cơ chế cũ mà chúng ta đang phải xem xét để giải quyết. Chúng ta không thể chuyển ngay ngày hôm sau. Cơ chế thị trường chỉ vận hành trơn tru khi những tồn tại của cơ chế cũ được xử lý, được giải quyết.
Giảm 500 đồng/lít là cái chúng tôi có thể làm được vào thời điểm này. Tuy nhiên, nếu diễn biến tình hình thuận lợi hơn nữa, chúng tôi sẽ xem xét để có điều chỉnh.
Chúng tôi luôn xuất phát từ những mục tiêu: một là, điều chỉnh các mặt hàng, vận hành việc điều chỉnh giá cả theo cơ chế thị trường mới được xác lập; hai là, thể hiện trách nhiệm xã hội của Tổng công ty xăng dầu Việt Nam đối với người tiêu dùng, và ba là, đồng thời góp phần thực hiện mục tiêu của Chính phủ đề ra là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vi mô và đảm bảo an sinh xã hội.
Không vì tồn hàng dự trữ cũ mà trì hoãn điều chỉnh giá
- Nhưng bản thân các DN không dại gì giảm giá để giảm lợi nhuận?
Việc tổ chức kinh doanh của Petrolimex, chúng tôi có trách nhiệm với nhà nước, có trách nhiệm với người tiêu dùng. Trong điều kiện giá xăng dầu thế giới có xu hướng giảm dần, DN bắt đầu có lợi nhuận, chúng tôi bắt đầu nghĩ tới chuyện giảm giá bán, và thực tế, chúng tôi đã giảm nhiều lần.
Đợt giảm giá lần 4, chúng tôi thậm chí đã báo cáo lên liên bộ từ ngày 14/10 mà sau 2 ngày vẫn chưa có phản hồi trở lại. Nhưng xét thấy trách nhiệm của DN với xã hội, với người tiêu dùng, chúng tôi quyết định điều chỉnh giá với liên bộ gửi từ trước. Đó chính là điều thể hiện trách nhiệm của chúng tôi.
- Có người lí giải nguyên nhân của việc giảm giá chậm là do trong vài tháng qua, Petrolimex đã nhập về một lượng xăng dầu quá lớn với mức giá cao là 130 USD/thùng và đến nay, nếu không bán hết số lượng xăng dầu lớn như vậy, khó có thể giảm giá được?
Đối với các DN, bao giờ cũng phải đảm bảo nhập khẩu trong đó có phần dữ trữ cho lưu thông của từng DN mình. Mỗi DN có cách làm khác nhau. Tuy nhiên, đối với Petrolimex, với vai trò nhà nước giao là chủ đạo trong bình ổn thị trường xăng dầu, chúng tôi luôn đặt trọng vấn đề an toàn năng lượng quốc gia, do đó, trong tổ chức nhập khẩu, dự trữ, lưu thông, phân phối, Petrolimex bao giờ cũng tính phương án an toàn.
Bây giờ, tình hình thuận lợi là giá xăng dầu thế giới giảm. Nếu cũng căng thẳng như tháng 7, tháng 8, giá tiếp tục leo thang, cao vọt lên, và việc tìm nguồnhàng khó khăn, nếu không đủ dự trữ, để xảy ra tình trạng thiếu xăng dầu, trách nhiệm đó thuộc về ai?
Theo tôi, cần nhìn nhận vấn đề thấu đáo ở các góc độ.
Tuy nhiên, không phải vì tồn lượng dự trữ lớn mà Petrolimex trì hoãn vận hành quy chế kinh doanh xăng dầu theo giá thị trường. Một mặt, chúng tôi phải tiếp tục giải quyết vấn đề tồn tại cũ. Mặt khác, chúng tôi cho vận hành ngay việc kinh doanh theo đúng cơ chế kinh tế thị trường.
Có chuyện "bắt tay" kìm điều chỉnh giá không, hãy hỏi cơ quan quản lý nhà nước
- Các DN cũng cho biết, khi áp dụng cơ chế thị trường, phí hoa hồng đã cao gấp đôi trước kia. Đây là lí do khiến các DN kinh doanh xăng dầu không thể hạ giá bán hơn được nữa?
Tôi cũng nghe nói việc này nhưng thông tin phí hoa hồng cao ở đâu thì tôi không biết. Với Petrolimex, giá cao tối đa chỉ 500 đ/lít cho các DN của chúng tôi.
- Có hay không sự bắt tay giữa các DN kinh doanh xăng dầu trong việc kìm việc giảm giá, đảm bảo lợi nhuận?
Dư luận có quyền đặt vấn đề như vậy, nhưng dưới góc độ DN, chúng tôi khẳng định không có chuyện như vậy. Còn có việc đó thật hay không, người trả lời đúng nhất có lẽ là các cơ quan quản lý nhà nước. Bởi chúng ta nói kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường nhưng có sự quản lý của nhà nước. Theo tôi, trách nhiệm quản lý chính là ở chỗ này.
DN đăng kí giá không hợp lý, chính quyền có thể can thiệp
- Dư luận đòi hỏi sự minh bạch hoá việc kinh doanh và nhập khẩu xăng dầu. Như ông nói, thời điểm này Petrolimex đang nhập với giá 91 USD/thùng, thì việc hạch toán giá bán như thế nào?
Tất cả những thông tin về giá thành nhập khẩu cũng như giá bán xăng dầu của Petrolimex đều rất công khai, minh bạch ở chỗ tất cả lượng hàng chúng tôi nhập về đều thông qua cơ quan quản lý nhà nước. Ví dụ, lượng hàng nhập từng chuyến tàu, số lượng, giá bao nhiêu, hải quan đều nắm rõ, thông qua rất nhiều thủ tục. Hai là, khi đăng kí giá bán với liên bộ, chúng tôi đều có tính toán kèm theo rõ ràng. Do đó, không có lí do gì để nói rằng không có chuyện công khai, minh bạch trong xác định tổ chức kinh doanh xăng dầu của Petrolimex.
Hệ thống cơ quan quản lý nhà nước quản lý ở đây cũng rất chặt chẽ, nhất là trong thời gian dài nhà nước bù lỗ từ ngân sách. Khi nhà nước bù lỗ, việc kiểm toán, thanh tra của các cơ quan quản lý nhà nước với các DN được bù lỗ cũng rất chặt chẽ. Nếu nói chúng tôi không công khai, minh bạch thì không thật chính xác.
- Nhiều DN tính toán, với giá xăng hiện nay trên thế giới, nhập về VN, giá bán sẽ là 13.000 đ/lít. Thực tế, Petrolimex nhập về thì giá thành là bao nhiêu?
Việc các DN khác như thế nào tôi không biết, nhưng với Petrolimex, chúng tôi căn cứ vào giá nhập khẩu, các loại thuế mà nhà nước quy định, cũng như chi phí của DN để xác định giá bán và chúng tôi đăng kí giá bán này với liên bộ. Trong quy định của nhà nước, nếu đăng kí giá của DN không hợp lý, các cơ quan quản lý nhà nước có quyền can thiệp vào việc đăng kí giá của DN, làm sao đảm bảo giá đăng kí bán của DN đúng với thị trường.
DN giảm giá vẫn đảm bảo "lợi nhuận hợp lý"
- Cụ thể, Petrolimex đã tính toán như thế nào để ra quyết định giảm 500 đ/lít mới đây?
Sau khi đã tính toán, với mức thuế đang nộp, trích 1000 đ/lít trước thuế để trả khoản tạm ứng bù lỗ xăng cho nhà nước, và lợi nhuận hợp lý, chúng tôi quyết định giảm giá lần này là 500 đ/lít.
Chúng tôi không vì áp lực xã hội mà điều chỉnh giá, mà là trách nhiệm xã hội của DN với nhà nước và người tiêu dùng. Còn DN nào kinh doanh chẳng muốn có lợi nhuận cao, nhưng phải tính đến sự hài hoà quyền lợi của 3 bên. Chỉ đứng về một phía, sẽ không giải quyết được.
Bây giờ, chúng ta mới bắt đầu vận hành cơ chế kinh doanh xăng
Mới vận hành, sẽ có những trục trặc, bất cập. Nếu duy trì, tiếp tục, mọi vấn đề sẽ theo chiều hướng tích cực, không cần lo lắng. Mọi vấn đề sẽ bình tĩnh, khắc phục dần và sẽ đi vào quỹ đạo sớm"
- Có nghĩa khi giảm, trích trả nợ ngân sách, Petrolimex vẫn đảm bảo không lỗ?
Đúng vậy. Về nguyên tắc, đến thời điểm hiện nay, sau khi làm các nghĩa vụ với nhà nước, và có điều chỉnh giá như hiện nay, DN vẫn có lợi nhuận và đó là khoản lợi nhuận hợp lí. Chắc chắn nhà nước không thể để DN có khoản lợi nhuận khổng lồ được.
- Petrolimex lãi bao nhiêu tiền một lít khi nhập khẩu với giá bình quân như hiện nay?
Giá như ngày hôm nay chúng tôi cũng chưa nhập khẩu được, nên cũng không thể nói là lãi bao nhiêu.
- Bộ trưởng Tài chính đã trình hai phương án: giảm giá xăng hoặc tăng thuế nhập khẩu xăng. Liệu khi Chính phủ áp dụng tăng thuế nhập khẩu xăng dầu, Petrolimex có giảm giá bán nữa không?
Nhà nước trong thời gian dài bù lỗ hàng chục nghìn tỉ cho người dùng xăng dầu. Thời điểm này, giá thế giới giảm, bắt đầu có lãi, nhà nước có áp thuế cao hơn để bù lại khoản bù lỗ trong thời gian giá cao, cũng là chính đáng trong điều hành của nhà nước.
DN trong một thời gian dài lỗ, riêng Petrolimex từ đầu 2008 đến nay lỗ trên 1600 tỷ đồng tiền xăng, mặt hàng chúng tôi không được bù lỗ của nhà nước, đến thời điểm này có chút lợi nhuận, thì DN cũng phải dành một khoản lợi nhuận hợp lý để bù đắp một phần lỗ. Việc lỗ không thể giải quyết trong một sớm một chiều mà phải một thời gian dài. Chí ít DN phải có tích luỹ để bù lại lỗ.
Thời điểm này, giá bắt đầu rẻ, người tiêu dùng mong muốn được sử dụng sản phẩm giá rẻ hơn. Điều đó cũng chính đáng. Tuy nhiên, đứng trước điều kiện thực tế hiện nay, chúng tôi cũng cố gắng giảm giá để đảm bảo nhu cầu người tiêu dùng. Nếu nhà nước có quyết định tăng thuế nhập khẩu, DN có trách nhiệm phải thực hiện. Chúng tôi cũng đã chủ động tính đến những phương án như thế này.
Nếu nhà nước tăng thuế, xu hướng thuận lợi, chúng tôi vẫn tiếp tục điều chỉnh giảm giá nếu điều kiện cho phép. DN chỉ tính toán và quyết định các phương án khi mình có trong tay, cái gì trong tương lai rất khó. Chúng tôi tính toán trong phạm vi những hàng mình có trong tay, giá như thế nào để có quyết định điều chỉnh. Nếu sau này thuận lợi, người dân sẽ được hưởng lợi.
- Xin cảm ơn ông!.
vnn
|