Thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn ở Bạc Liêu
Trong những năm qua, Bạc Liêu đã đề ra nhiều giải pháp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, nhưng vẫn đang tiềm ẩn nguy cơ thiếu bền vững; đời sống của một bộ phận nhân dân còn khó khăn đòi hỏi Ðảng bộ, chính quyền cần có các giải pháp cụ thể, đồng bộ hơn nữa.
Ðiệp khúc "trồng, chặt"
Mấy năm trở lại đây, điệp khúc "trồng, chặt" diễn ra nhiều nơi ở Bạc Liêu. Nhiều hộ nông dân hết phá lúa, cây ăn trái lấy đất nuôi tôm, lại thi nhau chặt phá các loại cây trồng, phá rẫy, chuyển diện tích nuôi tôm cá sang trồng lúa...
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Bạc Liêu, diện tích trồng lúa của tỉnh từ cuối năm 2007 đến nay tăng lên khá nhanh. Kế hoạch năm 2008, diện tích sản xuất theo mô hình lúa - tôm của tỉnh gần 19.500 ha, nhưng nay đã tăng lên hơn 30.000 ha. Ðể tăng diện tích đất trồng lúa, hoặc thực hiện mô hình sản xuất lúa- tôm, nhiều hộ nông dân ở huyện Hồng Dân và Phước Long đã đua nhau phá rừng tràm để trồng lúa.
Chỉ tính riêng ở xã Ninh Quới (Hồng Dân), nông dân đã phá hơn 120 ha rừng tràm và vườn tạp để làm từ 2 đến 3 vụ lúa. Còn ở Phước Long, nông dân cũng đã phá gần 50 ha rừng tràm (trong tổng diện tích hơn 90 ha rừng tràm) để trồng lúa.
Tại các xã Vĩnh Hưng, Vĩnh Hưng A (huyện Vĩnh Lợi) và xã thị trấn Ngan Dừa, xã Ninh Thạnh Lợi, Lộc Ninh (huyện Hồng Dân)..., chính quyền địa phương và ngành nông nghiệp còn phát động phong trào cải tạo vườn tạp bằng việc phá các cây trồng sẵn có để trồng cam, quýt và loại cây ăn trái khác. Nhiều hộ dân được vay vốn để phát triển vườn cây, ao cá từ vài triệu đồng cho đến 30 triệu đồng. Ðến khi phong trào nuôi tôm rộ lên, thế là nhiều diện tích đang trồng cây, nuôi cá phải cải tạo lại để nuôi tôm.
Nhiều nông dân ở huyện Hồng Dân cho biết: Con tôm sú chỉ nuôi được một thời gian là thất bại, nông dân ở đây lại bỏ tôm để quay sang trồng cây ăn trái. Còn mấy tháng trước đây lại đốn cây để trồng lúa. Ðiệp khúc hết trồng lại chặt không chỉ làm hao tốn công sức, tiền của, mà còn để lại những hậu quả nặng nề về kinh tế - xã hội, môi trường...
Những khó khăn, vướng mắc
Theo kỹ sư Lương Ngọc Lân, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bạc Liêu, hiện nay, phần lớn hộ nghèo, hộ không có đất sản xuất, không nghề nghiệp tập trung ở nông thôn. Nguyên nhân chủ yếu là công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn chất lượng chưa cao; chậm chuyển biến trong điều chỉnh cơ cấu đầu tư cho phù hợp yêu cầu chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn...
Bên cạnh đó, nhiều vùng dân cư, vùng đồng bào dân tộc đời sống khó khăn; việc huy động đóng góp xây dựng công trình hạn chế; tập quán của dân cư nông thôn là sinh sống rải rác nên việc đầu tư công trình tốn kém nhưng hiệu quả phục vụ không cao. Toàn tỉnh hiện có hơn 130.800 hộ làm nông nghiệp, nhưng chỉ có 202.000 ha đất sản xuất, bình quân 1,45 ha/hộ.
Ðất nông nghiệp bình quân trên một lao động đang làm việc trong lĩnh vực nông, lâm, ngư, diêm nghiệp ở mức thấp (0,67% ha/lao động). Nhiều ngành nghề ở nông thôn chậm phát triển, hàng hóa chất lượng chưa cao, khó tiêu thụ. Vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn của tỉnh nhiều năm còn ở mức thấp, gây khó khăn trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn...
Ông Hồ Hữu Ðức, Chủ tịch Hội Nông dân Bạc Liêu cho rằng: "Toàn tỉnh hiện có 80% dân số là lực lượng lao động, nhưng tình trạng nông dân không đất, không vốn, không được đào tạo nghề... đang trở thành bài toán khó tìm lời giải, là vấn đề bức xúc của các cấp chính quyền và các ngành chức năng địa phương.
Theo khảo sát của Hội Nông dân tỉnh, Bạc Liêu hiện có hơn 83% lao động không qua đào tạo nghề, không bằng cấp, không chứng chỉ... Ðáng lưu ý, hàng loạt các lớp dạy nghề được mở nhưng có rất ít nông dân tham gia, trong khi chính bản thân nông dân không biết phải học cái gì để có hiệu quả lâu dài!
Qua tiếp xúc với nhiều nông dân, chúng tôi được biết, điều mà bà con hiện đang rất cần là sử dụng giống lúa mới để giảm chi phí, giảm rủi ro; đầu tư hạ tầng cho sản xuất nông nghiệp; vấn đề tiêu thụ sản phẩm; xây dựng các tổ hợp tác để tính đến chuyện liên kết bốn nhà (nhà nông, Nhà nước, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp). Ngoài ra, nông dân đang rất cần các Ngân hàng Nông nghiệp, Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay vốn thỏa đáng... Ðó là những vấn đề bức xúc và thiết thực đối với nông dân Bạc Liêu nói riêng và cả nước nói chung".
Giải pháp khắc phục
Ðể đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn ở Bạc Liêu, theo chúng tôi, ngoài sự nỗ lực của các cấp ủy Ðảng, chính quyền và ngành nông nghiệp, còn đòi hỏi ý chí tự lực vươn lên của nông dân, nhất là những hộ dân nghèo. Thực tế cho thấy, trong quá trình thực hiện quy hoạch sản xuất ở Bạc Liêu đã bộc lộ một số bất hợp lý giữa thực tế sản xuất với quy hoạch được duyệt. Nông dân sản xuất nhiều loại sản phẩm, nhưng lại phân tán, manh mún, không gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm; năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của nhiều loại nông sản, thực phẩm không cao.
Vì vậy, tỉnh cần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Bảo vệ quỹ đất lúa sản xuất từ 2 vụ/năm trở lên, có hệ thống thủy lợi bảo đảm tưới tiêu, hình thành vùng sản xuất lúa chất lượng cao, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực trên địa bàn tỉnh. Ðẩy mạnh phát triển chăn nuôi, nhất là chăn nuôi theo hướng trang trại, công nghiệp, bán công nghiệp và an toàn sinh học.
Phát triển mạnh công nghiệp chế biến, ngành nghề, dịch vụ và công nghiệp nông thôn; nhất là phát triển làng nghề, các cụm công nghiệp và dịch vụ. Ðẩy mạnh chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang ngành nghề phi nông nghiệp. Ðổi mới cơ chế, chính sách phù hợp với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, nhằm hỗ trợ và tạo điều kiện cho nông dân và các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Có các biện pháp hạn chế và khắc phục các xu hướng nông dân bị mất đất sản xuất, mất việc làm trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa... Khuyến khích phát triển mạnh các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn. Tạo môi trường đầu tư tốt để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đáp ứng các yêu cầu phát triển lâu dài; nâng cao nguồn nhân lực trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn...
Giải quyết đồng bộ, kịp thời các giải pháp nêu trên, chắc chắn sẽ tạo động lực mới giúp Bạc Liêu thực hiện nhanh và hiệu quả mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, làm thay đổi diện mạo nông thôn trong thời kỳ đổi mới.
nhân dân
|