Việt Nam có chịu tác động từ khủng hoảng tài chính toàn cầu nhưng không lớn
Ý kiến của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc, tại cuộc họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kỳ họp thứ 13.
Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay được cho là nghiêm trọng nhất kể từ sau cuộc đại khủng hoảng kinh tế thế giới 1929 - 1933, với quy mô lớn, diễn biến phức tạp và hậu quả nặng nề hơn so với dự báo trước đây. Kinh tế thế giới đang đứng trước nguy cơ suy thoái. Tình hình này tác động tiêu cực đến nền kinh tế nước ta, đặt ra cho chúng ta những nhiệm vụ khó khăn về ổn định kinh tế vĩ mô và duy trì tăng trưởng trong thời gian tới. Hiện nhiều người đặt câu hỏi, nền kinh tế Việt Nam bị tác động, ảnh hưởng ra sao trước khủng hoảng tài chính thế giới nói chung, nền kinh tế Mỹ nói riêng. Sau khi phân tích, tính toán, chúng tôi đưa ra dự báo: nền kinh tế Việt Nam chắc chắn bị tác động, ảnh hưởng nhưng không lớn.
Hoạt động xuất khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài là 2 lĩnh vực chịu tác động lớn nhất từ cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ của Mỹ và châu Âu. Hiện tại, tỷ trọng hàng hoá xuất khẩu vào Mỹ chiếm 18 - 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam vào các nước thuộc Liên minh châu Âu (thị trường tài chính - tiền tệ chịu tác động lớn thứ 2 sau Mỹ) chiếm khoảng 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Mặc dù 2 thị trường lớn này đang chịu tác động bởi cơn bão tài chính - tiền tệ khiến thu nhập của người dân giảm, nhu cầu tiêu dùng cũng giảm theo, nhưng hàng xuất khẩu của nước ta vào 2 thị trường này chủ yếu là các mặt hàng nông sản, thực phẩm nên hầu như không chịu ảnh hưởng. Bởi dù có gặp khó khăn thì người dân vẫn không thể giảm được nhu cầu tiêu dùng hàng nông sản, thực phẩm. Mỹ và Liên minh châu Âu cũng là 2 thị trường nhập khẩu lượng lớn hàng hoá tiêu dùng của Việt Nam, đặc biệt là hàng may mặc, giày dép… Theo tôi, những mặt hàng tiêu dùng xuất khẩu của Việt Nam cũng không chịu nhiều tác động, vì trên thực tế, hàng hoá xuất khẩu của nước ta chỉ có chất lượng vừa phải và đối tượng khách hàng chính là tầng lớp người dân có thu nhập trung bình nên dù có gặp khó khăn về tài chính, họ vẫn phải nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Ảnh hưởng lớn thứ hai là đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam. Đứng trước cơn suy thoái kinh tế, tất nhiên DN của châu Âu và Mỹ sẽ giảm đầu tư ra nước ngoài nên việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam từ 2 thị trường này cũng bị tác động, nhưng không lớn. Bởi hiện tại, đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Mỹ chỉ đứng vị trí thứ 10 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư lớn nhất vào Việt Nam, nếu tính cả phần đầu tư của các DN Mỹ tại nước thứ 3 vào Việt Nam thì đầu tư trực tiếp từ Mỹ cũng chỉ đứng ở vị trí thứ 7 trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư lớn nhất vào Việt Nam tính đến thời điểm này. Đầu tư từ các nước EU vào Việt Nam hiện vẫn đứng ngoài Top 10 nên dù có bị giảm đầu tư trực tiếp nước ngoài do giảm nguồn đầu tư từ châu Âu và Mỹ thì kết quả thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2009 cũng không bị giảm đáng kể, do nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam vẫn chủ yếu đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực, đặc biệt là từ Singapore, Đài Loan, Hồng Kông…
Tác động còn lại được nhiều người đặt câu hỏi là lượng tiền mà các NHTM Việt Nam gửi tại các ngân hàng của Mỹ và châu Âu đang trong thời kỳ khủng hoảng thì sao? Tôi khẳng định rằng, chúng ta không bị ảnh hưởng do các NHTM Việt Nam không gửi tiền trực tiếp vào các NHTM châu Âu và Mỹ nói chung, các NHTM bị thua lỗ ở 2 khu vực này nói riêng.
đtck
|