Thứ Sáu, 17/10/2008 11:33

Cửa xuất khẩu vào UAE rộng mở

Nằm ở vị trí đắc địa, cửa ngõ thương mại của khu vực Trung Đông, môi trường kinh doanh thuận lợi dựa trên cơ sở không có thuế, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) là đối tác không nên bỏ qua.

Thị trường này là xứ sở của các ông hoàng Arab và những người bản xứ giàu có, nên họ luôn tiêu dùng hàng “xịn”. Ngoài ra, số lượng người lao động đến đây ngụ cư cũng rất đông nên hàng chất lượng trung bình cũng có chỗ đứng. Với một thị trường không khắt khe như vậy, cánh cửa mở ra cho hàng hoá Việt Nam xâm nhập không hề hẹp chút nào!

Thị trường lớn, cổng vào rộng

Môi trường kinh doanh của Dubai rất thuận lợi, được dựa trên cơ sở không có thuế: không thuế thu nhập doanh nghiệp, không thuế VAT, thuế nhập khẩu cao nhất 5%, trừ một số mặt hàng đặc biệt rượu, thuốc lá. Thậm chí, một số mặt hàng được miễn thuế nhập khẩu hoàn toàn.

Ông Đỗ Tuấn Phong, Phó chánh văn phòng Cục Xúc tiến thương mại, người đã có nhiều năm gắn bó với doanh nghiệp Việt Nam tại UAE cho biết khi hàng đã nhập vào Dubai rồi thì doanh nghiệp có thể thoải mái kinh doanh không lo phải đóng thuế cho Nhà nước. “Tuy không phải đóng thuế nhưng các chi phí hành chính tại đây lại rất cao”, ông Phong lưu ý.

Tháng 2/2007, chính quyền Dubai đã chính thức công bố chiến lược Dubai đến 2015 đầy tham vọng. Theo đó, tiếp tục duy trì Dubai là cửa ngõ kinh tế và trung tâm trung chuyển hàng hoá lớn sau Hong Kong và Singapore; tăng cường phát triển hạ tầng (viễn thông, giao nhận vận tải, tài chính, ngân hàng...) tăng cường phát triển các dịch vụ du lịch. Đây là cơ chế thuận lợi cho các doanh nghiệp đến Dubai kinh doanh.

Tuy nhiên, có một điểm đáng lưu ý là luật pháp UAE không cho phép các nhà đầu tư nước ngoài được trực tiếp mở công ty mà phải có người bảo lãnh hoặc chia sẻ vốn kinh doanh. Tức là không được lập công ty 100% vốn nước ngoài mà tỉ lệ đóng góp duy trì là 51-49.

Bên cạnh đó, UAE cũng bảo hộ rất mạnh cho hệ thống tiêu thụ sản phẩm trong nước, gây khó khăn cho doanh nghiệp nước ngoài. Chính quyền UAE cũng đang cân nhắc đến việc áp dụng thuế VAT. Nhưng theo nhận định của ông Phong thì chắc chắn từ nay đến 2010 họ vẫn chưa thể áp dụng được.

Mặc dù vẫn còn một số khó khăn nhưng theo ông Nguyễn Công Hiến, Phó vụ trưởng Vụ châu Phi-Tây Nam Á, Bộ Công Thương, chính sách ngoại thương của UAE rất cởi mở, kiểm soát hàng đơn giản. Nếu phân loại các rào cản ảnh hưởng đến quá trình dịch chuyển hàng hoá từ nước này sang nước khác là 4 loại: hàng rào thuế quan, phi thuế quan, tập quán, chính trị thì 2 loại ở Dubai không có (hàng rào thuế quan, phi thuế quan).

Thuế của UAE thấp và kiểm soát hàng hoá đơn giản, trừ một số mặt hàng tươi sống, thực phẩm phải kiểm định nhưng cũng không quá khó khăn. Chỉ cần người nhập khẩu chính thức có giấy phép nhập khẩu tại nước sở tại, tiến hành kiểm định thực phẩm là xong. Họ không có quota, áp đặt về tiêu chuẩn kỹ thuật một cách nặng nề như thị trường khác. Đây là điểm rất thuận lợi mà các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng được.

Việt Nam có nhiều mặt hàng xuất khẩu tiềm năng

Sau một loạt hoạt động xúc tiến thương mại, mặt hàng hải sản trong 2 năm gần đầy đã có chuyển biến rất tốt tại thị trường này. Dubai bắt đầu chấp nhận và tiêu dùng hải sản đông lạnh của Việt Nam. Với mặt hàng hải sản, có một điều lưu ý là cách tiếp thị rất đặc thù: rất khó khăn cho doanh nghiệp tiếp thị đơn lẻ. Từ kinh nghiệm thực tế, ông Phong cho rằng nên tiếp thị theo một tổ chức như đi theo hiệp hội ngành hàng, tham gia hội chợ.

Đồ gỗ, sản phẩm nội thất là mặt hàng đang bắt đầu “nóng” tại UAE. Đất nước này đang bùng nổ các dự án xây dựng nên nhu cầu về sản phẩm đồ gỗ đi kèm theo các dự án rất lớn. Nhìn chung, thị hiếu của họ vẫn mang tính châu Âu, chất lượng đảm bảo chắc chắn.

Điều đó không gây khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam vì đã có kinh nghiệm xuất khẩu sang thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản. Nhưng làm thế nào có thể xuất khẩu được hàng đồ gỗ này khi doanh nghiệp đã có khả năng về chất lượng, đáp ứng về kiểu dáng lại không đơn giản. Thị trường của Dubai hiện nay có một đặc trưng là chuyên doanh. Tức là tất cả các kênh phân phối hầu hết đã bị thâu tóm bởi những thị trường truyền thống. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh để chen vào thị trường phân phối đó là cực kỳ vất vả và sẽ bị ép giá.

Theo lời khuyên của ông Phong, các doanh nghiệp nên tham gia trực tiếp vào các dự án đang được triển khai, như cung cấp toàn bộ thiết bị nội thất cho một khu resort hay khách sạn 5 sao. Làm được như vậy lợi nhuận sẽ rất cao, và là bàn đạp để tiến vào thị trường. “Cách tham gia vào dự án sẽ giúp doanh nghiệp lách qua được khó khăn mà không đòi hỏi phải có kinh nghiệm về thị trường”, ông Phong nhấn mạnh.

Nông sản và thực phẩm là mặt hàng truyền thống của Việt Nam xuất sang thị trường Trung Đông. Đây cũng là thị trường tiêu thụ lớn nhất mặt hàng này. Do thói quen ăn uống, người dân ở đây dùng rất nhiều đồ gia vị.

Mặt hàng này dù doanh số xuất khẩu không phải là cao nhưng ông Phong cho rằng các doanh nghiệp nên duy trì, đặc biệt với hạt tiêu. Bởi vì hiện nay chúng ta đã chiếm lĩnh được thị trường này với mặt hàng hạt tiêu. Nhưng cũng không phải không có khó khăn. Đối với hàng nông sản, giá cả lên xuống rất thất thường, không dự báo trước được. Vì vậy, vai trò dự báo, khai thác thị trường của các hiệp hội rất quan trọng.

Thực phẩm chế biến trong đó chè và cà phê là 2 mặt hàng mạnh của Việt Nam. Thành tích trong xuất khẩu của Việt Nam ở các thị trường luôn có 2 sản phẩm này. Nhưng tại thị trường Trung Đông, nơi tiêu thụ mạnh chè và cà phê nhưng cung cầu lại không gặp được nhau. Lí giải cho thực tế này, ông Phong cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam chưa tạo ra sản phẩm giá trị gia tăng cao, vẫn xuất mang tính nguyên liệu với chất lượng thấp.

Dệt may, giày dép cũng là mặt hàng xuất khẩu tương đối tốt vào thị trường UAE. Có thể chia làm 2 phân đoạn: một dành cho thương hiệu mạnh đã có uy tín trên thị trường được bán với giá cao vì Dubai là một trung tâm mua sắm của khu vực Trung Đông. Người tiêu dùng ở đây sẵn sàng mua quá nhu cầu. Mặt hàng này các doanh nghiệp Việt Nam đã vào được nhưng hầu hết là hàng gia công cho Nike, Adidas, Zara...

Phân khúc thứ hai là thị trường hàng có chất lượng thấp. Bởi vì ngoài tiêu dùng tại chỗ, Dubai còn là nơi trung chuyển đi khoảng 200 nước thế giới với 1,4 tỉ dân. Vì vậy những sản phẩm thương hiệu thấp chúng ta cũng có thể bán được ở đây. Nói như cách của ông Hiến là “thượng vàng hạ cám” đều có thể bán được ở đây.

Vật liệu xây dựng đang được xem là một hướng mới cho doanh nghiệp. Hiện nay, UAE đang có nhu cầu thép phục vụ xây dựng. Nói như vậy có vẻ như “chở củi về rừng” bởi vì UAE vẫn nổi tiếng là nước xuất khẩu nhiều thép, nhôm. Nhưng trên thực tế, họ vẫn đang nhập thép vì tính đa dạng của thị trường tiêu thụ này. Với cơ cấu dân số trên 4,5 triệu người mà chỉ có trên 1 triệu dân là người bản địa, lại là những người giàu, còn lại hơn 3 triệu người là lực lượng lao động.

Vì vậy, bên cạnh những công trình đòi hỏi chất lượng rất cao thì nhu cầu cho những công trình ở mức độ vừa phải cũng rất lớn. Do đó thị trường vật liệu cũng rất tiềm năng dành cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Chỉ có một vướng mắc lớn là vận chuyển từ Việt Nam sang UAE khá xa và tốn kém...

tbktvn

Các tin tức khác

>   Dấu hiệu bất thường trong đấu giá “đất vàng” ở TP.HCM (17/10/2008)

>   Chống tội phạm công nghệ cao: Vũ khí pháp lý còn yếu (17/10/2008)

>   Các doanh nghiệp Việt Nam nhận giải thưởng "Top 500 Nhà bán lẻ khu vực châu Á-Thái Bình Dương 2008" (17/10/2008)

>   ADB hỗ trợ phát triển du lịch tại Việt Nam và Lào (17/10/2008)

>   Năm 2009, phấn đấu GDP bình quân/người khoảng 1.200 USD (17/10/2008)

>   Những giải pháp bảo vệ Nhà máy lọc dầu Dung Quất (17/10/2008)

>   Phạt tiền, tạm đình chỉ sản xuất của Miwon (17/10/2008)

>   Bục bể xăng, hàng nghìn mét khối tràn ra ngoài (17/10/2008)

>   Đại biểu Quốc hội băn khoăn về tốc độ tăng trưởng kinh tế (17/10/2008)

>   Không nên "quay lưng" với bất động sản (17/10/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật