Thứ Sáu, 17/10/2008 11:13

Chống tội phạm công nghệ cao: Vũ khí pháp lý còn yếu

Thời gian gần đây, số lượng những vụ vi phạm pháp luật trên mạng Internet  trong các lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, đầu tư tài chính... đã tăng lên đáng kể.

Trong một nền kinh tế đang phát triển và hội nhập, đấu tranh với đối tượng tội phạm này là một thách thức đối với lực lượng cảnh sát kinh tế.

Không chỉ thiếu sức người và hạn chế tầm công nghệ, cơ sở pháp lý còn là cản trở lớn trong công tác đấu tranh phòng chống loại tội phạm này. Thực tế đã xảy ra khá nhiều vụ vi phạm trong các lĩnh vực nêu trên.

Quản lý còn lỏng lẻo

Lừa đảo dưới dạng hoạt động đầu tư tài chính đa cấp qua mạng internet, điển hình là vụ Colony, xảy ra trên 38 tỉnh, thành phố. Sơ hở trong quản lý và quản trị hệ thống của ngân hàng cũng đã gây ra một số vụ đối tượng làm trái quy định trong kinh doanh ngoại tệ trên mạng, gây thiệt hại cho ngân hàng Việt Nam.

Một số trường hợp, đối tượng đột nhập vào mạng ngân hàng, ăn cắp mật khẩu, tạo lệnh chuyển tiền giả nhằm ăn cắp, tham ô tiền của ngân hàng.

Trong lĩnh vực chứng khoán, đã xảy ra các hành vi thông đồng, cấu kết, cùng một lúc vừa đặt lệnh mua, vừa đặt lệnh bán với khối lượng lớn để thao túng giá, vào các website để sửa thông tin doanh nghiệp.

Từ năm 2007 đến nay, Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã phát hiện xử lý hành chính trên 125 vụ vi phạm theo hình thức này.

Theo điều tra, nghiên cứu của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế, có một số nguyên nhân của những vụ vi phạm trong các lĩnh vực này.

Thứ nhất, đầu tư trang bị công nghệ thông tin của các ngành, các cấp còn thiếu, chưa đồng bộ, con người sử dụng công nghệ thông tin còn yếu.

Thứ hai, Luật pháp về các lĩnh vực chưa đáp ứng khi công nghệ thông tin ra đời và áp dụng rộng rãi tại Việt Nam. Quản lý Nhà nước về áp dụng công nghệ thông tin và các văn bản hướng dẫn dưới luật cũng chưa quy định chặt chẽ. Bộ luật hình sự và Tố tụng hình sự cũng chưa quy định về lĩnh vực công nghệ thông tin. Tội phạm lại đánh trúng vào lòng tham của người dân, nhà đầu tư kinh doanh.

Đối với hoạt động kinh doanh đầu tư tài chính, vàng, ngoại tệ qua mạng internet, theo ông Bùi Văn Hà, Phó cục trưởng Cục Phòng chống tội phạm công nghệ cao - Bộ Công an, đây thực chất là loại hình kinh doanh tài khoản. ở các nước có nền kinh tế phát triển, các loại hình kinh doanh trên là bình thường, do các tập đoàn tài chính được phép thực hiện.

Tại Việt Nam, hiện nay Ngân hàng Nhà nước chỉ thí điểm cấp giấy phép kinh doanh vàng trên tài khoản cho 15 ngân hàng và doanh nghiệp, còn việc mua bán ngoại tệ trên tài khoản là nghiệp vụ kinh doanh của các ngân hàng thương mại.

"Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước chưa có biện pháp tích cực và chủ động để giải thích, hướng dẫn cho doanh nghiệp và nhân dân", ông Hà nhận xét.

Trong thời gian qua, mặc dù khó khăn về nhiều mặt, lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế đã đấu tranh hiệu quả với những vụ án này.

Nhận xét về công tác phối hợp giữa lực lượng công an và ngân hàng tài chính, Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Lê Thế Tiệm, cho rằng, sự phối hợp của ngành công an và ngân hàng tài chính trong thời gian qua bước đầu là khá tốt, ngăn chặn được nhiều vụ, nhưng với đòi hỏi của tình hình mới, phối hợp của chúng ta chưa đúng, chưa đúng tầm, số vụ được phát hiện còn thấp so với tiềm ẩn.

Sửa đổi các luật cho phù hợp thực tế

Về cơ sở pháp lý, Bộ Luật hình sự năm 1999 đã sửa đổi bổ sung 3 điều luật liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin. Tuy nhiên, chỉ với 3 điều luật nói trên, Bộ luật hình sự hiện hành không thể bao quát hết mọi hành vi phạm tội thực hiện thông qua sử dụng công nghệ thông tin, nhất là các hành vi phạm tội công nghệ cao đang xảy ra một cách phổ biến.

Hành vi lợi dụng hoạt động đầu tư tài chính đa cấp, mua bán vàng, ngoại tệ thông qua mạng internet để thực hiện hành vi chiếm đọat tài sản nói riêng cũng như một số tội phạm sử dụng công nghệ cao để chiếm đọat tài sản nói chung có thể bị xử phạt hình sự theo các quy định truyền thông của Bộ Luật hình sự về chiếm đọat tài sản.

Tuy nhhiên, "do các hành vi này có đặc thù là sử dụng máy tính, mạng internet như một công cụ phạm tội nên nếu vẫn giữ chính sách, phương pháp truyền thống để xử lý các loại tội phạm này thì sẽ có nhiều điểm bất cập", bà Đỗ Thúy Vân, Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp cho biết.

Bởi vì, về bản chất, các tội phạm này được thực hiện với nhiều thủ đoạn rất tinh vi, sau khi thực hiện xong hoàn toàn có thể xóa sạch các chứng cứ bằng cách sử dụng công nghệ tin học.

Theo bà Vân, việc này sẽ gây khó khăn cho hoạt động điều tra, xét xử thậm chí nhiều trường hợp có thể bó tay nếu chúng ta cứ áp dụng các phương pháp điều tra, thu thập chứng cứ truyền thống.

Trong lần sửa đổi bổ sung Bộ luật Hình sự sắp được trình Quốc hội, Ban soạn thảo đã nghiên cứu bổ sung tội sử dụng mạng viễn thông, mạng máy tính, mạng Internet hoặc thiết bị số để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản vào Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự.

Về pháp luật tố tụng hình sự, Bộ Tư pháp kiến nghị xem xét đối với loại tội phạm công nghệ cao với đặc trưng là thực hiện tội phạm với những phương thức hết sức tinh vi, và dễ dàng sử dụng công nghệ cao để xóa dấu vết sau khi thực hiện tội phạm, chúng ta nên thay đổi quan niệm về chứng cứ và cách thức thu thập chứng cứ truyền thông. Nghĩa là, cần bổ sung loại chứng cứ là dữ liệu điện tử có thể bao gồm hình ảnh, file mềm, video, các dữ liệu được lưu trong máy tính, mạng máy tính...

Bên cạnh đó, đối với loại tội phạm sử dụng công nghệ cao, cơ quan này cũng cho rằng, cần trao quyền cho cơ quan điều tra được sử dụng các kỹ thuật điều tra đặc biệt để thu thập chứng cứ, ví dụ, sử dụng kỹ thuật công nghệ máy tính để phục hồi lại các dữ liệu đã bị xóa..., cũng như quyền hạn ở phạm vi rộng hơn liên quan đến hoạt động thu thập các chứng cứ ở dạng dữ liệu điện tử. Ví dụ, quyền yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ mạng cung cấp thông tin, quyền truy cập máy tính và lấy dữ liệu.

tbktvn

Các tin tức khác

>   Các doanh nghiệp Việt Nam nhận giải thưởng "Top 500 Nhà bán lẻ khu vực châu Á-Thái Bình Dương 2008" (17/10/2008)

>   ADB hỗ trợ phát triển du lịch tại Việt Nam và Lào (17/10/2008)

>   Năm 2009, phấn đấu GDP bình quân/người khoảng 1.200 USD (17/10/2008)

>   Những giải pháp bảo vệ Nhà máy lọc dầu Dung Quất (17/10/2008)

>   Phạt tiền, tạm đình chỉ sản xuất của Miwon (17/10/2008)

>   Bục bể xăng, hàng nghìn mét khối tràn ra ngoài (17/10/2008)

>   Đại biểu Quốc hội băn khoăn về tốc độ tăng trưởng kinh tế (17/10/2008)

>   Không nên "quay lưng" với bất động sản (17/10/2008)

>   Dùng bột ngọt "đánh" hạt nêm? (17/10/2008)

>   Ứ đọng thép nguyên liệu và thành phẩm: Bộ Công Thương tìm cách gỡ (17/10/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật