Nhiều cung, tăng lo
Ủy ban Chứng khoán nhà nước cho biết, sắp có 43 DN chuẩn bị niêm yết tại (HoSE) và (HaSTC). Trước áp lực cân đối cung – cầu trên thị trường, nhà đầu tư (NĐT) sẽ phải làm gì?
Trong số 43 Cty chuẩn bị niêm yết, có những Cty có vốn điều lệ hàng nghìn tỷ đồng, điển hình như Cty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn – Hà Nội, vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng.
Theo anh Hải – NĐT trên sàn Bảo Việt, tới đây các danh mục đầu tư sẽ rất phong phú bởi nhiều nhóm ngành niêm yết, sẽ có nhiều lựa chọn cho các NĐT. Tuy nhiên, lại có những quan điểm không “mặn mà” với các cổ phiếu chuẩn bị lên sàn như chị Trang – NĐT sàn Vietcombank: với một nguồn cung mới, cổ phiếu trên thị trường sẽ bị pha loãng. Nếu các DN ào ào lên sàn, cung – cầu mất cân đối khiến thị trường có thể nhanh chóng bị lao dốc. Thậm chí có NĐT cứ thấy thông tin có Cty chuẩn bị niêm yết... là đã thấy sợ.
Theo Tiến sĩ Lê Thẩm Dương - Trưởng Khoa Quản trị Kinh doanh Trường ĐH Ngân hàng TP HCM, ở thời điểm thị trường đang điều chỉnh và chưa định hình xu hướng như hiện nay, NĐT rất sợ sẽ có cổ phiếu mới lên sàn. Có thể trước đây lượng hàng tung ra thị trường lớn hơn nhưng cũng không tác động nhiều đến tâm lý NĐT như hiện nay. Sự trồi sụt của thị trường chứng khoán thời gian qua khiến NĐT phân tán nguồn vốn sang nhiều kênh khác để đề phòng rủi ro. Vì thế, nguồn cầu trên thị trường hiện đã giảm sút rất nhiều. Chỉ cần một vài DN có mức vốn hóa lớn lên sàn, cung – cầu trên thị trường chắc chắn sẽ mất cân đối nghiêm trọng. “Một trong những yếu tố mà NĐT quan tâm là tính thanh khoản của cổ phiếu. Để nói cổ phiếu có tính thanh khoản thực sự hay không là không hề đơn giản, bởi ngay cả trong điều kiện thị trường bùng nổ, cung và cầu chứng khoán cũng chưa chắc gặp nhau, dẫn đến tính thanh khoản kém. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến cản trở cung cầu như: năng lực nhập lệnh của các Cty CK; Trung tâm Lưu ký bị quá tải dẫn đến lưu ký chậm, khó giao dịch khi cần thiết; yếu tố “room” cho NĐT nước ngoài cũng hạn chế giữa cung trong nước và cầu nước ngoài; thị trường OTC thiếu tính công khai, minh bạch cũng cản trở việc mua bán... Thị trường chính thức chưa triển khai các công cụ phái sinh và biên độ dao động bị giới hạn như hiện nay cũng khiến cho tính thanh khoản giảm đi khi thị trường có sự điều chỉnh giảm.
TS Dương cho rằng, hầu hết các NĐT vẫn còn đầu tư theo tâm lý. Vì thế, niêm yết ở thời điểm này các DN sẽ gặp nhiều khó khăn. Việc niêm yết, phát hành cổ phiếu ra công chúng, phát hành thêm để tăng vốn điều lệ... của các DN sẽ khiến thị trường bội thực nguồn cung, là một trong những nguyên nhân dẫn đến thị trường chứng khoán sụt giảm. Và trên thực tế, nó không chỉ tác động đến thị trường ở thời điểm nguồn hàng này được bung ra mà còn ảnh hưởng đến cả tâm lý của NĐT ngay trong thời điểm hiện tại.
dddn
|