Thứ Sáu, 22/08/2008 16:29

Vênh hàng tỷ đồng qua định giá cổ phần hóa

Bến xe Miền Đông (TP HCM) được xác định giá trị doanh nghiệp là 60 tỷ đồng khi bắt đầu cổ phần hóa, nhưng khi xét theo quy định mới, giá trị đội lên gấp 30 lần.

Ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, đưa ra ví dụ này trong báo cáo về giám sát thực hiện chính sách xử lý đất đai, mua bán cổ phiếu trong cổ phần hóa chiều 21/8. Đây cũng là lần đầu tiên Thường vụ Quốc hội bàn về định giá tài sản doanh nghiệp khi cổ phần hóa và các trường hợp tài sản nhà nước bị định giá thấp, dẫn đến thất thoát.

Công ty Đóng tàu An Phú (Bà Rịa - Vũng Tàu) ban đầu cũng được xác định giá trị doanh nghiệp ở mức 139 tỷ đồng, lợi thế kinh doanh là 0 VND. Khi định giá lại theo Nghị định 109 năm 2007, giá trị của doanh nghiệp và lợi thế kinh doanh đều là 159 tỷ đồng.

Tương tự, Công ty cổ phần du lịch Ngọc Lan (Lâm Đồng) kinh doanh khách sạn ở vị trí đắc địa trên diện tích đất thuê 2.292 m2. Khi định giá để cổ phần hoá, khu đất được xác định trị giá 3,5 tỷ đồng. Sau cổ phần hoá, cổ phần của nhà nước chiếm 30%, nhưng lại bị bán hết. Trường hợp tương tự cũng diễn ra với Khách sạn Phú Gia và một số nhà hàng, khách sạn tại Hà Nội và TP HCM.

Sở dĩ giá trị tài sản của doanh nghiệp được định giá bị chênh lệch, thậm chí lên đến hàng chục lần là do ban đầu, các quy định chưa quản lý được hoạt động định giá. Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong thời kỳ đầu cổ phần hóa, cơ chế lỏng lẻo nên dễ bị lợi dụng để xác định thấp hơn giá trị thị trường, đặc biệt với doanh nghiệp có lợi thế về đất đai, vị trí địa lý, uy tín, thương hiệu.

Cách đây không lâu, các chuyên gia kinh tế cũng đã lên tiếng về việc một số khu đất tại trung tâm Hà Nội được định giá vài tỷ đồng khi cổ phần hóa, trong khi giá trị thực gấp hàng chục lần. Ảnh: photobucket

Việc xác định giá trị doanh nghiệp cũng chủ yếu dựa trên sổ sách kế toán, nên dễ xảy ra thất thoát tài sản. Đến năm 2004 và 2007, khi lần lượt có các Nghị định 187 và 109, phương pháp xác định gắn với các lợi thế của doanh nghiệp, nhất là đất đai, nên giá trị doanh nghiệp mới được xác định gần với thị trường.

Ông Đặng Như Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội băn khoăn về việc cổ phần hóa có thể tạo ra cơ hội để một số người liên quan làm giàu từ tài sản nhà nước. "Tôi thấy rằng cần quản lý sở hữu riêng và quản lý việc điều hành riêng", ông Lợi nói.

Theo đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong thời gian đầu cổ phần hóa, các biện pháp mới dừng lại ở khuyến khích doanh nghiệp, nên các quy định liên quan tới xác định giá trị gắn với đất đai rất sơ khai. Các định chế trung gian như kiểm toán, tư vấn đều chưa có vai trò trong cổ phần hóa. Trong khi đó, trước năm 2002, các chính sách chưa quy định bắt buộc doanh nghiệp bán cổ phần cho các nhà đầu tư bên ngoài, nên việc bán cổ phần bị khép kín, khiến giá trị doanh nghiệp và cổ phiếu không được phản ánh đầy đủ.

Mặt khác, do quy định cổ phần bán cho người lao động tính theo năm công tác, mỗi năm không quá 100 cổ phần với mệnh giá 10.000 đồng, nên có trường hợp nhân viên công ty được mua ít cổ phần trong tổng vốn điều lệ. Thu nhập từ cổ tức cũng lại không nhiều so với tiền lương. Vì thế, nhiều người tỏ ra không mặn mà với cổ phần và cổ tức chia hàng năm. Một số người bên ngoài mua gom cổ phiếu từ những nhân viên này và dần có quyền thao túng doanh nghiệp.

Cùng lúc đó, nhiều doanh nghiệp "lách" luật bằng cách chọn thuê đất để không phải xác định giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp. Khảo sát cho thấy 85% doanh nghiệp chọn thuê đất, do một số địa phương quy định giá thuê đất thấp hơn giá thị trường tới 30% để thu hút đầu tư. "Đây có thể là yếu tố làm thiệt hại lợi ích của Nhà nước, và phát sinh lợi dụng sắp xếp lại đất đai để cho người khác thuê với giá rẻ, rồi cho thuê lại để thu lợi", ông Phùng Quốc Hiển nói.

Theo ông, tới đây các ngành sẽ cần rà soát quy định về đất đai, và coi đây là nguồn vốn đặc biệt của Nhà nước. Định giá và cho thuê đất sẽ được tính toán phù hợp với thị trường. Với doanh nghiệp đã sử dụng đất thuê, giá cũng cần được điều chỉnh sát với thị trường, tránh việc giá Nhà nước quá thấp so với thị trường, và tạo ra môi trường kinh doanh không bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.

Trong khi đó, Thứ trưởng Tài chính Trần Xuân Hà cho rằng, định giá doanh nghiệp trong cổ phần hóa phải theo cơ chế thị trường, gắn chặt với thị trường chứng khoán. Đồng thời, phải có cách tính giá trị lợi thế kinh doanh của đất đai, vị trí đắc địa, thương hiệu, uy tín, tiềm lực tài chính vào giá trị doanh nghiệp.

Bộ Tài chính cũng sẽ đề nghị tháo gỡ khó khăn trong xác định giá trị lợi thế, thương hiệu, nhằm đẩy nhanh cổ phần hoá và tránh thất thoát vốn Nhà nước. Theo ông, đấu giá thông qua thị trường sẽ phản ánh trung thực giá trị doanh nghiệp.

Cũng theo đoàn giám sát của Thường vụ Quốc hội, tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp vẫn ở mức chậm. Việt Nam mới cổ phần hoá gần 3.800 doanh nghiệp, chiếm 16% vốn nhà nước tại các doanh nghiệp.

Hiện Việt Nam còn trên 1.700 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, với tổng vốn khoảng 410.000 tỷ đồng và đóng góp phần lớn cho tổng thu nhập quốc nội (GDP). Số này hầu hết là doanh nghiệp lớn, thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước như dầu khí, điện, khai thác khoáng sản, bưu chính viễn thông, vận tải, ngân hàng và doanh nghiệp công ích, quốc phòng.

vne

Các tin tức khác

>   Đề xuất bán cổ phần ưu đãi cho người lao động theo mệnh giá (22/08/2008)

>   Công đoàn cần phải được nắm giữ tỉ lệ cổ phần nhất định (22/08/2008)

>   Tanimex: Tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2008 (22/08/2008)

>   Đề xuất SCIC thoái vốn ở hàng trăm doanh nghiệp (22/08/2008)

>   CTCP Phát triển Đô thị Sài Gòn Tây Bắc: Tăng vốn điều lệ và thay đổi mệnh giá cổ phần (22/08/2008)

>   CTCP Đầu tư Nam Long: Bổ sung ngành nghề kinh doanh và tăng vốn điều lệ (22/08/2008)

>   JC&C đầu tư 77 triệu USD vào Thaco (22/08/2008)

>   Quản lý tập trung các nguồn thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (22/08/2008)

>   Khắc phục bất cập trong chính sách, đẩy mạnh tiến trình cổ phần hóa (22/08/2008)

>   Bình Phước: Đầu tư xây dựng Nhà máy xi măng An Phú (21/08/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật