Thứ Bảy, 16/08/2008 12:22

Kỳ vọng gì đối với cổ phiếu ngân hàng?

Trong những ngày qua, giá cổ phiếu (CP) ngân hàng trên cả thị trường niêm yết lẫn OTC đều có dấu hiệu khởi sắc. Những nguyên nhân được nhận diện là quyết định dừng cấp phép thành lập ngân hàng mới của NHNN; các ngân hàng được mua lại CP của chính mình để làm CP quỹ; diễn biến của thị trường tiền tệ đang ổn định trở lại.

Kỳ vọng

Trên sàn OTC ngày 14/8, giao dịch CP ngân hàng sôi động theo diễn biến đi lên của thị trường niêm yết. Cụ thể, giá CP Eximbank đạt 23.500 - 24.000 đồng/CP; MB đạt 21.300 đồng/CP; Habubank đạt 13.500 - 13.600 đồng/CP; Vietcombank đạt 43.500 - 44.000 đồng/CP. So với đầu tuần, mức tăng giá của CP ngân hàng trong ngày 14/8 không nhiều, nhưng lượng giao dịch thành công lại gia tăng mạnh.

Bà Trần Thị Bích Phượng, Giám đốc quan hệ nhà đầu tư, CTCK Gia Quyền (EPS) cho biết, nhiều NĐT đang trở lại tìm mua CP ngân hàng vì cho rằng, mức giá này rất rẻ so với một năm trước. Theo bà Phượng, trong nhóm CP ngân hàng đang giao dịch trên thị trường hiện nay, nhiều mã có giá dao động từ 10.000 - 25.000 đồng, mức giá này tương đối phù hợp với NĐT vốn ít, nên trong những ngày gần đây, giao dịch CP ngân hàng có phần sôi động hơn.

Mặt khác, CP ngân hàng trên sàn OTC đang chịu tác động tích cực từ sàn niêm yết. Giá CP ACB liên tục tăng trần trong những phiên giao dịch gần đây, đạt hơn 70.000 đồng/CP ngày 14/8; giá CP STB cũng liên tục được điều chỉnh theo xu hướng lên trong gần một tuần qua. Khối lượng giao dịch của hai mã này tăng lên đáng kể. Có thể nói, giới đầu tư chứng khoán đang hướng sự quan tâm đối với CP của ngành tài chính. Nhiều người cho rằng, lạm phát trong 2 tháng qua đã được kiềm chế và nhiều khả năng sẽ tiếp tục khả quan trong những tháng cuối năm nay và năm sau. Kinh tế vĩ mô ổn định, ngành ngân hàng sẽ là lĩnh vực phục hồi đầu tiên, do đó mua vào CP ngân hàng lúc này được xem là thích hợp.

Thực tế, so với một năm trước, giá CP ngân hàng đã giảm đến 70 - 80%, thậm chí một số CP ngân hàng còn về dưới mệnh giá. Trong khi đó, so với các lĩnh vực khác, lợi nhuận thu về những tháng đầu năm của một số ngân hàng được xem là khá cao. Đơn cử như Sacombank, kết thúc 7 tháng đầu năm đạt hơn 850 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế; lợi nhuận trước thuế của ACB 6 tháng đầu năm đạt 1.000 tỷ đồng; DongA Bank cũng thu về hơn 402 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm… Với các ngân hàng quy mô nhỏ, tuy gặp nhiều khó khăn trong những tháng đầu năm, nhưng đang dần phục hồi khi thị trường tiền tệ ổn định trở lại.

Theo ông Nguyễn Hồ Nam, Tổng giám đốc CTCK SBS, về dài hạn, tiềm năng tăng giá của CP ngân hàng còn rất lớn.

Nhưng còn rủi ro

Trong số các mã CP ngân hàng đang giao dịch trên sàn OTC thì hiện chỉ có MB, Habubank, Vietcombank có tính thanh khoản tương đối. Riêng với Eximbank được xem là CP có tính thanh khoản cao thì hiện nhiều NĐT cũng dè dặt, vì thủ tục chuyển nhượng lâu hơn trước nên rất khó cho những người có ý định "lướt sóng". CP DongA Bank, OCB, Southern Bank, ABBANK, VietA Bank… tính thanh khoản vẫn chưa được cải thiện nhiều. Theo trưởng phòng môi giới một CTCK tại TP. HCM, khác với sàn niêm yết, giá CP trên sàn OTC hiện nay chủ yếu được dẫn dắt bởi các môi giới.

Mặt khác, theo đánh giá của một cán bộ trong ngành chứng khoán, dù đã bớt căng thẳng nhưng khó khăn của ngành ngân hàng vẫn còn tồn tại. Những tác động từ thị trường tiền tệ lên hoạt động của ngành ngân hàng thực sự bắt đầu "ngấm" dần trong 2 tháng qua và nhiều khả năng còn kéo dài đến hết năm nay.

Mặc dù thanh khoản của các ngân hàng đang dần được cải thiện, cạnh tranh trong huy động vốn bớt gay gắt, nguồn vốn khả dụng đang dồi dào trở lại, nhưng tăng trưởng tín dụng tại các ngân hàng lại giảm dần. Nguyên nhân không chỉ xuất phát từ chủ trương khống chế tăng trưởng tín dụng dưới mức 30% của NHNN, mà chủ yếu do khách hàng hạn chế vay vốn vì lãi suất cao. Đồng thời, các ngân hàng cũng thận trọng và chọn lọc kỹ hơn trong việc triển khai tín dụng, do lo ngại đến khả năng trả nợ của khách hàng.

Chủ tịch HĐQT một ngân hàng cổ phần tại TP. HCM thừa nhận, áp lực về lợi nhuận những tháng cuối năm sẽ còn căng thẳng hơn so với đầu năm, vì doanh thu từ chênh lệch lãi suất huy động và cho vay thu hẹp. Đặc biệt là lượng khách hàng vay vốn đang giảm dần. Trước những khó khăn của thị trường, nhiều doanh nghiệp thu hẹp kế hoạch sản xuất - kinh doanh. Còn với những doanh nghiệp có nhu cầu vốn, nhưng xét đến khả năng trả nợ lại không mấy khả thi nên ngân hàng rất ngại cấp tín dụng mới. Đây cũng là lý do để nhiều ngân hàng điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận thu về so với kế hoạch đưa ra đầu năm. Đơn cử, Sacombank đã giảm chỉ tiêu lợi nhuận thu về năm nay từ 2.000 tỷ đồng xuống còn 1.500 tỷ đồng.

Để đầu tư vào CP ngân hàng, nhiều nhà phân tích chứng khoán cho rằng, cần có tầm nhìn dài hạn hơn. "Ngành ngân hàng hiện còn khó khăn, tuy nhiên xét về dài hạn, tiềm năng tăng trưởng ổn định. Đặc biệt, một số ngân hàng quy mô lớn, hiệu quả hoạt động và chất lượng tài sản tốt, có chiến lược phát triển rõ ràng đang có lợi thế bứt phá, đồng thời giá CP đã ở mức hợp lý cho mục đích đầu tư dài hạn", tổng giám đốc một CTCK nhận định.

đtck

Các tin tức khác

>   Dồn dập bán cổ phần cho ngân hàng ngoại (16/08/2008)

>   Giữ hàng chờ VN-Index (16/08/2008)

>   Jetstar Pacific tạm dừng bay TPHCM-Nha Trang (16/08/2008)

>   Cổ phiếu ngân hàng: ngoại thèm, nội chán! (16/08/2008)

>   3,5 triệu USD sản xuất giả da xốp PVC (16/08/2008)

>   CTCP Xuất Nhập khẩu Tổng hợp I Việt Nam: Chốt DSCĐ để tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2008 (16/08/2008)

>   CTCP Vật tư Bến Thành: Không tạm ứng cổ tức năm 2008 (15/08/2008)

>   CTCP Xây dựng Công trình 525: Tổ chức ĐHĐCĐ bất thường năm 2008 (15/08/2008)

>   Xin ý kiến về thay đổi đại diện phần vốn góp của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam tại PVFC (15/08/2008)

>   TB tạm dừng chuyển nhượng cổ phiếu PVFC để chốt DSCĐ và trả sổ cổ đông để thực hiện đăng ký lưu ký tại HOSE (15/08/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật