Thứ Hai, 25/08/2008 09:45

Đó là nhà đầu tư chiến lược hợp lý?

Đi cùng với quá trình cổ phần hóa, sự có mặt của nhà đầu tư chiến lược đã và đang thể hiện giá trị đối với hiệu quả hoạt động của nhiều doanh nghiệp. Nhưng trên thực tế, vẫn có những trường hợp cần xét lại.

Vấn đề trên được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặt ra tại phiên họp thứ 11 cuối tuần qua.

Theo Ủy ban, việc xác định bán cổ phần cho các nhà đầu tư chiến lược là hết sức quan trọng và có ý nghĩa đến sự phát triển của doanh nghiệp trong tương lai sau cổ phần hóa. Giá trị đó sẽ phát huy khi doanh nghiệp lựa chọn được một nhà đầu tư chiến lược thực sự phù hợp.

Nhưng, khảo sát của Ủy ban cho thấy thời gian qua việc xác định các cổ đông chiến lược tại nhiều doanh nghiệp chưa sát với thực tế; có nhiều đơn vị không đưa ra được các tiêu chí cụ thể, rõ ràng; có doanh nghiệp lựa chọn không chính xác. Điển hình là một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, khi lựa chọn Công ty Xổ số kiến thiết làm cổ đông chiến lược…

Một thực tế khác là đa số doanh nghiệp cổ phần hóa lựa chọn nhà đầu tư chiến lược là những tổ chức trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng nhằm thu hút nguồn vốn, thay vì những tổ chức có kinh nghiệm quản lý, năng lực công nghệ, khả năng phát triển kinh doanh trong lĩnh vực hoạt động chính của mình.

Điều đó có thể thấy ở Công ty Cổ phần Khoáng sản và Vật liệu xây dựng Lâm Đồng, có cổ đông chiến lược là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Lâm Đồng (chiếm 8,35% vốn điều lệ), Ngân hàng Công thương Lâm Đồng (chiếm 1,2% vốn điều lệ); hay Tổng công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng Vinaconex lựa chọn Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (chiếm 3,33% vốn điều lệ), Ngân hàng Techcombank (chiếm 0,67%), Ngân hàng Habubank (chiếm 0,67%), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (chiếm 0,67%) làm cổ đông chiến lược.

Từ thực tế trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá rằng “các doanh nghiệp cổ phần chưa thu hút được các cổ đông có trình độ công nghệ và kỹ năng quản lý cao, rất ít nhà đầu tư chiến lược được lựa chọn cùng ngành nghề, tham gia cụ thể vào quá trình quá trình sản xuất kinh doanh và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp, tăng cường bạn hàng phân phối hay cung ứng vật tư truyền thống”.

Cá biệt, khi thực hiện bán cổ phần của nhà nước cho các cổ đông chiến lược đã xuất hiện một số trường hợp lựa chọn không đúng, mà thực tế chỉ là cá nhân đầu tư và có hiện tượng thông đồng để trục lợi. Có trường hợp đã được phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Trong những trường hợp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc lựa chọn cổ đông chiến lược cũng là trách nhiệm thuộc về các cơ quan có thẩm quyền, chứ không của riêng doanh nghiệp.

Một hạn chế khác trong thời gian qua là quá trình cổ phần hóa thu hút được rất ít nhà đầu chiến lược nước ngoài. Tình trạng này, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có nguyên nhân thuộc về cơ chế chính sách, nhưng cũng có nguyên nhân phần lớn các doanh nghiệp cổ phần hóa vừa qua chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ví dụ như trong số 30 doanh nghiệp cổ phần hóa của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cổ đông chiến lược chỉ chiếm 0,04% số vốn điều lệ, nhưng không có cổ đông chiến lược nước ngoài. Hay trong 334 đơn vị cổ phần hoá của Bộ Xây dựng, cổ phần của các nhà đầu tư ngoài doanh nghiệp chiếm 22,1% nhưng cũng không có cổ đông chiến lược nước ngoài.

Để khắc phục những tình trạng trên, đề xuất mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra là doanh nghiệp cần thay đổi cách nhìn nhận về cổ đông chiến lược, đó là các cổ đông có tiềm lực tài chính, có năng lực về quản lý và công nghệ mới, có thị trường, có thương hiệu và uy tín, thực sự tham gia vào quá trình quản lý, kinh doanh và quyết định đến xu thế phát triển, tương lai của doanh nghiệp.

Còn theo quy định tại Nghị định số 109/2007/NĐ-CP, nhà đầu tư chiến lược là nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, có năng lực quản lý, có năng lực tài chính, có khả năng chuyển giao công nghệ mới, phát triển thị trường, gắn bó lợi ích lâu dài với doanh nghiệp.

Về cơ chế chính sách đối với các cổ đông chiến lược, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khuyến nghị cần có một cơ chế riêng cho phép họ tham gia với một tỷ lệ cổ phần hợp lý; việc mua bán cổ phần thông qua cơ chế thương thảo, trên cơ sở xác định đúng đắn giá trị doanh nghiệp.

Đặc biệt đối với nhà đầu tư nước ngoài, nếu không phải là lĩnh vực sản xuất kinh doanh có vị trí quan trọng trong nền kinh tế, không ảnh hướng đến an ninh, quốc phòng và chủ quyền của đất nước, có thể cho phép tham gia cao hơn mức quy định hiện hành.

tbktvn

Các tin tức khác

>   Petroland: Trả sổ cổ đông, nhận hồ sơ chuyển nhượng và làm thủ tục chuyển nhượng cổ phần (25/08/2008)

>   Cổ phần hóa Công ty Điện Gia Lai (23/08/2008)

>   Thông báo đăng ký làm đại lý đấu giá CTCP Pymepharco (22/08/2008)

>   Thông báo đăng ký làm đại lý đấu giá Tcty XD thủy lợi 4 (22/08/2008)

>   Giai đoạn 2008 - 2010: sẽ cổ phần hoá 948 doanh nghiệp (22/08/2008)

>   Cấp giấy chứng nhận đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng cho CTCP Xây dựng Số 1 (22/08/2008)

>   Cấp giấy chứng nhận đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng cho CTCP Kim khí Miền Trung (22/08/2008)

>   Vênh hàng tỷ đồng qua định giá cổ phần hóa (22/08/2008)

>   Đề xuất bán cổ phần ưu đãi cho người lao động theo mệnh giá (22/08/2008)

>   Công đoàn cần phải được nắm giữ tỉ lệ cổ phần nhất định (22/08/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật