Thứ Năm, 07/08/2008 17:58

Đến thời sáp nhập

Nếu như 2007 là năm các tập đoàn, tổng công ty nở rộ chuyện góp vốn, thành lập các công ty con, cháu; trong đó không ít DN có chức năng, ngành nghề kinh doanh na ná nhau nhằm tận dụng những lợi thế sẵn có từ công ty mẹ, thì nay tình hình kinh tế khó khăn buộc nhiều công ty phải tìm hướng tái cấu trúc, gia tăng năng lực cạnh tranh... và sáp nhập là hướng đi đang được lựa chọn. Mặc dù vậy, câu chuyện sáp nhập không chỉ là một phép cộng giản đơn.

Theo thống kê của Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp Trung ương, năm 2007 việc mở rộng phạm vi hoạt động kinh doanh đã làm tăng nhanh số lượng DN thành viên của các tập đoàn kinh tế nhà nước. So với năm 2006, số lượng công ty con tăng 10% (68 công ty) và công ty liên kết tăng 39% (184 công ty)… Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam trong năm 2007 đã tăng tới 43 công ty con và 111 công ty liên kết; Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam tăng 21 công ty con. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) tuy không liệt kê chi tiết trong bản báo cáo, nhưng trên thị trường hiện nay những cái tên dính tới Petro cũng không ít, hơn nữa tuy cùng họ dầu khí nhưng nhiều công ty có lĩnh vực hoạt động khá giống nhau như PVI Finance, rồi PVFC Finance hay Petroland, rồi PVFCland…

Nhận xét của các chuyên gia cho thấy, việc thành lập nhiều công ty con, cháu như trên dẫn đến nguy cơ không đảm bảo về năng lực trong việc quản lý các khoản đầu tư tại DN khác, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa DN trong và ngoài tập đoàn, tổng công ty và rủi ro trong quan hệ tài chính trong tập đoàn như vay nội bộ, chi phối giá mua, giá bán…

Nhìn rộng hơn, không chỉ có các tập đoàn mệt mỏi với các loại công ty con, cháu, nhiều DN tư nhân, công ty cổ phần sao nhãng hoặc không tập trung toàn lực cho ngành nghề cốt lõi đang phải trả giá đắt, biểu hiện rõ nét trong báo cáo tài chính quý II vừa được công bố mới đây. Công ty mẹ bị chia sẻ nguồn lực, công ty con năng lực quá hạn chế đang khó chèo chống trong thời kỳ kinh tế khó khăn.

Trước tình hình này, một số DN từng ra đời dưới mái che của các tập đoàn nhà nước trong năm 2007 đã bắt đầu tính chuyện sáp nhập, tái cấu trúc lại. Mới đây, PVFC Media thuộc PVFC đã sáp nhập với Vietnam Today thuộc Petro Vietnam để lấy tên mới là PV Media. Cả 2 công ty này đều hoạt động trong ngành truyên thông thuộc Petro Vietnam, có thời điểm tuyển dụng tới 150 nhân viên, nay quân số cho công ty mới chỉ còn khoảng 50 người. Một nguồn tin từ Petro Vietnam cho hay, Tập đoàn đã có chỉ đạo cho các đơn vị thành viên rà soát lại hoạt động của các công ty con, những DN nào cùng hoạt động trong một lĩnh vực, hoặc có những mảng hoạt động có thể hỗ trợ, bổ sung cho nhau thì xem xét sáp nhập. Đơn cử như những DN hoạt động trong lĩnh vực BĐS sẽ quy tụ về một mối, thay vì tản mát ở nhiều công ty con như hiện nay. Việc sáp nhập trong lĩnh vực tài chính như ngân hàng và CTCK cũng đã được nhận định sẽ sớm xảy ra. "Các DN phải tái cấu trúc, nếu không muốn bị phá sản, vì thời điểm này và vài tháng tới sẽ rất khó khăn", chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhận xét.

Sáp nhập một phần hay nôm na hơn là bán cổ phần cho đối tác khác hiện phổ biến hơn sáp nhập hoặc bán đứt cả DN tại Việt Nam. Theo bà Lê Thị Mai Linh, Phó chủ tịch HĐQT CTCK Seabank, dù đang khó khăn song không phải CTCK nào muốn cũng có thể sáp nhập, hoặc tìm kiếm thêm đối tác rót vốn vào ngay được. Liệu ban lãnh đạo có đồng chí hướng, có ngồi được với nhau để tìm hướng đi, chèo lái được con thuyền là câu hỏi không dễ trả lời. Trên thực tế, có những lời đề nghị mua lại cả CTCK chứ không chỉ góp vốn, nhưng bên mua tìm đã vài tháng nay vẫn chưa được đáp ứng.

Theo dự báo của Công ty kiểm toán PricewaterhouseCoopers (PwC), hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) sẽ tiếp tục tăng trong 6 tháng cuối năm 2008. PwC cho biết, các thương vụ M&A trong lĩnh vực tài chính sẽ tăng trong những tháng tới vì sự thâm nhập của dịch vụ ngân hàng hiện đại tại Việt Nam hiện nay còn thấp và một số tổ chức tài chính nhỏ có thể gặp khó khăn với khả năng tín dụng hiện tại, do đó có thể cần vốn từ các đối tác chiến lược nước ngoài. PwC cũng nhận định, M&A tại các CTCK sẽ trở nên phổ biến. Các công ty này chịu ảnh hưởng do TTCK giảm sút, việc duy trì mức lợi nhuận như năm 2007 hầu như là không thể. Hơn nữa, ở Việt Nam đã có rất nhiều DN thành lập CTCK như là một công ty con không thuộc lĩnh vực kinh doanh chính và vốn nhỏ, do đó rất dễ hiểu khi họ phải tính đến chuyện giải thể hoặc bán lại.

Báo cáo của PwC cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2008 đã có 48 thương vụ M&A được thực hiện tại Việt Nam với tổng giá trị là 347 triệu USD. Lý do giá trị các thương vụ giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm 2007 là do tình hình kinh tế không ổn định hoặc các công ty phải thương lượng lại về mặt giá cả và bên mua cũng chọn lọc kỹ càng hơn khi có nhiều công ty Việt Nam chào bán.

đtck

Các tin tức khác

>   Phương pháp quản lý mục tiêu trong doanh nghiệp (07/08/2008)

>   NHTM cổ phần có thể mua lại cổ phiếu của chính mình (07/08/2008)

>   TPHCM kiến nghị điều chỉnh bán cổ phần ưu đãi cho NLĐ (07/08/2008)

>   Khai trương dịch vụ Taxi bay Hạ Long (07/08/2008)

>   Quản chặt giao dịch cổ phiếu ngân hàng, vì sao? (07/08/2008)

>   Không nên cổ phần hóa lấy được (07/08/2008)

>   Thông báo bán đấu giá cổ phần của SCIC tại CTCP Thương mại IA GRAI ngày 22/08/2008 (07/08/2008)

>   Thông báo bán đấu giá cổ phần của SCIC tại CTCP Vật liệu xây dựng ĐăkNông ngày 21/08/2008 (07/08/2008)

>   SCIC: Bán đấu giá cổ phần CTCP TM Vật tư Nông nghiệp Krong Buk ngày 21/08/2008 (07/08/2008)

>   SCIC: Bán đấu giá cổ phần tại CTCP In Nam Định (07/08/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật