Đẩy mạnh giao dịch OTC qua sàn
Việc giao dịch chứng khoán chưa niêm yết (OTC) lâu nay thực hiện chủ yếu thông qua các môi giới tự do. Cùng với sự chuẩn bị ra đời của "chợ" OTC chính thức tại Trung tâm Giao dịch chứng khoán Hà Nội, một số công ty chứng khoán (CTCK) cũng đẩy mạnh tổ chức "chợ" OTC của riêng mình.
Nhiều kiểu "chợ" OTC
CTCK Ngân hàng Á Châu (ACBS) đang thử nghiệm hệ thống giao dịch chứng khoán OTC với quy trình xử lý tự động như hệ thống giao dịch chứng khoán niêm yết. Khi lệnh mua và lệnh bán được nhập vào hệ thống, ngay lập tức nhân viên sẽ biết được lệnh đó có khớp hay không; các lệnh rao cũng được hiển thị trên màn hình điện tử ngay tại sàn. Đối với các chứng khoán thuộc danh mục đầu tư của ACBS và chứng khoán do ACBS quản lý sổ cổ đông thì giao dịch sẽ được thực hiện ngay. Mọi giao dịch mua bán đều thông qua tài khoản tự doanh của ACBS. Khi có nhu cầu mua hay bán cổ phiếu OTC, nhà đầu tư có thể tham khảo giá trên thị trường để so sánh mức giá đang niêm yết tại sàn ACBS trước khi ra quyết định.
Tại nhiều CTCK khác, bộ phận giao dịch chứng khoán OTC cũng được tổ chức và thực hiện môi giới đồng thời cả tự doanh khi có nhu cầu. Ví dụ tại CTCK Âu Việt (AVSC), Phòng đầu tư sẽ thực hiện giao dịch mua bán sau khi khách hàng ký hợp đồng môi giới giao dịch OTC với AVSC. Khi muốn đặt lệnh mua bán, khách hàng phải ký quỹ từ 5 - 10% tổng giá trị giao dịch. Lệnh giao dịch của khách hàng sẽ được nhập vào hệ thống giao dịch OTC và được quảng cáo trên các kênh thông tin của AVSC. Khi có lệnh tương ứng, AVSC sẽ liên hệ với khách hàng để tiến hành thủ tục thực hiện giao dịch. Giá giao dịch căn cứ trên giá thực tế khách hàng ký gửi tại AVSC. Trường hợp người đã rao từ chối mua hoặc bán, tiền ký quỹ sẽ được chia đều cho AVSC và người có lệnh đối ứng. Khi lệnh được giao dịch, AVSC sẽ thu phí từ 0,2 - 0,5% tùy theo giá trị giao dịch. Tại CTCK Gia Quyền, bộ phận giao dịch OTC sẽ nhận lệnh của khách hàng và chuyển thông tin đến các khách hàng còn lại cũng như đưa lên internet và khách hàng thuộc hệ thống môi giới OTC của nhiều CTCK khác. Nếu lệnh được khớp, nhân viên của CTCK Gia Quyền sẽ làm thủ tục giao dịch cho nhà đầu tư với mức phí giao dịch 0,35% cho tổng giá trị giao dịch dưới 1 tỉ đồng và 0,3% cho giá trị giao dịch trên 1 tỉ đồng.
Những giao dịch OTC tương tự cũng đang diễn ra tại CTCK Đại Việt, Bảo Việt, Đông Dương... với hình thức CTCK làm trung gian môi giới, khi giao dịch thành công thì sẽ thu phí.
Đón đầu "chợ" OTC chính thức
Theo ông Vũ Văn Hà, Phó giám đốc bộ phận đầu tư AVSC, giao dịch OTC tự thỏa thuận giữa người mua và người bán hoặc thông qua "cò" như bấy lâu nay có độ rủi ro rất cao và tình trạng tranh chấp dễ xảy ra khi một bên tự hủy thỏa thuận đó. Trong khi đó, các CTCK có ưu điểm hơn vì độ tin cậy cao do bị ràng buộc phải tuân thủ tính pháp lý theo luật quy định.
Bà Mai Thị Bích Phượng - Giám đốc quan hệ nhà đầu tư CTCK Gia Quyền cũng cho rằng giao dịch chứng khoán OTC qua các CTCK sẽ đảm bảo được tính an toàn và nhanh chóng. "Chúng tôi cho rằng trong tương lai gần, việc giao dịch chứng khoán OTC sẽ được chuyển dịch về các CTCK. Nhưng cái thiếu lớn nhất hiện nay là vẫn chưa có một hệ thống liên thông chính thức giữa các CTCK trong giao dịch này mà chủ yếu vẫn thông qua thông tin của các cá nhân với nhau", bà Phượng nói.
Thị trường OTC vẫn được các chuyên gia tài chính chứng khoán đánh giá có nhiều tiềm năng, quy mô của thị trường này lớn hơn nhiều lần so với thị trường niêm yết hiện nay. Tuy nhiên, tính thanh khoản, tính minh bạch thông tin, tính an toàn, thuận tiện khi chuyển nhượng vẫn còn là vấn đề lớn tại thị trường này. Vì vậy khi sàn giao dịch tại Trung tâm Giao dịch chứng khoán Hà Nội được đưa vào vận hành thì giao dịch trên thị trường cũng sẽ sôi động hơn. Việc các CTCK đẩy mạnh xây dựng sàn giao dịch OTC cho riêng mình cũng nhằm mục đích đón đầu thị trường này. Khi đó, nguồn phí từ dịch vụ môi giới và tự doanh chứng khoán OTC cũng hứa hẹn chiếm một tỷ trọng không nhỏ trong tổng doanh thu của các CTCK.
tn
|