Cổ phần hóa: Bài học "nắm" và "buông" đúng chỗ
"Mỗi tuần một chuyện" lạm bàn về vấn đề cổ phần hóa DNNN đang nóng lên khi UB Tài chính và Ngân sách Quốc hội kết thúc đợt giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về xử lý đất đai, mua bán cổ phiếu trong CPH các DNNN.
Các chuyên gia cho rằng đã đến lúc Việt Nam phải dừng lại, suy nghĩ cẩn trọng về mục tiêu thực sự Việt Nam muốn hướng tới, trước khi tiếp tục đẩy nhanh cổ phần hóa, để quản hiệu lực và hiệu quả hơn. Không ai ép Việt Nam phải bán nhanh, bán rẻ tài sản của mình. Vấn đề nằm ở chính Việt Nam. Chúng ta đang gặp vấn đề ở cả chính sách và mục tiêu, ông Nguyễn Đình Cung nói.
Bảo toàn tỷ lệ vốn Nhà nước hay phát triển?
Tính tới thời điểm này, theo báo cáo khảo sát, các DN sau CPH đều làm ăn tốt. 500 DN sau khi cổ phần hoá trên một năm, doanh thu tăng lên 43%, thu nhập người lao động tăng 54%.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Đình Cung, Trưởng ban Nghiên cứu Chính sách Kinh tế vĩ mô, Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng đây không phải là kết quả của việc đa sở hữu, mà hầu hết là do phát triển tự thân. Sự phát triển đó là do tiềm năng vốn có, trước đây bị kìm kẹp do kiểu quản lý mệnh lệnh hành chính, nay được buông ra, DN chủ động hơn, nhờ đó, tiềm năng được phát huy.
Với cách làm hiện nay, theo ông Cung sẽ không giúp tăng sự phát triển của DN, bởi muốn phát triển, DN phải tập trung, tích tụ được vốn lớn, từ người khác, không thể chỉ trông chờ vào tái đầu tư từ lợi nhuận.
Nhưng với mối lo “pha loãng” vốn nhà nước, muốn nắm giữ quyền chi phối trong DN, các quyết định tăng thêm vốn đều bị khóa.
Luật gia Vũ Xuân Tiền từng dẫn ra câu chuyện về Công ty xi măng, đá vôi Phú Thọ. Năm 2005, UBND tỉnh đã ra quyết định phê duyệt phương án chuyển DN thành công ty CP với nguyên tắc Nhà nước phải chiếm 51% vốn điều lệ (22,95 tỉ đồng). Để nâng sản lượng, công ty lập dự án đầu tư xây dựng một nhà máy xi măng lò quay với số vốn đầu tư khoảng 300 tỉ đồng. Ngân hàng đồng ý cho vay nhưng yêu cầu, vốn điều lệ của công ty phải đạt 20% tổng mức đầu tư (tức là phải nâng vốn điều lệ từ 45 tỉ lên 61 tỉ đồng). Oái oăm thay, tỉnh không có tiền, dự án đành phải... nằm chờ!
Câu chuyện về Cty xi măng, đá vôi Phú Thọ không phải là hi hữu trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay.
Theo ông Cung, “nếu không thay đổi cách thức, cơ chế quyền sở hữu nhà nước, sợ mất khả năng quản lý của người đại diện sở hữu nhà nước, DN không thể phát triển”.
Tại cuộc họp của UBTVQH, Chủ nhiệm UB Văn hoá, Giáo dục, Thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi đặt vấn đề: "Quan trọng không phải chỉ là bảo toàn tỷ lệ vốn ban đầu mà là hiệu quả kinh doanh. Một trong những mục tiêu cơ bản của CPH là huy động đóng góp và các nguồn lực xã hội chứ không phải chỉ mỗi việc bảo toàn tài sản Nhà nước".
Hành chính chủ quản
Về mặt quản lý, Việt Nam vẫn áp dụng cơ chế “hành chính chủ quản” với các DNNN nói chung và DN cổ phần hóa nói riêng, ông Nguyễn Đình Cung đánh giá.
Thế nên mới có chuyện như ông Vũ Xuân Tiền, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty tư vấn VFAM kể trong một hội thảo đầu năm 2008: một Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã dùng điện thoại đình chỉ Đại hội cổ đông thực hiện đúng luật của Công ty CP khách sạn Phan Thiết và tổ chức thanh tra, kiểm tra gay gắt.
Vị Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành công văn không thừa nhận kết quả ĐHCĐ của Công ty CP dược phẩm tỉnh Ninh Bình...
Trong bản thân hoạt động điều hành DN, ông Phạm Viết Muôn, Phó ban chỉ đạo đổi mới DNNN, thừa nhận: Các DNNN sau CPH vẫn chưa thực sự thay đổi, vẫn mang dáng dấp của DNNN. Trong số 3.786 doanh nghiệp đã được CPH, đặc biệt là ở những doanh nghiệp Nhà nước giữ cổ phần chi phối thì vẫn giữ hình ảnh cũ. Bởi bộ máy lãnh đạo vẫn là những người trước đây. Cơ chế quản trị doanh nghiệp vẫn chưa thực sự khác biệt.
Ông Nguyễn Đình Cung phân tích: Cơ chế hành chính chủ quản của Việt Nam mang các đặc điểm cơ bản: các cơ quan quyền lực nhà nước đồng thời thực hiện quyền sở hữu của nhà nước tại DN. Nhiều cơ quan nhà nước tham gia vào thực hiện quyền sở hữu của nhà nước nhưng mỗi cơ quan chỉ thực hiện một hoặc một số quyền, rất phân tán.
Cách thức ra quyết định của người đại diện quyền sở hữu nhà nước đáng ra phải là quyết định kinh doanh nhưng lại mang dấu ấn hành chính nhà nước.
Các quyết định thường trái nhau, mâu thuẫn nhau về mục tiêu và không hợp nhau về nội dung và thời điểm thực hiện.
Đơn cử, vấn đề chiến lược của DN do Bộ Công thương quyết định nhưng vốn lại do Bộ Tài chính quyết định, nhân lực lại do một cơ quan khác… trong khi các quyết định không tương thích với nhau, “trái giò” nhau, cản trở phát triển của DN.
Điều đáng quan ngại là nhiều người cùng tham gia nhưng không ai chịu trách nhiệm giải trình về tính hiệu quả của hoạt động DN.
Quan hệ người ủy quyền và được ủy quyền
Ngay từ trước CPH, nhà nước chưa quản được DN. Trong khi đó, CPH đồng nghĩa với nguy cơ về buông lỏng quản lý càng tăng, do nhà nước phải thực hiện quyền sở hữu qua nhiều tầng đại diện, thay vì chỉ qua tầng thứ 2-3 là Bộ chủ quản và UBND tỉnh như trước kia.
Sau CPH, bản thân chủ sở hữu là nhà nước cũng chưa thực hiện được hiện lực và hiệu quả quyền sở hữu của mình, ông Nguyễn Đình Cung nhận định.
Nguy cơ người được ủy quyền đại diện sở hữu lợi dụng quyền vì lợi ích riêng, không phục vụ lợi ích của DN, cộng đồng luôn hiện hữu.
Theo ông Cung, xu hướng mâu thuẫn lợi ích giữa người ủy quyền và người được ủy quyền luôn tồn tại. Người ủy quyền muốn người được ủy quyền phục vụ lợi ích của mình, trong khi người được ủy quyền luôn có xu hướng tách ra khỏi ảnh hưởng của người ủy quyền.
Người ủy quyền thắt chặt quyền thì người được ủy quyền không làm được, nhưng nếu nới lỏng thì tạo điều kiện cho lạm dụng quyền.
Việt Nam ủy quyền nhiều tầng, theo mỗi chuỗi các tầng chồng lên nhau, càng khó quản. Nguy cơ thất thoát tài sản nhà nước vì thế tăng lên.
Ông Đặng Như Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội đưa ra một thực tế rằng “sau khi CPH, những người nắm giữ vị trí quản lý trong DN giàu lên”.
Nếu không thiết lập một cơ chế, quy chế về quyền sở hữu hiệu quả và hiệu lực, cổ phần hóa sẽ dễ trở thành tư hữu hóa, cá nhân hóa tài sản nhà nước. Đó là điều Việt Nam phải tính.
Nhà nước cần nhìn vào cách thức hoạt động của khu vực tư nhân, vừa tự chủ để phát triển, vừa vẫn đảm bảo rất tốt quyền sở hữu của mình.
Nắm và buông
Theo ông Cung, Việt Nam cần thay đổi quan niệm về chủ sở hữu, thay đổi tư duy về tính chủ đạo rồi mới nên tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa. Để cho DN phát triển, nhà nước xem xét cái nào cần nắm, cái nào nên mở.
Chính sách về chủ sở hữu phải được công khai rõ ràng như một chiến lược, để mọi người dân nắm được, thực thi và giám sát thực thi.
Như hiện nay, ngay việc khóa không biết sai hay đúng, không biết theo chủ định của ai, của nhà nước hay của cá nhân người đại diện nhà nước thực hiện chủ sở hữu tại DN.
Với tư cách nhà đầu tư, nhà nước không thể từ bỏ quyền sở hữu của mình. Điều cần làm là thay đổi cơ chế quản lý quyền sở hữu nhà nước, hiệu quả và hiệu lực hơn..
Quan trọng nhất, nhà nước phải xác định rõ mình muốn gì, mục tiêu của mình là gì, từ đó đưa ra hành động và chính sách cụ thể. Cũng từ mục tiêu đó thì mới có thể soi lại, đánh giá việc thực hiện chính sách có hiệu quả và hiệu lực hay không.
Lúc đó hoặc sẽ phải thay đổi chính sách, hoặc sẽ phải thay đổi mục tiêu, dựa trên cơ sở nhìn lại kết quả thực hiện. Theo ông Cung, hiện nay, Việt Nam tồn tại vấn đề trong cả chính sách và mục tiêu, không dễ giải quyết.
Trong điều kiện năng lực quản trị có giới hạn, Việt Nam cần biết năng lực của mình đến đâu để giữ mình ở vị trí nào cho hợp lý, không thể ôm đồm quá nhiều.
“Cần phải xác định rõ việc gì, lĩnh vực gì nhà nước làm, nắm giữ, lĩnh vực gì nên trao thêm quyền cho tư nhân”, Tiến sỹ Nguyễn Quang A nhiều lần nhấn mạnh. Phải biết nắm đồng thời biết buông, đúng lúc và đúng chỗ.
vnn
|