Gian nan quản lý công ty đại chúng
Ngày 30/6, Thanh tra UBCK ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với CTCP Dược phẩm Hà Nội với nội dung Công ty đã thực hiện đợt chào bán chứng khoán ra công chúng để tăng vốn điều lệ từ 17,9 tỷ đồng lên 20,9 tỷ đồng và phân phối không đúng quy định của pháp luật về chứng khoán và TTCK.
Những vi phạm tương tự của các công ty đại chúng (CTĐC) như chào bán chứng khoán sai quy định, không thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ công bố thông tin, không làm thủ tục đăng ký với UBCK… xuất hiện nhan nhản, tuy cơ quan quản lý rất nỗ lực tăng cường quản lý đối với khối công ty này, song vật lực, nhân lực có hạn và đặc biệt là thiếu những chế tài nghiêm khắc khiến việc quản lý dường như đang hụt hơi.
Tính đến cuối tháng 6 đã có 988 CTĐC đăng ký hồ sơ tới UBCK với tổng vốn điều lệ 353.932 tỷ đồng, trong số này có cả những công ty đã niêm yết cổ phiếu trên hai sàn giao dịch tập trung, điều đáng nói là lĩnh vực đòi hỏi tính minh bạch cao và mang tính đại chúng hóa nhiều hơn như khối CTCK và ngân hàng thương mại thì lượng đăng ký lại khá vắng vẻ. Có nắm được hồ sơ của khối CTĐC, UBCK mới phát hiện thấy nhiều hoạt động chào bán được thực hiện sai quy định. Kết quả là trong năm 2007, đầu năm 2008, quyết định xử phạt những vi phạm như vậy liên tục được đưa ra. Tuy nhiên, với những CTĐC không nộp hồ sơ thì liệu có cách nào để phát hiện và kiểm soát những vi phạm (nếu có)?
Theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cả nước hiện có khoảng 10.000 CTCP, trong đó số DN nằm trong diện CTĐC không ít. Gần 1.000 công ty đăng ký hồ sơ lên UBCK là con số quá nhỏ và liệu những công ty chưa đăng ký có thực hiện đúng quy định pháp luật về chứng khoán là điều khó ai có thể biết được. Theo Chỉ thị 20/2008/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các CTCP đại chúng đủ tiêu chuẩn phải đăng ký với UBCK, không thực hiện sẽ bị xử phạt. Tuy nhiên, chính một quan chức UBCK thừa nhận, nếu thực hiện điều đó mà không có sự phối hợp của cơ quan khác là hết sức khó khăn, vì đến thời điểm này Uỷ ban cũng không nắm được có bao nhiêu CTĐC để theo dõi xử phạt.
Mặt khác, theo UBCK, việc thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin của khối CTĐC cũng còn nhiều vấn đề. Những lỗi thường gặp như chậm công bố thông tin báo cáo tài chính năm, báo cáo thường niên, công bố thông tin bất thường… Ngoài ra, phần lớn DN chưa thành lập trang thông tin điện tử để thực hiện công bố thông tin hoặc đã lập trang thông tin điện tử nhưng không cập nhật thường xuyên các thông tin phải công bố. UBCK đã hơn một lần tuyên bố sẽ kiểm tra, giám sát hoạt động công bố thông tin của các công ty và sẽ xử lý nghiêm trường hợp vi phạm. Trên thực tế, chưa có một CTĐC nào bị phạt vì vi phạm công bố thông tin. Mà nếu có thì với mức phạt còn quá nhẹ như hiện nay, thường 10 - 50 triệu đồng/trường hợp, dường như không có nhiều tác dụng.
Chỉ thị 20 cũng nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân tổ chức thị trường GDCK bất hợp pháp. Song trên thực tế, hiện nay ngoài 2 thị trường có tổ chức là HOSE và HASTC với khoảng 300 công ty niêm yết, thì cổ phiếu của những công ty chưa niêm yết chưa có thị trường giao dịch được quản lý. Ngay khái niệm thế nào là một thị trường giao dịch chứng khoán bất hợp pháp cũng chưa có văn bản nào quy định rõ ràng. Việc một số website tổ chức rao mua - bán chứng khoán, hoặc gần đây một số CTCK, một số môi giới liên kết tổ chức hẳn sàn giao dịch cổ phiếu OTC, có mở tài khoản, có ký quỹ liệu có phải là hình thức tổ chức thị trường? Luật Doanh nghiệp thừa nhận quyền tự do chuyển nhượng cổ phiếu của cổ đông các CTĐC, nếu như những hình thức kia không được phép giao dịch thì cổ đông phải đến đâu để có thể chuyển nhượng cổ phiếu khi cung - cầu là có thật(!?)
Cũng chính vì chưa có sự quản lý kịp thời nên thông tin mua - bán, thông tin về doanh nghiệp cũng như việc thanh toán các giao dịch không chính thức không được bảo vệ bởi luật pháp hay tổ chức nào và hầu như phụ thuộc vào uy tín cá nhân của người môi giới chứng khoán. Chỉ thị 20 nêu rõ, người đứng đầu các phương tiện thông tin cung cấp thông tin nhu cầu mua - bán giá cả chứng khoán trên các phương tiện thông tin đại chúng phải đảm bảo sự chính xác, minh bạch về nguồn thông tin đã đăng tải. Tuy nhiên, do thiếu một hệ thống báo cáo và công bố thông tin giao dịch minh bạch, vấn đề giá cả hiện nay cũng khá mù mờ. Năng lực tài chính, chuyên môn và năng lực hoạt động của các tay môi giới không được kiểm chứng và thông tin về tổ chức phát hành không được xác minh.
Việc đưa ra một hệ thống đăng ký tập trung, một hệ thống lưu ký chứng khoán tổng hợp và một hệ thống đăng ký môi giới/mua bán chứng khoán cá nhân sẽ là một công cụ hữu hiệu trong việc quản lý giao dịch chứng khoán bên ngoài các trung tâm GDCK. Cơ quan quản lý thị trường cũng thể hiện tham vọng này bằng những bước thực hiện cụ thể, thế nhưng trong khi chờ đợi hệ thống quản lý theo kịp thực tiễn, lộn xộn vẫn cứ diễn ra và rủi ro NĐT phải gánh chịu.
đtck
|