Cần giải pháp linh hoạt cho cổ phần hóa
Thực tế đã minh chứng rằng, cổ phần hóa (CPH) đã phần nào góp phần nâng cao rõ rệt hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trên tất cả các chỉ tiêu về vốn, doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách, số lượng lao động và thu nhập của lao động, cổ tức... Tuy vậy, tiến trình CPH DNNN diễn lại đang diễn ra khá chậm chạp. Năm 2007, ước tính có 82 DNNN được CPH, chỉ đạt 21% chỉ tiêu kế hoạch mà Thủ tướng Chính phủ đề ra.
Một trong những nguyên nhân làm chậm quá trình CPH là tình trạng can thiệp của các cơ quan công quyền, cụ thể là việc hành chính hóa quan hệ kinh tế vào tiến trình CPH DNNN, cũng như hệ thống văn bản hành chính, thủ tục rườm rà, chồng chéo.
Riêng trong 6 tháng đầu năm 2008, CPH DNNN gần như ngừng trệ do ảnh hưởng của TTCK, cộng với tình hình kinh tế khó khăn và một số nhân tố khác. Trước tình hình này, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) vừa mới đưa ra một số giải pháp nhằm tiếp tục đẩy nhanh tiến trình CPH DNNN, đồng thời đề xuất cơ chế tăng cường, nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp đối với đối tượng công ty nhà nước không thực hiện CPH. Có rất nhiều ý kiến cho rằng, việc tiến hành CPH ồ ạt các DNNN sẽ ảnh hưởng đến sự ổn định của TTCK, bởi nó gây mất cân đối cung cầu. Tuy nhiên, đến thời điểm nào mới tiếp tục tiến trình CPH DNNN, và rằng nếu tiếp tục tiến trình CPH DNNN theo cách làm cũ thì lại ảnh hưởng như thế nào đến sự hồi phục của TTCK vẫn là một câu hỏi khó trả lới?
Luật gia Cao Đăng Vinh, Chuyên viên chính Vụ Pháp luật Dân sự, Bộ Tư pháp cho biết: “Theo Bộ Tài chính, có gần 20% doanh nghiệp có vốn nhà nước đã được cổ phần hóa. Tuy nhiên, tiến độ sắp xếp, CPH DNNN so với yêu cầu đặt ra còn chậm, quy mô DNNN được CPH chưa lớn, vẫn còn nhiều DNNN hoạt động trong một số ngành, lĩnh vực mà Nhà nước không cần chi phối chưa được CPH, cơ chế quản lý DNNN còn nhiều bất cập, một số quy định về CPH DNNN chưa phù hợp với yêu cầu của thực tiễn đặt ra...”
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký VAFI cho rằng, nếu càng chậm trễ CPH DNNN bao nhiêu thì DNNN càng mất sức cạnh tranh bấy nhiêu và đến khi CPH thì giá trị doanh nghiệp sẽ bị giảm đi nhiều, điều đó đồng nghĩa với việc tài sản nhà nước bị thất thoát. Như vậy, vấn đề đặt ra trong bối cảnh hiện nay là làm thế nào để tiếp tục đẩy nhanh tiến trình CPH DNNN mà không làm ảnh hưởng đến sự hồi phục của TTCK, cũng như không làm giảm nguồn thu từ việc bán phần vốn nhà nước? Theo VAFI, cần thiết phải thay đổi cơ chế quản lý, huy động vốn, tìm kiếm đối tác chiến lược, tạo hàng hoá cho TTCK. Ông Hải cho biết, nếu chỉ đặt mục tiêu ưu tiên là hoàn thành thủ tục chuyển đổi công ty nhà nước thành CTCP mà Nhà nước tạm thời nắm cổ phần đa số (có thể trên 95%/vốn điều lệ đối với những tập đoàn kinh tế lớn) thì những mục tiêu quan trọng khác sẽ được giải quyết nhanh sau 1 thời gian ngắn của hậu cổ phần hoá.
Do vậy, để đẩy nhanh tiến trình cổ phần hoá DNNN mà không làm ảnh hưởng đến sự ổn định của TTCK VAFI đưa ra khuyến nghị: Tạm thời chấp nhận CPH số vốn của nhà nước, có thể lên tới 95% vốn điều lệ; IPO một lượng nhỏ cổ phiếu, số lượng phát hành không quá 50 tỷ đồng theo mệnh giá. Đồng thời, giải quyết vấn đề bán cổ phần cho đối tác chiến lược; Bên cạnh đó, cần thay đổi cơ chế quản trị doanh nghiệp cho đối tượng mà Nhà nước cần nắm giữ 100% vốn điều lệ. Cụ thể, các văn bản hiện hành về công ty nhà nước quy định 1 số đối tượng doanh nghiệp không CPH hoặc chưa CPH. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn được đặt ra là làm cách nào để nâng cao quản trị doanh nghiệp tại các doanh nghiệp này nhằm bảo toàn và phát triển nguồn vốn nhà nước?
Luật gia Vũ Xuân Tiền, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty tư vấn VFAM Việt Nam, trong một cuộc hội thảo về giải quyết những vướng mắc trong quá trình CPH cũng đã đề xuất một số giải pháp cấp bách nhằm thúc đẩy nhanh tiến trình CPH DNNN như: Cần luật hoá những quy định về CPH DNNN; cần “hợp lý hoá” vai trò quản lý của Nhà nước đối với lĩnh vực kinh doanh; cần có chính sách, biện pháp kiên quyết và ổn định đối với những vấn đề quan trọng, thường được coi là nhạy cảm xuất hiện trong quá trình CPH và tăng cường hơn nữa cải cách hành chính, điều trị bằng những phác đồ mạnh và hiệu quả đối với căn bệnh vô cảm, lạnh lùng của một bộ phận công chức, quan chức trong bộ máy công quyền.
đtck
|