"Giải mã" tín hiệu từ vốn ngoại
Chỉ với 3 phiên giao dịch, diễn biến tuần qua chưa cho thấy một bức tranh đáng tin cậy, nhất là khi khối lượng giao dịch khá thấp, giảm xấp xỉ 50%, đạt 26,74 triệu CP. Tâm điểm của thị trường vẫn là sự vận động có vẻ bất thường của dòng vốn ngoại.
Vì sao tăng bán, giảm mua?
Sự vận động của khối NĐTNN liên tục hai tuần gần đây đã cho thấy một xu hướng mua vào rõ rệt. Tuy nhiên, sự thay đổi khá đột ngột về khối lượng mỗi phiên có thể khiến NĐTTN "bối rối".
Điển hình là phiên tăng 6,2 điểm ngày 17.4, khối lượng mua vào lại giảm chỉ còn một nửa so với mức trung bình trước đó. Lượng mua ròng cũng giảm tới 72%, đồng nghĩa với khối lượng bán tăng lên. Tuy nhiên, ngay phiên cuối tuần, hàng loạt CP mất giá và VN-Index rơi 0,27 điểm, khối lượng mua từ nguồn vốn ngoại lại ngay lập tức phục hồi.
Tính chung 3 phiên vừa qua, giao dịch của NĐTNN vẫn chiếm tỉ trọng rất lớn trên thị trường. Khoảng 7,24 triệu CK đã được khối này mua ròng, giảm 41% và giá trị tương ứng 427,4 tỉ đồng, giảm 45%.
Tuy nhiên, nếu tính trong mối tương quan với toàn thị trường, tổng lượng mua vào đạt 9,14 triệu CK, chiếm tới 32,21% so với tổng khối lượng khớp lệnh của tuần. Riêng khối lượng mua ròng cũng chiếm 25,52% thị trường. Đây là tỉ trọng giao dịch lớn chưa từng có của khối này, vượt xa cả tuần cao điểm từ 7-11.4 vừa qua (chiếm 21,88%).
Vì sao khối NĐTNN tăng cường mua vào đang được lý giải rất đa dạng. Theo đánh giá của Phòng phân tích CTCK Thăng Long, không loại trừ khả năng "tạo sóng" của khối NĐT này.
"Thông tin chưa được kiểm chứng về việc một số quỹ nước ngoài muốn thanh lý CP xuất hiện song song với lượng cầu ngày càng tăng của khối nước ngoài đặt ra cho chúng ta suy nghĩ về một khả năng "tạo sóng để vượt cạn" của khối này", báo cáo phân tích của Cty đưa ra giả thiết.
Tuy nhiên, GĐ Indochia Capital Thomas Ngo trong buổi nói chuyện cuối tuần qua tại CTCK Đại Việt lại nhìn nhận tiềm năng tăng trưởng của DN và kinh tế VN về cơ bản vẫn tốt trong trung, dài hạn nên NĐTNN tin tưởng đầu tư lâu dài. Bản thân Indochina Capital vẫn còn 250 triệu USD chưa giải ngân.
Theo ý kiến của một NĐT rất có kinh nghiệm lướt sóng, thực tế nếu NĐTNN muốn lôi kéo giá lên để "xả hàng" thì hết sức rủi ro vì NĐTTN đã "cáo" hơn nhiều. Mặt khác, biên độ quá nhỏ trong khi nguồn cung tiềm năng quá lớn, không NĐT chuyên nghiệp nào lại cố gắng đi ngược thị trường và thực tế cũng không thể lũng đoạn giá của những CP lớn vốn có tính thanh khoản cao. Khả năng nhiều hơn là sức mua vừa qua đến từ các mục tiêu dài hạn vì về cơ bản, vẫn có thể lọc ra những CP tốt và giá có lợi nếu xét trong mục tiêu đầu tư 1 năm trở lên.
Theo nhận xét này, việc khối này giảm mua, tăng bán khi giá tăng nóng, kịch trần hàng loạt và ngược lại cũng là biểu hiện của hoạt động mua tích lũy. NĐTNN không mua bằng mọi giá và nhẫn nại nhường thị trường cho NĐTTN muốn tranh mua vì họ chỉ chấp nhận mua khi giá ở một mức độ nào đó.
Không nên băn khoăn nếu thấy một CP hôm nay được mua rất lớn nhưng ngay ngày mai có thể bị bán ra ồ ạt. Đó là hoạt động cơ hội thông thường như kỹ thuật bán khống, chỉ khác là dùng CP có sẵn trong tài khoản và khi thị trường đảo chiều tăng một cách quá nóng, thiếu bền vững. Nếu nhìn từng phiên giao dịch đơn lẻ, hoạt động mua bán của NĐTNN sẽ rất khác thường nhưng trong một quãng thời gian nhất định, hoạt động tích lũy luôn thể hiện là lượng mua vào lớn hơn nhiều so với lượng bán ra.
Lạc quan trong dài hạn
Mặc dù cơ hội đầu cơ đang hiếm dần do sự đảo chiều khó đoán của thị trường và biên độ lợi nhuận quá nhỏ nhưng những lạc quan về kinh tế vĩ mô có thể khiến NĐT dài hạn cân nhắc cơ hội mua. Những vấn đề thị trường quan ngại nhất như lạm phát, giảm tăng trưởng kinh tế... lại được đánh giá lạc quan.
Cuối tuần qua, trả lời phỏng vấn Đài BBC, ông Lawrence Greenwood - Phó Chủ tịch NH Phát triển Á châu (ADB) - cho rằng, việc VN điều chỉnh tỉ lệ tăng trưởng là thông điệp rõ ràng về mức độ quan ngại tình trạng lạm phát và những nỗ lực giải quyết vấn đề này.
"Với nền kinh tế VN thì không thể nói tới bất cứ một sự suy thoái dù là mức độ thế nào" - ông khẳng định. Ngày 17.4, NH Đầu tư Goldman Sachs đã công bố bản báo cáo tổng quát về VN dài 36 trang.
"Chúng tôi chia sẻ những quan ngại về rủi ro có thể xảy ra, trong đó có vấn đề lạm phát và các khó khăn trong chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn rất lạc quan về triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế này", báo cáo trích những kết luận quan trọng nhất.
Ngày 18.4, HSBC cũng tiếp tục công bố báo cáo Châu Á và tỉ trọng đầu tư khuyến cáo với VN vẫn không thay đổi (1%). 3 lĩnh vực duy nhất được HSBC khuyến cáo đầu tư với tỉ trọng cao hơn tỉ trọng trong rổ Index là CNTT - viễn thông, hàng tiêu dùng thiết yếu và chăm sóc sức khỏe - y tế. Chính những CP thuộc các ngành này tại VN được NĐTNN mua vào với khối lượng lớn nhất những phiên vừa qua.
LĐ
|