Chuyện quanh cái bảng điện tử
Đóng góp cho sự thành bại của các nhà đầu tư tại sàn giao dịch, ngoài thông tin, sự quyết đoán không thể không nói đến bảng điện tử.
Tại các CTCK đều có bảng điện tử riêng để phục vụ cho các khách hàng của mình và được chăm chút hết sức kỹ lưỡng. Ngoài ra, một số CTCK lớn còn có bảng điện trực tuyến để phục vụ rộng rãi các nhà đầu tư không lên sàn và mọi người muốn theo dõi tình hình chứng khoán.
Tiêu chí của bảng điện tử phải hiển thị một cách chính xác, nhanh chóng các khối lượng và giá trị giao dịch, tiếp đến là hình thức trình bày bắt mắt, chú thích đầy đủ, kỹ lưỡng.
Tuy nhiên rất ít bảng điện tử đạt được “ISO” nêu trên, thay vào đó là sự đầu tư thiếu chiều sâu, không chăm sóc kỹ lưỡng. Các bảng điện tử ngay tại sàn giao dịch, chỉ đáp ứng được nhu cầu về khối lượng, giá trị giao dịch còn về các thông tin như ngày giao dịch không hưởng quyền, chia cổ tức… gần như không thấy nói đến.
Sang các bảng điện tử trực tuyến, yêu cầu hàng đầu là sự nhanh nhạy, chính xác dường như không được đáp ứng. Có thể kể đến yếu tố khách quan là, do đường truyền tại nhiều nơi chưa tốt, nhưng lỗi phần nhiều thuộc về các CTCK. Ngay đến bảng điện tử của Sở giao dịch chứng khoán TPHCM cũng thực sự không xứng tầm khi thường xuyên bị tê liệt, cập nhật chậm chạp, gây thất vọng cho các nhà đầu tư.
Nhà đầu tư Quỳnh Trang cho biết: “Tôi thường xuyên theo dõi các bảng điện tử của Đại Việt, FPTS, Gia Quyền vì chất lượng ngày càng được cải thiện, nhất là có các thông tin về giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài, tuy nhiên về hình thức tôi vẫn chưa thực sự hài lòng”.
Một bảng điện tử với giao diện thân thiện, độ trễ về thời gian thấp, và thông tin chính xác chính là công cụ quảng bá hữu hiệu nhất cho hình ảnh của các CTCK. Chăm sóc cho bảng điện tử của mình cũng chính là chăm sóc khách hàng, đồng thời nâng cao vị thế của thương hiệu của các CTCK trong lòng các nhà đầu tư.
Các CTCK chớ nên có sự phân biệt theo kiểu “con ghẻ” (khách hàng tiềm năng) và “con ruột”(khách hàng ruột) mà tự đánh mất đi thị phần của mình.
tp
|