Dòng vốn ngoại vẫn đang chảy vào TTCK
Động thái giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) là một trong những chỉ báo quan trọng về xu hướng diễn biến của TTCK Việt Nam. Cuối tuần qua, UBCK đưa ra thông điệp số dư ĐTNN tại các thành viên lưu ký nước ngoài là không thay đổi và một số giao dịch ngoại hối chuyển khoản từ đồng Việt Nam sang ngoại tệ của một số ngân hàng là nhằm mục đích khác, không liên quan đến giao dịch chứng khoán. ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Hồng Sơn, Trưởng ban Quản ly quỹ (UBCK) để làm rõ hơn thông điệp này.
Dựa trên căn cứ nào mà UBCK đưa ra thông điệp số dư trên tài khoản của nhà ĐTNN là không đổi, thưa ông?
Nhà ĐTNN khi muốn đầu tư vào TTCK phải có mã số giao dịch. Theo thống kê của chúng tôi, hiện nay tại TTCK Việt Nam đã có trên 10.000 tài khoản của nhà ĐTNN, trong đó có trên 640 tài khoản là của các tổ chức ĐTNN. Như vậy, về mặt lượng, con số này đã có sự gia tăng đáng kể so với cuối năm 2007, khi tổng số tài khoản nhà ĐTNN mở tại TTCK Việt Nam là 7.500, trong đó, nhà đầu tư tổ chức có 300 tài khoản. Về giá trị danh mục đầu tư, so với tháng 12/2007, chỉ tiêu này trong tháng 1/2008 có sự suy giảm do tình hình chung giá cổ phiếu đi xuống, nhưng sang tháng 2, giá trị danh mục đầu tư của nhà ĐTNN trên thị trường chính thức đã tăng đáng kể, từ mức trên 6 tỷ USD lên khoảng 8 tỷ USD. Sang tháng 3, giá trị danh mục của nhà ĐTNN so với tháng 2 cũng có sự giảm đi đôi chút, nhưng chủ yếu là do giá cổ phiếu giảm, còn dòng tiền ĐTNN vào TTCK Việt Nam không có sự suy giảm nào.
Xin ông cho biết xu hướng giao dịch của nhà ĐTNN từ đầu năm 2008 đến nay?
Theo báo cáo của HASTC và HOSE, kể từ đầu năm 2008 đến nay, nhà ĐTNN mua nhiều hơn bán (xem thêm bảng số liệu). Tuy cách thức cũng như tiêu chí mua bán của từng nhà ĐTNN là khác nhau, nhưng với thực tế là với lượng mua thực dương cho thấy, TTCK Việt Nam vẫn có sức hấp dẫn nhà đầu tư ngoại. Trước đây, một số ĐTNN gặp khó khăn trong việc chuyển đổi ngoại tệ sang VNĐ để đầu tư do chính sách thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát của Chính phủ, nhưng hiện nay, sau khi Thủ tướng Chính phủ có văn bản yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chú trọng việc mua ngoại tệ cho nhà đầu tư gián tiếp thì sự căng thẳng trong việc chuyển đổi này đã được giải toả, giúp ĐTNN có điều kiện đầu tư nhiều hơn vào TTCK.
Trong nhiều nguyên nhân khiến TTCK suy giảm mạnh, có ý kiến nghi ngờ rằng, một số quỹ ĐTNN cố tình ghìm giá xuống để mua rẻ hơn. Ông nghĩ sao về ý kiến này?
Theo tôi được biết, các tổ chức đầu tư nước ngoài đều đặt ra những tiêu chí giao dịch riêng khi tham gia TTCK và bản thân các quỹ này luôn muốn được đầu tư trên một TTCK phát triển ổn định, lành mạnh và bền vững. Khi TTCK suy giảm mạnh, bản thân quỹ đầu tư cũng mất tiền, giá trị tài sản của quỹ giảm thì uy tín của quỹ đối với nhà đầu tư cũng giảm. Vì vậy, tôi không nghĩ là có một quỹ ĐTNN nào đó cố tình ghìm giá thị trường và thực tế là không có một lực lượng nào đủ lớn để có thể một mình thực hiện được động cơ này. Hiện chúng tôi chưa có bằng chứng nào về nghi ngờ mà ý kiến trên đề cập.
Được biết UBCK đang xây dựng dự thảo Quy chế quản lý nhà ĐTNN trên TTCK. Xin ông cho biết những điểm mới trong Quy chế này?
Thực hiện mục tiêu thu hút nguồn vốn ĐTNN vào TTCK nói riêng, nền kinh tế Việt Nam nói chung nên quan điểm của ban soạn thảo là sẽ tạo thuận lợi về pháp lý cho dòng vốn nước ngoài chảy vào Việt Nam. Hiện Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính, UBCK nghiên cứu trình Thủ tướng khả năng cho phép thành lập chi nhánh, công ty quản lý quỹ nước ngoài 100% vốn tại Việt Nam trước thời điểm phải thực hiện cam kết WTO về vấn đề này (sau 5 năm kể từ ngày 11.1.2007).
Hiện nay, các công ty quản lý quỹ ĐTNN khi tham gia vào TTCK thường phải thông qua văn phòng đại diện, nhưng theo Luật Thương mại, Văn phòng đại diện lại không được quyền kinh doanh, nên việc đầu tư của quỹ ĐTNN thường phải uỷ thác qua một số cá nhân thuộc Văn phòng đại diện. Với sự chỉ đạo của Thủ tướng, trong dự thảo Quy chế quản lý nhà ĐTNN, chúng tôi sẽ đề cập đến vấn đề này, nhằm tạo thuận lợi về pháp lý cho các quỹ ĐTNN tham gia TTCK Việt Nam.
Quy chế mới cũng sẽ yêu cầu các công ty quản lý quỹ thực hiện báo cáo hàng tháng lên UBCK, giúp chúng tôi nắm bắt được thông tin cập nhật hơn về dòng chảy của vốn ĐTNN, để từ đó có biện pháp quản lý phù hợp trong từng thời kỳ.
Ông đánh thế nào về cơ hội đầu tư trên TTCK hiện nay và UBCK đã có những hành động gì để khuyến khích các tổ chức đầu tư tham gia thị trường?
TTCK Việt Nam hiện nay là cơ hội vàng để đầu tư. Theo đánh giá chung của các chuyên gia quốc tế thì chỉ tiêu P/E của những nước có TTCK mới nổi từ 20 - 25 lần là có thể mua, trong khi chỉ tiêu này tại TTCK Việt Nam hiện chỉ có trên 10 lần, thậm chí nhiều mã cổ phiếu có chỉ số P/E nhỏ hơn 10 lần. Cái gốc quyết định giá trị cổ phiếu là hiệu quả kinh doanh của DN, nên khi DN vẫn hoạt động tốt thì không có lý do gì giá cổ phiếu cứ giảm mạnh. Về phía UBCK, chúng tôi đã và đang tiếp tục làm việc với một số quỹ đầu tư, công ty chứng khoán lớn và các đối tượng này đều có chung đánh giá, TTCK Việt Nam hiện nay cơ bản là tốt. UBCK đã đề xuất các tổ chức đầu tư mua cổ phiếu và khi nhà đầu tư lớn mua cổ phiếu, sẽ giúp ổn định tâm lý cho nhà đầu tư nhỏ.
Đtck
|