Bao giờ có cơ chế thoáng cho doanh nghiệp bán cổ phần?
Trong quý I/2008, chỉ có hơn 10 DN bán đấu giá cổ phần lần đầu qua TTCK, trong đó có gần một nửa số cuộc đấu giá không thành công, do có quá ít người tham dự. Việc ban hành một cơ chế linh hoạt hơn thay vì phương thức đấu giá kiểu Hà Lan cứng nhắc đã được đề cập vài tháng trước nhưng đến giờ chưa thấy tăm hơi. Ngay cả phương án dễ thực hiện hơn cả là hạ giá khởi điểm (trong trường hợp diễn biến thị trường kém và giá đã được phê duyệt vượt hơn so với giá trị DN) cũng không một đơn vị nào thực hiện, dù cầm chắc là nếu thực hiện theo phương án hiện tại thì cổ phần ế dài.
Trong 10 phiên đấu giá trên vẫn có những công ty bán hết cổ phần, song có thể điểm qua một số cuộc đấu giá để thấy sự đón nhận từ NĐT hờ hững nhường nào. Công ty Thái Dương, chào bán 1.916.700 CP với giá khởi điểm 10.500 đồng, chỉ có 32 NĐT cá nhân tham gia đăng ký mua 979.000 CP. Công ty 20 (Bộ Quốc phòng) chào bán 3.445.300 CP với giá khởi điểm 10.010 đồng, lượng đăng ký mua chỉ đạt 1.214.500 CP. Công ty Cấp nước Ninh Thuận chào bán lần 2 số CP 2.396.595 với giá khởi điểm 11.000 đồng, kết quả chỉ bán được 218.500 CP; trong khi lần 1 công ty này chỉ bán được 198.600 CP. Gần đây nhất, Công ty Nhựa Hà Nội đấu giá lần 2 lượng CP 397.000 với giá khởi điểm 25.200 đồng, chỉ có 7 NĐT cá nhân tham gia đăng ký mua 190.000 đồng, đến khi bỏ phiếu đấu giá chỉ còn lại 109.000 CP được mua, số còn lại chấp nhận bỏ cọc để “chạy làng”.
Ông Nguyễn Hữu Vạn, Giám đốc Công ty Nhựa Hà Nội đã phải ngao ngán thốt lên : “Chỉ mong xong việc! Nhà nước cho để lại số cổ phần không bán hết tính vào sở hữu Nhà nước thay vì cứ liên tục phải chạy theo đấu giá”. Giám đốc một DN khác còn mệt mỏi hơn: “Từ khi không bán hết cổ phần, tôi tối ngày lo bán tiếp vì thế đầu óc cũng khó tập trung cho kế hoạch sản xuất - kinh doanh”, mà có bán hết số cổ phần trên với giá khởi điểm DN cũng chỉ thu về hơn 2 tỷ đồng - một con số quá nhỏ để có thể làm gì đó cho việc sản xuất.
Có thể chia DN đấu giá cổ phần thành hai nhóm, thứ nhất là DNNN cổ phần hoá qua TTCK (những DN có lượng bán từ 10 tỷ đồng vốn điều lệ trở lên phải đấu giá bán cổ phần qua HOSE và HASTC), những DN này chịu quy định của Nghị định 109/NĐ-CP; thứ hai là nhóm công ty cổ phần thực hiện tăng vốn qua hình thức bán đấu giá cổ phần, phương án bán phải được UBCK phê duyệt.
Với nhóm thứ nhất, theo Nghị định 109, ngoài đấu giá, DN có thể thực hiện phương thức bảo lãnh phát hành hoặc thỏa thuận trực tiếp nhưng oái ăm ở chỗ chỉ được thực hiện hai phương án trên (bảo lãnh hoặc thoả thuận) sau khi đã thực hiện đấu giá. Như vậy, nếu như hàng bán rộng rãi mà đã ế thử hỏi bán ở quy mô hẹp hơn có dễ hơn, khi ấn tượng ban đầu đã không mấy đẹp. Và thực tế là kể từ khi Nghị định 109 ra đời, hầu như không có DN nào bán được CP theo phương thức bảo lãnh phát hành, còn bán thỏa thuận trực tiếp thì cũng rất ít.
Cũng với nhóm DNNN chào bán cổ phần lần đầu này, thủ tục phê duyệt giá khởi điểm khá rắc rối từ thông qua ban chỉ đạo CPH tại DN đến cơ quan chủ quản rồi Bộ Tài chính... Kể từ khi phương án bán cổ phần được phê duyệt đến khi thực hiện, có khi thị trường đã biến động khác xa (cụ thể, thời gian qua trong 1 tháng, giá nhiều cổ phiếu trên thị trường tập trung giảm tới gần 50%). Tình trạng lạc hậu giá khởi điểm cũng rơi vào nhóm DN thứ hai mặc dù trong quý I năm nay, số DN thực hiện phát hành thêm và thực hiện đấu giá chỉ đếm trên đầu ngón tay do chủ trương giãn cung của cơ quan quản lý, đồng thời bản thân DN cũng kém hào hứng bởi thị trường không thuận lợi.
Điều đáng nói là vấn đề này được cảnh báo và nêu ra từ rất lâu nhưng vẫn chưa có bất cứ DN nào dũng cảm xin hạ giá khởi điểm. Thậm chí, khi thị trường diễn biến đi xuống mạnh như đã đề cập ở trên, bán lần một không hết, DN bán lần 2 mà vẫn giữ giá khởi điểm như vậy. Trường hợp của Công ty Cấp nước Ninh Thuận và tương tự với Công ty Nhựa Hà Nội là ví dụ. Công ty Cấp nước Ninh Thuận bán đấu giá lần 1 từ 20/12/2007, lượng cổ phần chào bán 2.589.895 CP giá khởi điểm 11.000 đồng, bán được vỏn vẹn 193.300 CP, lần đấu giá lại tổ chức vào 31/3/2008 cũng vẫn giá khởi điểm đó và kết quả là CP tiếp tục ế.
Một quan chức phụ trách vấn đề đấu giá thuộc ngành chứng khoán cho hay: “Bây giờ trường hợp nào mắc thì giải quyết theo vụ việc, chẳng hạn như trường hợp Habeco thì xin ý kiến Chính phủ chứ chưa có cơ chế nào thống nhất, thông thoáng cho DN dễ bán cổ phần”. Cũng đã có ý kiến đề xuất khi phê duyệt phương án chào bán cổ phần của DN, cơ quan quản lý cứ phê duyệt giá trị DN trước, sát ngày đấu giá thì tính toán khởi điểm dựa trên diễn biến thị trường và kỳ vọng NĐT nhưng rốt cục đề xuất vẫn để đó. Còn việc đưa ra nhiều phương thức bán cổ phần cho DNNN chào bán lần đầu thì cứ chịu khó chờ sửa đổi Nghị định 109. “Nói thực, khi Nghị định 109 được ban hành mà không tháo gỡ được những vướng mắc đã nảy sinh trong quá trình cổ phần hóa DNNN, chúng tôi thất vọng ghê lắm”, vị quan chức trên bày tỏ. Và khi chính sách không đi vào cuộc sống, phản ứng đơn giản nhất của NĐT cũng như thị trường là: hãy đợi đấy!
đtck
|