Thứ Sáu, 18/04/2008 11:05

Cảnh báo hiện tượng "chảy máu" giá trị doanh nghiệp

Sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước là để các doanh nghiệp thoát khỏi tình trạng hoạt động trì trệ, vươn lên hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, trong quá trình này, không ít doanh nghiệp đã trở thành món lợi béo bở được đem "phân phối" cho một số nhà "đầu tư", và dĩ nhiên họ phất lên chóng vánh bằng các thủ đoạn chuyển đổi sở hữu vòng vèo. Hiện tượng "chảy máu" giá trị doanh nghiệp khá phổ biến trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Càng kinh doanh càng lỗ

Công ty Lâm đặc sản Hà Nội (Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) (NN và PTNT) tiền thân là Xí nghiệp sản xuất và dịch vụ lâm đặc sản xuất khẩu, thành lập theo Quyết định số 47- TCLD ngày 23-1-1990 của Bộ Lâm nghiệp (trước đây). Qua nhiều lần sáp nhập, hợp nhất cơ quan chủ quản, Công ty Lâm đặc sản Hà Nội được quyền sử dụng ba khu đất (hình thức thuê trả tiền hằng năm) đáng giá nghìn vàng giữa Thủ đô Hà Nội và thị xã Hà Ðông (nay là TP Hà Ðông, tỉnh Hà Tây). Ðó là các khu đất: 2.700 m2 ở số 84, đường Ngọc Khánh, quận Ba Ðình, Hà Nội; 8.077,5 m2 ở số 1111, đường Giải Phóng, quận Hoàng Mai, Hà Nội và 5.194 m2 ở phường Vạn Phúc, TP Hà Ðông.

Mặc dù "sở hữu" nguồn lực đất đai lớn như vậy, nhưng suốt nhiều năm qua, công ty hầu như không tổ chức sản xuất, kinh doanh, mà chỉ cho thuê lại đất đai, nhà xưởng để lấy tiền trả lương cán bộ, công nhân (CBCN). Ðiều ấy đã đẩy công ty dần đi đến khánh kiệt. Tháng 8-2002, CBCN của công ty đồng loạt viết đơn kiến nghị phải sắp xếp lại để cứu doanh nghiệp trên đà xuống dốc. Kết quả kinh doanh của công ty cuối năm 2002 thể hiện tình trạng tồi tệ khi lỗ lũy kế hơn 6,3 tỷ đồng. Tổng các khoản nợ phải trả là hơn 18 tỷ đồng. Không có quỹ dự phòng, đầu tư phát triển. Các cách tính tỷ suất sinh lời đều cho kết quả âm. Riêng tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu âm tới 280,7%. Nghĩa là, nếu không có một giải pháp quyết liệt, công ty sẽ bắt buộc phải phá sản hoặc giải thể doanh nghiệp.

Tuy nhiên, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam đã quyết định "cứu" Công ty Lâm đặc sản Hà Nội bằng cách cho bán phần vốn góp của công ty trong Liên doanh Khách sạn Ngọc Khánh để cân đối tài chính, đồng thời chuẩn bị bước tiếp theo là cổ phần hóa công ty.                      

Vòng vèo trong chuyển nhượng

Liên doanh Khách sạn Ngọc Khánh (số 84, đường Ngọc Khánh, quận Ba Ðình, Hà Nội) thành lập năm 1992 giữa Công ty Lâm đặc sản Hà Nội và Công ty Chengda Industry Trading LTD (Trung Quốc), vốn pháp định 600.000 USD, mỗi bên góp 50%. Phía Việt Nam góp bằng quyền sử dụng 2.000 m2 đất và tài sản trên đất; bên nước ngoài góp hai xe ô-tô du lịch và tiền. Thời gian hoạt động của liên doanh là 20 năm. Ðược ít ngày, đối tác trong liên doanh nhượng lại vốn cho Công ty Thực nghiệm Tam Tín Hải Nam (Trung Quốc). Trong suốt thời gian liên doanh, khách sạn thua lỗ triền miên. Lỗ lũy kế đến thời điểm 30-9-2003 là hơn 5,4 tỷ đồng.

Cũng đúng ngày 30-9-2003, quyền Tổng giám đốc Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam Trần Ðức Sinh ký công văn số 1390 đồng ý với đề nghị của Giám đốc Công ty Lâm đặc sản Hà Nội  Nguyễn Xuân Lâm về việc "bán" phần vốn góp trong liên doanh cho Công ty cổ phần sân gôn Ngôi Sao Chí Linh với giá 230.000 USD (tương đương 3,7 tỷ đồng), thấp hơn giá trị vốn góp pháp định ở thời điểm thành lập liên doanh cách đó 11 năm. Nhưng rồi bản hợp đồng này không thể ký kết vì sự phản đối của tập thể người lao động trong doanh nghiệp. Cùng thời điểm đó, có thông tin một doanh nghiệp tư nhân ở thủ đô "đánh tiếng" mua phần vốn góp với giá 30 tỷ đồng (gấp 8 lần mức giá thỏa thuận bán cho Công ty sân gôn Ngôi Sao Chí Linh), nhưng Công ty Lâm đặc sản Hà Nội không trả lời.

Ðến năm 2005, Công ty Lâm đặc sản đột ngột ấn định giá chuyển nhượng vốn là 10 tỷ đồng (100% vốn góp tương đương 20 tỷ đồng). Phía nhận chuyển nhượng - Công ty Norfolk Development Group (Vietnam) Limited soạn thảo hợp đồng với các điều khoản chặt chẽ khiến Công ty Lâm đặc sản Hà Nội sau khi hoàn tất việc chuyển nhượng không còn cơ hội đòi lại quyền sử dụng đất đã góp lúc ban đầu. Ðược biết công ty này cũng đã mua lại quyền sở hữu 50% của Công ty Thực nghiệm Tam Tín Hải Nam và làm các thủ tục chuyển đổi liên doanh trở thành công ty 100% vốn nước ngoài.

Theo một nguồn tin tin cậy của chúng tôi, người chủ mới vừa chào bán toàn bộ Khách sạn Ngọc Khánh với giá 4 triệu USD (khoảng 64 tỷ đồng), tăng giá gấp hơn ba lần so với giá trị trước đó. Ðiều này được một số chuyên gia giải thích là do quy định hiện hành không bắt tính giá trị quyền sử dụng đất thuê trả tiền hằng năm vào giá trị doanh nghiệp, cho nên khi "chuyển nhượng vốn" từ Nhà nước sang tư nhân, người ta chỉ tính giá tài sản trên đất + lợi thế kinh doanh (không bao gồm giá trị quyền sử dụng đất), nhưng khi chuyển nhượng lần sau giữa tư nhân và tư nhân thì giá trị quyền sử dụng đất trở thành giá trị chính của hợp đồng chuyển nhượng. Vì vậy mới có chuyện giá chuyển nhượng vốn giữa lần thứ nhất và các lần sau "vênh" nhau quá lớn. Ở khía cạnh luật pháp, việc chuyển nhượng này không bị cấm đoán về nội dung lẫn hình thức, song trên thực tế, đây là kẽ hở rất lớn để các bên tham gia chuyển nhượng vin vào đó trục lợi.

Trường hợp lô đất 700 m2 liền kề phía sau Khách sạn Ngọc Khánh, tháng 12-2003 được chính đối tác của Công ty Lâm đặc sản Hà Nội thỏa thuận định giá 6,4 tỷ đồng. Và trước đó, ngày 6-10-2003, lại là ông Trần Ðức Sinh, quyền Tổng giám đốc Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam có văn bản đồng ý với thỏa thuận định giá nêu trên, để đưa vào góp vốn trong liên doanh thực hiện dự án xây dựng "Khu văn phòng, nhà ở cao cấp".

Chúng ta hãy thử làm phép so sánh mức định giá này với mức giá chuyển nhượng 50% vốn góp trong liên doanh Khách sạn Ngọc Khánh (bao gồm quyền sử dụng đất và tài sản trên đất). Tại sao hai vị trí đất liền kề nhau trong cùng thời điểm (chỉ cách sáu ngày, từ 30-9 đến 6-10-2003), mà lô đất 2.000 m2 ở vị trí mặt tiền lại được định giá (3,7 tỷ đồng), thấp bằng nửa so với lô đất 700 m2 (6,4 tỷ đồng) ở vị trí thứ hai? Dù có biện hộ thế nào thì sự thật này cũng đáng suy nghĩ. Phải chăng, Công ty Lâm đặc sản Hà Nội và Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam đã nhân cơ hội  "cân đối tài chính" để "bán tháo" 2.000 m2 đất Ngọc Khánh với giá bèo, làm thất thoát hàng chục tỷ đồng? Liệu có ai được lợi và được lợi bao nhiêu khi "ghìm" giá chuyển nhượng thực tế của  phần  vốn  góp (bao gồm cả giá trị quyền sử dụng đất) xuống quá thấp so với giá thị trường?

Những biểu hiện sai trái trong cổ phần hóa

Trước khi cổ phần hóa, hơn một trăm lao động quen nhận đồng lương còm cõi (khoảng 500- 600 nghìn đồng/tháng) ở Công ty Lâm đặc sản Hà Nội, chẳng mấy người hào hứng mua cổ phần. 60 người trong số họ đã bán toàn bộ quyền mua cổ phần ưu đãi trước khi đấu giá. 30 người khác cũng bán từ 50% đến 90%  những năm tháng công tác ở cùng thời điểm. Trong danh sách nộp tiền mua cổ phần ưu đãi lập ngày 18-12-2006, chúng tôi nhận thấy chỉ có 30 nghìn cổ phần thật sự thuộc về người lao động, còn lại 180 nghìn cổ phần do một nhóm năm người nắm giữ trong tổng số 211 nghìn cổ phần ưu đãi.

Ðáng lưu ý, trong số cổ phần của nhóm năm người nói trên, có 175.800 cổ phần được hưởng ưu đãi sai đối tượng hoặc vượt quá tiêu chuẩn. Cụ thể, các ông: Nguyễn Xuân Lâm, Giám đốc Công ty mua ưu đãi vượt tiêu chuẩn 38 nghìn cổ phần; Nguyễn Văn Tuấn, nguyên Phó Giám đốc công ty, mua ưu đãi vượt tiêu chuẩn 9.900 cổ phần. Còn lại ba người không phải là lao động của công ty đã mua ưu đãi sai đối tượng là: Nguyễn Ðăng Tâm 70 nghìn cổ phần, Nguyễn Ngọc Xuân 50 nghìn cổ phần và Phùng Thị Mai Hương 7.900 cổ phần. Theo quy định, những người này chỉ có thể được hưởng mức giảm giá ưu đãi của cổ đông chiến lược, tức là giảm 20% so với giá trúng thầu bình quân. Nhưng họ đã nhập nhèm trà trộn vào danh sách người lao động để được hưởng ưu đãi giảm 40%. Như vậy, khoản tiền chênh lệch giá (20%) mà nhóm người nêu trên đã chiếm đoạt của Nhà nước tổng cộng lên tới hơn 2,1 tỷ đồng (bởi vì chi phí ưu đãi giá được tính vào phần tăng thu khi đấu giá, nếu thiếu thì trừ tiếp vào phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Cả hai nguồn đều do Nhà nước quản lý). Trong đó đứng đầu là: Ông Nguyễn Ðăng Tâm với 836,5 triệu đồng; ông Nguyễn Ngọc Xuân 597,5 triệu đồng; ông Nguyễn Xuân Lâm 454,1 triệu đồng... Ðiều này cũng góp phần lý giải vì sao sau hơn một năm Công ty Lâm đặc sản Hà Nội đổi tên thành Công ty cổ phần Lâm sản FORPRODEX, vấn đề chi phí ưu đãi cổ phần hóa vẫn bị bưng bít.   

Ðược biết hiện nay, trên thực tế ông Nguyễn Ðăng Tâm, Chủ tịch HÐQT đang sở hữu tới 140.000 cổ phần, chiếm 35% tổng vốn điều lệ, lớn hơn cả phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (27,25%). Tuy nhiên, trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh vẫn ghi cổ phần của Nguyễn Ðăng Tâm là 70.000. Và đây mới là số cổ phần được mua chính thống qua đấu giá. Còn 70.000 cổ phần ghi trong danh sách người lao động là "mua chui" (vi phạm khoản 3 Ðiều 27 và khoản 1 Ðiều 37, Nghị định số 187/2004/NÐ-CP ngày 16-11-2004 quy định về việc chuyển công ty nhà nước thành công ty cổ phần) nhằm mục đích nắm quyền chi phối trong công ty.

Hậu quả do buông lỏng quản lý

Trong buổi làm việc ngày 8-3-2008 tại văn phòng Công ty cổ phần Lâm sản FORPRODEX, ông Nguyễn Ðăng Tâm dành cho chúng tôi những phút trò chuyện ngoài lề hiếm hoi. Khi Công ty Lâm đặc sản Hà Nội tổ chức đấu giá cổ phần lần đầu, ông "đặt tiền" một cách quyết đoán. "Tôi vào đấu và trả giá cao nhất. Bởi tôi nghĩ miếng đất có giá trị". Như vậy là ông Tâm đã không giấu giếm việc mình bị cái lợi to lớn từ đất đai cuốn hút, chứ không phải từ con số 4 tỷ đồng vốn điều lệ của công ty khi cổ phần hóa, được chia nhỏ thành 400.000 cổ phần, trong đó có 27,25% cổ phần thuộc sở hữu nhà nước, 52,75% cổ phần ưu đãi dành cho người lao động và 20% cổ phần dành cho các cổ đông khác.

Trên thực tế, đất càng có vị trí đẹp càng được trả giá cao. Người ta sẵn sàng trả tiền không cần phân biệt giữa đất được giao hay đất thuê; đất thuê trả tiền một lần hay đất thuê trả tiền hằng năm, miễn là mang lại hiệu quả siêu lợi nhuận. Hiện nay, nhu cầu thuê khách sạn, văn phòng, nhu cầu mua căn hộ cao cấp ở khu vực nội thành tăng chóng mặt, cho nên giá những khu đất đắc địa ngày càng leo thang. Ai nắm giữ "quyền sử dụng đất", được pháp luật cho phép chuyển nhượng, góp vốn liên doanh, liên kết thì tiền sẽ chảy vào túi người đó. Còn ai sở hữu "tài sản trên đất" thì sẽ có quyền sử dụng đất. Chính điều này đã và đang tạo cơ hội cho khá nhiều người chỉ trong một đêm "lột xác" bước vào ngôi nhà của những đại tỷ phú.

Nhưng dẫu sao việc thể hiện quyền hành trên những mảnh đất mầu mỡ lúc này là quá sớm. Trên đường tiến tới đó còn nhiều vấn đề cần xử lý. Thâu tóm được số lượng cổ phần lớn chỉ là bước đầu. Phải chờ đợi trong ba năm cho những điều khoản ràng buộc về việc chuyển nhượng cổ phần trở nên cởi mở hơn. Lúc đó có thể thâu gom cổ phần một cách công khai. Cũng có thể làm cho phần vốn Nhà nước "teo" đi hoặc biến mất bằng cách tiếp tục phát hành cổ phần mới, bằng cách xin tổng công ty "bán non" phần vốn Nhà nước... Và đến chừng nào giảm tới mức thấp nhất những lực cản trong HÐQT, trong Ðại hội cổ đông và bố trí được người "cùng cánh" trong Ban Kiểm soát, thì đó là lúc coi như hoàn tất quá trình chuyển đổi chủ sở hữu. Bấy giờ, nếu không thích kinh doanh, mà muốn chuyển nhượng tiếp "cái quyền" đáng giá nghìn vàng còn sót lại (Công ty cổ phần Lâm sản FORPRODEX hiện còn 700 m2 đất ở 84 Ngọc Khánh và hơn 8.000 m2 đất ở số 1111, đường Giải Phóng), thì quả là quá dễ. Ðành rằng đất đai vẫn thuộc sở hữu nhà nước, nó vẫn ở nguyên vị trí, không ai di dời được. Nhưng mỗi lần "thay ngôi đổi chủ" là có thêm một số người bỏ túi cả đống vàng, còn Nhà nước không có thêm đồng nào!

nhân dân

Các tin tức khác

>   Vinaconex sẽ niêm yết trước tháng 8/2008 (18/04/2008)

>   Vinaland tăng vốn điều lệ lên 120 tỷ đồng (18/04/2008)

>   Tanimex: Thanh toán cổ tức đợt 2 năm 2007 (18/04/2008)

>   Sau 24 giờ nhận được yêu cầu, Cty đại chúng phải công bố thông tin (18/04/2008)

>   VNS: Đại hội cổ đông thường niên năm 2008 (18/04/2008)

>   Quý 1/2008, SeABank đạt 127 tỷ đồng lợi nhuận (17/04/2008)

>   CTCP TM và XNK XD Cosevco (Đà Nẵng): Bỏ rơi người lao động ở nước ngoài (17/04/2008)

>   CSG: TB đăng ký lưu ký cổ phiếu tại TTLK (17/04/2008)

>   Eden Group: Đại hội cổ đông thường niên 2008 (17/04/2008)

>   Pacific Airlines đổi thương hiệu: Khách hàng được lợi (17/04/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật