Thứ Sáu, 18/04/2008 19:32

“Pacific Airlines cần mặc áo hàng hiệu”

Mới đây, hãng hàng không Pacific Airlines đã hợp tác với hãng hàng không giá rẻ Jetstar thuộc tập đoàn Qantas (Australia). Theo đó, Pacific Airlines sẽ mang tên mới Jetstar Pacific Airlines.

VnEconomy đã có cuộc trao đổi với với bà Nguyễn Thị Thúy Bình, Phó tổng giám đốc Pacific Airlines xung quanh sự kiện bước ngoặt của hãng hàng không này.

"Thương hiệu Pacific Airlines chưa đủ mạnh"

Trước đây một tập đoàn tài chính lớn từng đàm phán để trở thành đối tác của Pacific Airlines nhưng họ đã không được lựa chọn. Lý do gì khiến Pacific Airlines lại có quyết định liên kết với Jetstar để mang tên mới là Jetstar Pacific?

Việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược nước ngoài cho Pacific Airllines là do Bộ Tài chính và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) quyết định.

Tuy nhiên, việc chọn Qantas làm đối tác chiến lược của Pacific Airlines là quyết định hợp lý. Qantas là hãng hàng không lâu đời nhất thế giới với kỷ lục 88 năm hoạt động (từ năm 1920) mà chưa từng xảy ra sự cố. Đây cũng là hãng hàng không có chất lượng dịch vụ tốt trên thế giới.

Thêm vào đó, hãng hàng không giá rẻ Jetstar Airways trực thuộc Qantas cũng được đánh giá là hãng hàng không giá rẻ tốt nhất thế giới năm 2007. Những kinh nghiệm của Qantas và Jetstar là những điều rất cần thiết đối với sự phát triển của Pacific Airlines.

Pacific Airlines là một thương hiệu đã khá quen thuộc với người sử dụng dịch vụ hàng không. Vậy Pacific Airlines đã và đang có những sự chuẩn bị như thế nào khi mang tên mới?

Pacific Airlines là thương hiệu tốt ở Việt Nam, nhưng chưa đủ mạnh để mở rộng và chiếm lĩnh thị trường quốc tế theo chiến lược và kế hoạch mà hội đồng quản trị đã đặt ra.

Bản thân “nội dung” chất lượng thực tế của Pacific Aiilines đã vượt qua “hình thức” của thương hiệu hiện nay. Khi chiếc áo đã chật, cần phải may mới hoặc mua một cái áo hàng hiệu có sẵn.

Pacific Airlines cần một thương hiệu mạnh hơn để phát triển nhanh và hiệu quả. Việc đầu tư vào thương hiệu hiện có vừa tốn kém tiền bạc, vừa làm lỡ cơ hội phát triển.

Đó là lý do tại sao chúng tôi lựa chọn phương án nhượng quyền thương hiệu (franchising) để sử dụng thương hiệu nổi tiếng Jetstar mà cổ đông chiến lược của Pacific Airlines là Qantas đang sở hữu.

Đây là một sự thay đổi toàn diện và đã được chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Vì vậy, từ ngày 23/5 tới đây, khi Pacific Airlines bắt đầu mang thương hiệu Jetstar, tất cả mọi thứ từ nội dung đến hình thức đều sẽ thay đổi để phù hợp với Jetstar.

Thương hiệu mới không làm tăng giá vé

Diện mạo mới của máy bay Jetstar Pacific sẽ như thế nào?

Diện mạo mới của Jetstar Pacific thể hiện rõ nhất qua màu sơn máy bay, đồng phục nhân viên, các phòng vé và đại lý. Các màu chủ đạo của Jetstar Pacific là màu cam, màu đen và màu bạc ánh kim.

Máy bay của Jetstar Pacific được sơn giống như máy bay của Jetstar Airways và mang tên giao dịch Jetstar Pacific. Đồng phục nhân viên Jetstar Pacific sử dụng các màu chuẩn của Jetstar nhưng kiểu dáng Việt Nam. Riêng các phòng vé, đại lý của chúng tôi sẽ áp dụng mô hình các phòng vé, đại lý của Jetstar tại Úc.

Sau khi đổi tên mới, Jetstar Pacific sẽ phải làm công tác truyền thông để quảng bá tên mới này. Tổng chi phí dự kiến cho chương trình này sẽ là bao nhiêu?

Chiến dịch truyền thông quảng bá thương hiệu mới dự kiến sẽ kéo dài 2,5 tháng, từ giữa tháng 5 đến hết tháng 7. Ngân sách cho toàn bộ chương trình thương hiệu khoảng 5 triệu USD.

Pacific Airlines vốn là một hãng hàng không luôn hướng tới việc tiết kiệm chi phí cho người tiêu dùng, vậy việc quảng bá thương hiệu mới có làm cho giá vé và những chi phí của khách hàng bị tăng lên?

Giá vé máy bay của Pacific Airlines dựa trên sự chấp nhận của thị trường và nhu cầu cạnh tranh, cũng như mục tiêu phát triển thị trường. Việc Pacific Airlines chi một khoản tiền lớn cho thương hiệu mới Jetstar được coi là khoản đầu tư dài hạn, nên sẽ không làm tăng giá vé máy bay.

Tinh giản bộ máy và tiết kiệm chi phí

Khi liên kết với Jetstar, Ban quản trị Jetstar Pacific sẽ có sự thay đổi như thế nào?

Khi trở thành Jetstar Pacific, thành phần Hội đồng Quản trị và Ban điều hành của chúng tôi vẫn giữ nguyên như hiện nay.

Tuy nhiên, giữa chúng tôi và Jetstar Airways có sự phân công công việc để tinh giản bộ máy và tiết kiệm chi phí cho cả hai bên. Một số công việc chúng tôi sẽ bàn giao cho Jetstar Airways và ngược lại. Theo đó, chúng tôi sẽ đảm nhiệm một số công việc tại Việt Nam cho tất cả các hãng hàng không mang thương hiệu của Jetstar.

Sau đó, Jetstar Pacific sẽ có những nét mới gì trong dịch vụ? Khách hàng sẽ được hưởng lợi ra sao từ sự kết hợp này?

Pacific Airlines sẽ thực hiện việc đồng nhất các chính sách thương mại, dịch vụ, phân phối với Jetstar. Cơ cấu giá vé của Jetstar Pacific sẽ được điều chỉnh, giảm bớt số lượng vé giá Linh hoạt (Flex) và tăng số lượng vé giá Tiết kiệm (Saver).

Ngoài ra. Jetstar Pacific sẽ bổ sung loại vé giá Saver Light rẻ tiền hơn, dành cho hành khách không có hành lý ký gửi. Trẻ em (dưới 2 tuổi) được miễn hoàn toàn tiền vé máy bay. Hành khách tàn tật được miễn phí xe lăn.

Hành khách có thể đặt chỗ và thanh toán cho một hành trình bay nhiều chặng của nhiều thành viên Jetstar khai thác trong một vé máy bay. Không chỉ có vậy, hành khách còn có thể mua vé máy bay, thanh toán tiền khách sạn, mua tour du lịch, thuê xe ôtô, mua bảo hiểm du lịch cùng trong một giao dịch mua vé qua website của Jetstars Pacific hoặc các trung tâm phục vụ khách hàng, phòng vé và đại lý của Jetstar Pacific

Khi phát triển thành hãng hàng không giá rẻ, Pacific Airlines luôn hướng đến việc đưa ra giá vé máy bay thấp hơn giá vé truyền thống 30%. Jetstar Pacific sẽ tiếp tục thực hiện điều này?

Mục tiêu bán giá vé máy bay bình quân thấp hơn giá vé truyền thống 30% của chúng tôi đã được thực hiện.

Sắp tới chúng tôi sẽ biến điều này thành cam kết pháp lý: nếu tại thời điểm mua vé Jetstar Pacific khách hàng phát hiện và chứng minh được hãng hàng không khác có giá vé thấp hơn cho cùng đường bay, ngày bay, giờ bay…, chúng tôi sẽ thưởng cho hành khách mua vé Jetstar Pacific một phiếu thưởng có giá trị gấp đôi khoản chênh lệch giá vé để khách hàng sử dụng mua vé lần sau.

vneconomy

Các tin tức khác

>   Vietcombank tổ chức ĐHĐCĐ lần thứ nhất (18/04/2008)

>   CTCP CK VNS lập chi nhánh tại Tp.Hồ Chí Minh (18/04/2008)

>   CTCP CK Sài Gòn tăng vốn điều lệ (18/04/2008)

>   Thông báo v/v tổ chức kiểm toán BCTC năm của công ty đại chúng chưa niêm yết (18/04/2008)

>   Thông báo bán tiếp cổ phần CT TNHH Một thành viên Bảo vệ Thực vật Sài Gòn (18/04/2008)

>   Cảnh báo hiện tượng "chảy máu" giá trị doanh nghiệp (18/04/2008)

>   Vinaconex sẽ niêm yết trước tháng 8/2008 (18/04/2008)

>   Vinaland tăng vốn điều lệ lên 120 tỷ đồng (18/04/2008)

>   Tanimex: Thanh toán cổ tức đợt 2 năm 2007 (18/04/2008)

>   Sau 24 giờ nhận được yêu cầu, Cty đại chúng phải công bố thông tin (18/04/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật