Băn khoăn chất lượng kiểm toán!
Ngày 18/4/2008, UBCK phát đi thông điệp (công văn số 657/UBCK-PTTT) chấp nhận các báo cáo tài chính năm của công ty đại chúng (CTĐC) chưa niêm yết được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán độc lập do Bộ Tài chính cấp phép hoạt động. Như vậy, so với Thông tư 38/2007/TT-BTC (quy định chỉ những công ty kiểm toán (CTKT) chấp thuận được kiểm toán các CTĐC), công văn này đã mở tối đa…
Chênh lệch cung - cầu
Hiện nay, đã có 141 CTKT được cấp phép hoạt động, trong đó chỉ có gần 30 công ty được chấp thuận (được kiểm toán các CTĐC, CTCK, công ty quản lý quỹ) theo quy định của Bộ Tài chính. Theo số liệu từ UBCK, tính đến ngày 18/2/2008 đã có 904 CTCP đăng ký là CTĐC và hiện tại có khoảng gần 300 DN niêm yết, CTCK, công ty quản lý quỹ - những đối tượng do các CTKT chấp thuận thực hiện kiểm toán. Nếu tính bình quân thì mỗi CTKT chấp thuận sẽ thực hiện kiểm toán hơn 40 đơn vị - một khối lượng công việc không hề nhỏ.
Trước sự mất cân đối cung cầu kể trên, để tạo điều kiện cho các CTĐC chưa niêm yết trong việc công bố Báo cáo tài chính năm 2007 được kiểm toán, UBCK thông báo chấp nhận các báo cáo tài chính năm của CTĐC chưa niêm yết được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán độc lập do Bộ Tài chính cấp phép hoạt động. Như vậy, 141 CTKT hiện nay đều được kiểm toán các CTĐC. Theo tìm hiểu của ĐTCK thì trong số này có trên 100 CTKT chỉ có 3 kiểm toán viên (KTV). Trong khi các CTKT ra đời với số lượng lớn thì việc đào tạo, cấp chứng chỉ KTV lại không theo kịp. Năm 2005 có khoảng 200 người, năm 2006 khoảng 250 người, đến năm 2007 chỉ có khoảng 30 người được cấp chứng chỉ KTV. Mặt khác, có không ít KTV chuyển sang làm việc trong các lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán nên ảnh hưởng lớn đến nguồn nhân sự của nhiều CTKT.
Có còn hơn không?
Bà Hà Thị Thu Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Deloitte Việt Nam cho biết, trong số 141 CTKT chỉ có 28 công ty có từ 7 KTV trở lên. Như vậy, những công ty còn lại bị thiếu KTV và để thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính của những công ty bình thường có khi còn khó khăn chứ chưa nói đến chất lượng báo cáo kiểm toán các CTĐC và thông tin được công bố ra công chúng. Bà Thanh cho rằng, có khá nhiều CTKT hoạt động chưa đến 3 năm, bản thân công ty đó còn nhiều vấn đề liên quan đến kiểm soát chất lượng nội bộ, nên chất lượng của báo cáo kiểm toán khó có thể cao.
Theo bà Thanh, thông tin công bố ra thị trường là những thông tin nhạy cảm, vì nó liên quan đến các quyết định của NĐT. Vì bảo vệ NĐT nên mới bắt buộc các công ty phải công bố thông tin, nhưng không phải vì thế mà công bố thông tin kém chất lượng. Việc “tháo van” có thể giúp các CTĐC sớm có báo cáo kiểm toán để thực hiện yêu cầu công bố thông tin theo Luật Chứng khoán. Tuy nhiên, lại có mặt trái là không khuyến khích các CTKT nhỏ phát triển để nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán.
Trao đổi với ĐTCK, ông Bùi Văn Mai, Vụ trưởng Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán (Bộ Tài chính) cho biết, việc cho phép các CTKT độc lập được kiểm toán khối CTĐC, CTCK, công ty quản lý quỹ… sẽ ảnh hưởng đến chất lượng báo cáo kiểm toán vì năng lực, trình độ của CTKT hiện nay rất khác nhau. Có những công ty ra đời hàng chục năm, có công ty thành lập được 2 tháng, có CTKT quy mô lớn với vài chục KTV, có công ty chỉ 10 người với 3 KTV… Việc này còn gây tâm lý không tốt cho những CTKT phải nỗ lực rất nhiều để lọt vào danh sách được UBCK chấp thuận.
Tuy nhiên, một số CTĐC lại có cách nhìn khác. Theo đại diện CTCP Vận tải biển Vinaship thì trong 5 năm trở lại đây, mặc dù chưa niêm yết nhưng DN đã tuân thủ việc kiểm toán báo cáo tài chính do các CTKT được chấp thuận thực hiện. Tuy nhiên đại diện của Vinaship cho rằng, nếu cho phép các CTKT độc lập kiểm toán CTĐC sẽ giúp CTĐC thuận lợi hơn trong việc hoàn thành nghĩa vụ công bố thông tin báo cáo tài chính kiểm toán. Mặt khác, các DN này cũng không phải trả khoản phí khá cao do một số CTKT chấp thuận đưa ra.
Ông Nguyễn Sơn, Trưởng ban Phát triển thị trường, UBCK lý giải, việc mở rộng đối tượng kiểm toán CTĐC là do số lượng CTĐC ngày một tăng, nhu cầu kiểm toán lớn. Tất nhiên, các CTKT này cũng phải chịu trách nhiệm về chất lượng kiểm toán CTĐC. Ông Sơn cũng cho biết, tới đây, Thông tư 38 có thể được sửa đổi một số nội dung, trong đó có điểm cho phép các CTKT độc lập do Bộ Tài chính cấp phép trước đây được kiểm toán CTĐC.
Tuy nhiên, cho dù thế nào thì việc mở rộng đối tượng được kiểm toán các CTĐC cũng ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng báo cáo kiểm toán tài chính. Theo nhiều chuyên gia, sẽ hợp lý hơn nếu giải pháp trên chỉ là ngắn hạn (1 năm) và vẫn phải lựa chọn các công ty theo tiêu chí nhất định chứ không nên cùng lúc cho tất cả CTKT vào một sân chơi chung.
Trên thực tế, trong báo cáo tài chính kiểm toán của không ít DN, ý kiến của kiểm toán viên rất chung chung, na ná nhau, mang tính hình thức và không thể hiện rõ ý kiến loại trừ. Như vậy thật khó để NĐT có thể đưa ra nhận định chính xác về chất lượng thông tin của các báo cáo tài chính đó.
đtck
|