Quan hệ Việt Nam-Đức tiếp tục phát triển mạnh trong năm 2007
Đại sứ Việt Nam tại CHLB Đức, Trần Đức Mậu khẳng định quan hệ chính trị, kinh tế, thương mại Việt-Đức tiếp tục phát triển mạnh trong năm 2007, nhất là sau khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên Tổ chức thương mại thế giới (WTO); việc Tổng thống Horst Kohler, vị tổng thống Đức đầu tiên đã tới thăm Việt Nam hồi tháng 5/2007 cùng với chuyến thăm chính thức CHLB Đức của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từ ngày 6-8/3 sẽ nâng quan hệ hai nước lên bước phát triển mới trên nhiều lĩnh vực.
Năm qua, nhiều bang ở Đức đã liên tiếp tổ chức các cuộc hội thảo giới thiệu tiềm năng kinh tế, môi trường pháp lý và cơ sở hạ tầng, chính sách khuyến khích thu hút đầu tư của Chính phủ Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Đức, nhằm thúc đẩy giới doanh nghiệp Đức vào thị trường Việt Nam. Trong năm 2007, phía Đức có 12 đoàn của các bộ, ngành trung ương và địa phương và đoàn kinh tế của các bang đã tới Việt Nam thăm dò, khảo sát thị trường chuẩn bị hướng mở rộng đầu tư. Một số bang đã mở văn phòng đại diện tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Cuối năm 2007, Ủy ban ngân sách Quốc hội Đức đã phê duyệt ngân sách khoảng 86 triệu euro dành cho dự án xây dựng hệ thống tàu điện ngầm ở thành phố Hồ Chí Minh.
Về phía Việt Nam, năm qua cũng có 30 đoàn cán bộ của các bộ, ngành trung ương và địa phương tới Đức thăm chính thức, nghiên cứu, trao đổi và học hỏi kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực, đồng thời quảng bá tiềm năng kinh tế và du lịch nhằm thu hút đầu tư từ Đức. Hoạt động trao đổi các phái đoàn gia tăng trong năm 2007 đã góp phần tiếp tục mở rộng quan hệ song phương trong lĩnh vực kinh tế- thương mại giữa hai nước. Tính đến hết tháng 11/07, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều giữa Việt Nam và Đức đạt 4,3 tỷ USD (3,1 tỷ euro), tăng 54% so với năm 2006, trong đó xuất, nhập khẩu của Việt Nam chiếm lần lượt 2,7 tỷ USD (tăng 37%) và 1,54 tỷ USD (tăng 97%). Đức là thị trường khó tính, hàng nhập khẩu đòi hỏi chất lượng cao, nhưng nhìn chung các mặt hàng của Việt Nam nhập vào thị trường Đức năm qua đều tăng mạnh, đứng đầu là giầy dép: 766 triệu USD (564 triệu euro), tăng 102%; hàng dệt may: 503 triệu USD, tăng 24 %; Cà phê: 381 triệu USD (222 triệu euro) tăng 77%; đồ gỗ: 164.89 triệu USD (121,7 triệu euro), tăng 52%; thủy hải sản: 114 triệu USD (83 triệu euro), tăng 17%; đồ da các loại: 84 triệu USD (61 triệu euro), tăng 49 %; gốm sứ: 40 triệu USD, tăng 15%; máy móc thiết bị văn phòng: 76 triệu USD (54 triệu euro), tăng 288%. Các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu gồm chất dẻo nhân tạo: 25 triệu USD; sản phẩm hóa học: 19 triệu USD; hàng sắt thép, kim loại: 20 triệu USD; dược phẩm: 30 triệu USD, thành phẩm hóa chất: 30 triệu USD; máy móc thiết bị khai khoáng: 31 triệu USD; động cơ điện: 35 triệu USD; máy nâng và thiết bị khai thác: 41 triệu USD; máy phát điện và phụ tùng: 69 triệu USD; linh kiện điện tử: 34 triệu USD; máy móc và thiết bị thông tin: 39 triệu USD; thiết bị đường sắt: 54 triệu USD; xe máy ngành hàng không: 416 triệu USD; thiết bị, kỹ thuật đồng bộ: 115 triệu USD.
Hợp tác đào tạo nguồn nhân lực năm qua cũng khởi sắc và có bước phát triển đáng kể. Ngoài thỏa thuận đạt được về dự án thành lập trường Đại học Đức-Việt đầu tiên của Đức tại Việt Nam, phía Đức cũng đang tích cực xem xét khả năng hợp tác xây dựng một trường dạy nghề ở Việt Nam. Với chuyến thăm sắp tới của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, quan hệ hai nước chắc chắn sẽ tiếp tục có bước phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
ttxvn
|