Nhà đầu tư nên quan tâm tới chiến lược phát triển DN
Nửa cuối tháng 3 trở đi là mùa ĐHCĐ, hứa hẹn nhiều kịch tính khi NĐT phải trải qua nhiều bài học thực tế về việc quyền lợi của mình bị bỏ qua hoặc xâm phạm. Trong vô số vấn đề của TTCK, năm nay NĐT cần hành động ra sao để bảo vệ quyền lợi của chính mình, ông Nguyễn Đình Cung, Trưởng ban Nghiên cứu vĩ mô, Thư ký Tổ thi hành Luật DN, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương trao đổi với ĐTCK-online.
Năm trước, ĐHCĐ nhiều DN ào ào thông qua phương án tăng vốn, phát hành thêm cổ phiếu dẫn tới trường hợp pha loãng giá trị, sử dụng vốn không hiệu quả tại nhiều DN. Theo ông, tại ĐHCĐ năm nay, NĐT cần chú ý những vấn đề gì?
Luật Doanh nghiệp đã có những quy định đề cao, bảo vệ NĐT nhỏ nhưng bản thân NĐT phải có ứng xử hợp lý, thay vì chỉ chăm chăm chú ý đến lướt sóng và đầu cơ cổ phiếu như hiện nay. Tại ĐHCĐ năm nay, tôi cho rằng, NĐT nên chú ý đến việc sử dụng vốn, chiến lược phát triển của DN hơn là áp lực tăng giá cổ phiếu, phát hành thêm... NĐT cần nghiên cứu tài liệu, chất vấn nhiều hơn, yêu cầu minh bạch trong quản lý công ty, công khai hóa đánh giá tình hình quản trị công ty. Cổ đông thiểu số một mặt cần chủ động chất vấn, mặt khác có thể liên kết, tập hợp lại để cùng nhau phản ánh những vấn đề lớn nhằm tạo ra hiệu quả cao hơn.
Ông nói cổ đông có thể liên kết, tập hợp nhau lại, vậy trong bối cảnh như hiện nay, họ có thể bầu dồn phiếu và đề cử ứng viên tham gia HĐQT?
Bầu dồn phiếu được quy định trong Luật là công cụ để bảo vệ lợi ích của cổ đông thiểu số, đảm bảo tương đối chắc chắn quyền lợi cho họ. Với thực tế như hiện nay, cổ đông thiểu số có thể hợp nhau lại, đề cử một người nào đó đại diện cho họ tham gia HĐQT và bầu dồn phiếu cho người này. Lâu nay ở Việt Nam, cả nhà quản lý DN và cổ đông đều nghĩ rằng, nhất thiết thành viên HĐQT phải nắm cổ phiếu của công ty nhưng thông lệ trên thế giới không như vậy và Luật Doanh nghiệp cũng quy định, đại diện cho cổ đông thiểu số có thể không sở hữu cổ phần và họ chính là thành viên HĐQT độc lập. Có người đại diện trong HĐQT, cổ đông nhỏ có thể nắm được nhiều thông tin hơn về công ty, có kênh chuyển tải những bức xúc, thắc mắc của mình trong cuộc họp HĐQT một cách trực tiếp và khi HĐQT ra quyết định bất lợi sẽ có ngay ý kiến phản ứng hoặc chí ít cũng được xem xét lại...
Ở một số DN, khi cổ đông thiểu số bị phân biệt đối xử đã có ý kiến cho rằng, tại Việt Nam có thể lập ra một tổ chức nào đó bảo vệ quyền lợi của cổ đông nhỏ và liên kết với các văn phòng luật sư để giúp đỡ họ, điều này có khả thi không, thưa ông?
Hoàn toàn có thể làm được, khi hiện nay số công ty đại chúng lên tới hơn 1.000 đơn vị và dự kiến tiếp tục tăng mạnh hơn nữa. Tôi được biết, ngay tại Việt Nam cũng có nhiều người chia sẻ ý tưởng trên và sẵn sàng kết nối với giới luật sư để bảo vệ, giải đáp những thắc mắc, những câu chuyện khó khăn của cổ đông. Nhưng điều đó có trở thành hiện thực hay không lại rất cần sự nỗ lực và chủ động của NĐT, họ phải lên tiếng khi gặp vấn đề và chủ động bày tỏ mong muốn cũng như nỗ lực đấu tranh vì quyền lợi của mình.
Tại Việt Nam, đã có một số DN khi ban hành quyết định tạo ra sự bất bình đẳng giữa các cổ đông và ảnh hưởng tới quyền lợi của họ, những cổ đông nhỏ lập tức lên tiếng khiến dư luận chú ý. Cuối cùng, ban lãnh đạo DN phải huỷ quyết định. Những sự việc như vậy cho thấy, cổ đông nhỏ khi biết liên kết sẽ đảm bảo được phần nào sự công bằng và lợi ích mà mình đáng được hưởng. Trong trường hợp khác, cổ đông có thể hợp nhau lại kiện người ra quyết định. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, ở Việt Nam chưa có vụ việc nào được đưa ra phân xử tại tòa, tạo răn đe cho các DN lợi dụng để trục lợi cho một nhóm cổ đông.
Lâu nay, NĐT ngại tìm đến văn phòng luật sư vì chi phí có thể lớn, vậy mô hình như trên ở các nước (đã xuất hiện) có hoạt động vì lợi nhuận?
Tôi được biết, Hàn Quốc là nơi có những tổ chức đoàn thể bảo vệ quyền lợi NĐT nhỏ hữu hiệu nhất, mô hình này xuất hiện sau khủng hoảng kinh tế. Những văn phòng luật chuyên hoạt động phục vụ những người yếu thế thường ít chạy theo lợi nhuận, hoặc cũng có những luật sư nổi tiếng đặt mục tiêu hỗ trợ cộng đồng là chính. Ở Việt Nam, chẳng hạn như cá nhân tôi sẵn sàng hỗ trợ NĐT nếu họ cần trợ giúp, quan trọng là bản thân NĐT cần lên tiếng và hoạt động tích cực vì quyền lợi của mình, bước đầu họ có thể tập hợp nhau lại, chia sẻ thông tin trên một diễn đàn.
đtck
|