IR cho DN niêm yết: Còn nhiều khoảng trống
Tại hội thảo "Chuyên nghiệp hóa hoạt động quan hệ nhà đầu tư tại Việt Nam" vừa được tổ chức tại TP. HCM, ông Nguyễn Trung Thẳng, Tổng giám đốc Masso Group cho rằng, trong bối cảnh thị trường cạnh tranh như hiện nay, bên cạnh việc xây dựng hình ảnh thương hiệu như các doanh nghiệp vẫn làm từ trước đến nay thì các doanh nghiệp Việt Nam cần xây dựng cả hình ảnh công ty.
Tức là phải tổ chức quan hệ với nhà đầu tư một cách chuyên nghiệp hơn để quảng bá cho hình ảnh công ty. IR - tổ chức quan hệ với nhà đầu tư (Investor Relations) là hoạt động rất được chú ý, không chỉ ở các công ty niêm yết, mà ở cả các công ty chứng khoán trên thế giới.
Theo ông Thẳng, ở Việt Nam, hoạt động IR mới chỉ đang ở giai đoạn hình thành, khái niệm IR hiện thời cũng giống như khái niệm PR (Public Relations - quan hệ công chúng) hơn 10 năm trước đây. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức được điều này, đa số doanh nghiệp chưa có bộ phận IR và người chịu trách nhiệm thường là tổng giám đốc (giám đốc), không thể dành nhiều thời gian cho hoạt động IR; một số doanh nghiệp có trang web nhưng chưa có phần PR, hoặc có thì cũng không cập nhật thường xuyên và chưa chuyên nghiệp… Mặt khác, doanh nghiệp thường gặp khó khăn khi tiếp cận nhà đầu tư nước ngoài do thiếu người có đủ năng lực chuyên môn, hoạt động IR chủ yếu diễn ra tại ĐHCĐ và thiếu vắng giữa 2 kỳ đại hội, nhiều doanh nghiệp chỉ xem IR là công việc bất thường hơn là thường xuyên…
Ông Mervin Wang, chuyên gia với nhiều kinh nghiệm IR trên sàn Nasdaq Stock Exchange nhận định, nếu được hoạch định kỹ càng và thực hiện tốt, chiến lược IR có thể giúp các công ty niêm yết nâng cao năng lực để đạt được những giá trị nhất định. Việc chủ động cung cấp thông tin và phân tích tài chính của công ty sẽ giúp nhà đầu tư thông hiểu một cách đầy đủ về hoạt động và chiến lược của công ty. Ngoài ra, chiến lược IR linh hoạt còn giúp công ty giành được sự ủng hộ tích cực của nhà đầu tư và dư luận, tạo cơ sở để nhà đầu tư gắn bó lâu dài và trung thành hơn, điều này sẽ tạo niềm tin để công ty thực hiện các hoạt động kinh doanh và quản lý nguồn vốn.
Nhiều doanh nghiệp coi báo cáo thường niên là một trong những công cụ truyền tải thông tin chính thức của doanh nghiệp, công bố toàn cảnh và tổng kết kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp cho cổ đông và các nhà đầu tư tiềm năng trong năm hiện tại, cũng như kế hoạch năm tiếp theo. Báo cáo này không những chuyển tải số liệu quá khứ mà còn công bố các chiến lược, kế hoạch sản xuất - kinh doanh của đơn vị, từ đó giúp cổ đông, nhà đầu tư có đầy đủ thông tin để phân tích, đánh giá và đưa ra quyết định đầu tư. Tuy nhiên, theo các chuyên gia về IR, báo cáo thường niên một năm chỉ thực hiện được một lần trong khi hoạt động của doanh nghiệp là thường xuyên và liên tục.
Theo các chuyên gia, trong thời gian tới, xu hướng là các doanh nghiệp sẽ lên niêm yết để tiếp cận kênh huy động vốn từ TTCK. Động thái này sẽ là đòn bẩy giúp phát triển hoạt động IR tại Việt Nam. IR sẽ đóng vai trò như bộ phận marketing. Nếu như đối tượng của marketing là khách hàng mục tiêu thì IR là cổ đông và các nhà đầu tư tiềm năng. Về lâu dài, nhu cầu của nhà đầu tư về thông tin chính xác và minh bạch của doanh nghiệp niêm yết sẽ ngày càng cao và khắt khe hơn. Họ sẽ tìm cách để có thể làm việc trực tiếp với ban lãnh đạo, những người quyết định trong doanh nghiệp. Chính vì vậy, việc tổ chức quan hệ với các nhà đầu tư cũng phải chuyên nghiệp và nhanh nhạy hơn. Thông tin của doanh nghiệp cung cấp cho nhà đầu tư phải được cập nhật thường xuyên, liên tục và có tính định hướng hơn.
đtck
|