Thứ Năm, 13/03/2008 10:59

TTCK Việt Nam: “dọn nhà” để hội nhập

Sở Giao dịch chứng khoán (SGDCK) TP. HCM vừa tổ chức Hội nghị Tổng giám đốc các Sở giao dịch chứng khoán ASEAN lần thứ 5 với sự tham gia của 6 SGDCK trong khu vực ASEAN. Đây là một diễn đàn cấp cao nhằm thảo luận, trao đổi các sáng kiến liên kết TTCK khu vực ASEAN song hành với cam kết hội nhập của Chính phủ các nước ASEAN. ĐTCK-online đã có cuộc trao đổi với ông Lê Hải Trà, Thường trực HĐQT SGDCK TP. HCM, một số vấn đề xung quanh sự kiện này.

Thưa ông, sự lên kết các TTCK trong khu vực ASEAN có ý nghĩa như thế nào trong bức tranh TTCK toàn cầu hiện nay?

TTCK toàn cầu trong thời gian qua đã có những bước thay đổi nhanh chóng và sâu sắc. Quá trình tự do hóa khuôn khổ pháp lý, sự phát triển của cộng đồng đầu tư và những cải tiến về công nghệ máy tính, viễn thông đã tạo ra những tiền đề cho một sự cạnh tranh quyết liệt giữa các SGDCK trên thế giới. Sự cạnh tranh này đã mở đường cho những nỗ lực hợp nhất giữa các SGDCK trong cuộc chiến xác lập vị thế thống lĩnh TTCK toàn cầu. Hai ví dụ tiêu biểu về những nỗ lực hợp nhất hình thành những SGDCK khổng lồ xuyên đại dương phải kể đến NYSE - Euronext và Nasdaq - OMX.

Mặc dù ASEAN là một khu vực có sự phát triển năng động và nhanh chóng, nhưng các TTCK của khu vực này vẫn còn là những thị trường mới nổi mang nhiều đặc thù riêng của mỗi quốc gia, thiếu quy mô và chất lượng có tính cạnh tranh quốc tế. Các thị trường này đều có đặc điểm chung là khối lượng giao dịch và tính thanh khoản còn khá khiêm tốn, đồng thời quy mô hạn chế của các SGDCK dẫn đến chi phí giao dịch tương đối cao (gấp khoảng 2,5 lần so với khối các thị trường phát triển, theo một khảo sát của Elkins McSherry). Nếu không có một nỗ lực nhằm cải thiện tính cạnh tranh, các TTCK ASEAN sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị tụt hậu.

Từ góc độ phát triển thị trường, ưu tiên của hầu hết các TTCK trong khu vực ASEAN hiện nay đều nhắm vào những cải cách thị trường trong nước, hướng tới các chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Theo đó, một sự hợp tác ở tầm khu vực sẽ giúp thúc đẩy tốc độ của những cải cách này, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động. Mặt khác, 6 SGDCK ASEAN nếu kết hợp lại sẽ có quy mô thị trường đứng trong danh sách 20 TTCK hàng đầu trên thế giới - một vị thế có thể mang lại tính cạnh tranh cao hơn cho TTCK ASEAN trong bức tranh toàn cầu.

Thưa ông, nỗ lực liên kết này đang diễn ra như thế nào trong khu vực ASEAN và sự tham gia của Việt Nam trong tiến trình này?

Trong những cam kết theo Tầm nhìn 2020 đã được các nước ASEAN phê chuẩn, thị trường vốn là một trong những nội dung cơ bản về phương diện kinh tế. Sự liên kết của các thị trường vốn ASEAN không những thúc đẩy sự lưu thông các luồng vốn đầu tư trong nội khối, mà còn hình thành một lớp tài sản tài chính có đủ sức hấp dẫn đối với cộng đồng đầu tư quốc tế. Trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính ASEAN, Diễn đàn Thị trường vốn ASEAN (ACMF) đã được tổ chức với sự tham gia của các cơ quan quản lý TTCK nhằm thảo luận và đề xuất các sáng kiến liên kết TTCK trong khu vực. Cùng với việc các nước ASEAN thống nhất phấn đấu rút ngắn lộ trình tiến tới một cộng đồng ASEAN vào năm 2015, tiến trình hội nhập thị trường vốn cũng đang được đẩy mạnh.

Về Hội nghị Tổng giám đốc SGDCK ASEAN, SGDCK TP. HCM đã tham gia diễn đàn này ngay sau khi chính thức được chuyển đổi thành SGDCK theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Trong thời gian qua, SGDCK TP. HCM đã tham gia các nhóm công tác thuộc diễn đàn, liên kết đến những nội dung về chiến lược, công nghệ, marketing… trong quá trình tìm kiếm một mô hình liên kết thị trường tối ưu cho khu vực. Đến nay, đã hình thành hai chỉ số chứng khoán đại diện của khu vực là FTSE ASEAN 40 và FTSE ASEAN 100 với sự hiện diện của các DN niêm yết hàng đầu trong khu vực. Sắp tới, 6 SGDCK ASEAN sẽ đi tới quyết định và triển khai mô hình liên kết cụ thể. Quá trình làm việc với các SGDCK trong khu vực đã mang lại những gợi mở hữu ích về phát triển thị trường đối với SGDCK TP. HCM nói riêng và TTCK Việt Nam nói chung.

Cụ thể, Việt Nam đang đối mặt với những thách thức và cơ hội nào từ việc tham gia vào tiến trình này, thưa ông?

Ngoài việc trở thành một phần của một thị trường khu vực ASEAN có năng lực cạnh tranh quốc tế, cơ hội có ý nghĩa nhất đối với TTCK Việt Nam trong tiến trình hội nhập này là việc học hỏi kinh nghiệm thực tiễn nhằm "đi tắt, đón đầu" những thông lệ và chuẩn mực quốc tế, đưa TTCK Việt Nam nhanh chóng bắt kịp mặt bằng khu vực. Thách thức lớn nhất là tầm nhìn và khả năng thực thi để  hiện thực hóa cơ hội đó. Lịch sử hơn 7 năm hoạt động TTCK Việt Nam cho thấy, chúng ta chưa tận dụng hiệu quả những lợi thế của người đi sau.

Nếu nhìn vào những gì diễn ra đối với các SGDCK trên thế giới trong thời gian qua, có thể thấy bên cạnh những thương vụ sáp nhập xuyên quốc gia là những nỗ lực sắp xếp lại cấu trúc TTCK trong phạm vi quốc gia. Sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997, hàng loạt cải cách và tái cơ cấu TTCK quốc gia được thực hiện nhằm nâng cao tính hiệu quả hoạt động của thị trường. Việc sáp nhập các thị trường giao dịch chứng khoán trong nước đã được thực hiện từ Hàn Quốc đến Thái Lan, Singapore, Malaysia và mới đây nhất là Indonesia vào cuối năm 2007. Câu hỏi đặt ra cho Việt Nam là với sự tồn tại của hai thị trường giống nhau về bản chất và một lịch sử hoạt động còn rất ngắn ngủi tại TP. HCM và Hà Nội, liệu Việt Nam có cần chờ đến một cuộc khủng hoảng tài chính khác để đặt vấn đề cơ cấu lại thị trường?

Vậy theo ông, đâu là hướng đi hợp lý để cơ cấu lại TTCK Việt Nam hiện nay?

Hiện tại, nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của công chúng đầu tư, chúng ta đang triển khai dự án đầu tư về hạ tầng công nghệ cho TTCK. Một hệ thống giao dịch chứng khoán hiện đại trị giá hàng chục triệu USD cho phép thực hiện giao dịch đồng thời cả cổ phiếu, trái phiếu, công cụ phái sinh và các sản phẩm tài chính khác theo phương thức và thông số khác nhau.

Vì vậy, chúng ta không cần lãng phí đầu tư cho hai hệ thống khác nhau để thực hiện cùng những công việc tương tự. Kinh nghiệm từ vụ sáp nhập NYSE - Euronext cho thấy, chỉ riêng khoản tiết kiệm về chi phí đầu tư và vận hành hệ thống IT đã mang lại cho họ tới 250 triệu USD. Mặt khác, khi kết nối các TTCK trong khu vực ASEAN, việc kết nối với Việt Nam sẽ phức tạp và tốn kém nhất, vì đây là thị trường có nhiều hơn một điểm kết nối.

Quy các thị trường giao dịch chứng khoán của Việt Nam về một mối là đòn bẩy quan trọng đối với tính hiệu quả chung của TTCK. Ngoài sự cải thiện về vị thế mang tầm quốc gia, tính thanh khoản và quy mô thị trường gia tăng cho phép SGDCK hoạt động một cách hiệu quả hơn về chi phí. Đồng thời, các công ty chứng khoán cũng sẽ trở nên cạnh tranh hơn nhờ tiết kiệm được chi phí về công nghệ, con người và quy trình xử lý nghiệp vụ. Kết quả cuối cùng là công chúng đầu tư có thể thực hiện các giao dịch của mình với một mức chi phí cạnh tranh hơn so với mặt bằng của khu vực ASEAN. Đây chính là nỗ lực "dọn nhà” cần thiết và ý nghĩa của TTCK Việt Nam trước thềm hội nhập khu vực.

đtck

Các tin tức khác

>   CJC: Giao dịch cổ phiếu của ông Hoàng Minh Châu (18/02/2008)

>   BTH: Bổ sung ngành nghề kinh doanh trong Giấy Chứng nhận ĐKKD (18/02/2008)

>   VC5: Kết quả giao dịch của cổ đông nội bộ (18/02/2008)

>   BTS: Phát hành CP cho cổ đông hiện hữu và lấy ý kiến cổ đông (18/02/2008)

>   CMC: Tổ chức Đại hội cổ đông thường niên 2007 (18/02/2008)

>   STC: Giao dịch quyền mua cổ phiếu của cổ đông nội bộ (18/02/2008)

>   SDC: Thông báo về Ngày đăng ký cuối cùng để Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2008 (19/02/2008)

>   DST: Trả cổ tức 7% (19/02/2008)

>   SJC: Giao dịch cổ phiếu của cổ đông nội bộ (19/02/2008)

>   PAN: Giãn các dự án đầu tư và thời gian PH của đợt tăng vốn (19/02/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật