“Bảo hiểm” rủi ro chứng khoán: Đòi hỏi từ thực tế
Với việc TTCK điều chỉnh giảm như thời gian vừa qua, nhiều NĐT và CTCK cho rằng, cần phải có những công cụ phòng ngừa rủi ro, giúp thị trường phát triển. Bên cạnh bảo hiểm chứng khoán, giao dịch ký quỹ, hợp đồng tương lai, quyền chọn và mua - bán khống... cũng là những nghiệp vụ quan trọng cần sớm triển khai để thị trường luôn sôi động ngay cả trong giai đoạn điều chỉnh giảm.
Kinh nghiệm từ các nước trên thế giới, mỗi TTCK luôn có những giai đoạn bùng nổ và suy thoái đan xen. Với mỗi giai đoạn như vậy, cơ hội kiếm lời trên thị trường với tỷ suất cao là rất lớn, nhưng rủi ro cũng không hề nhỏ.
Bảo hiểm chứng khoán: chưa dễ triển khai
Với bất kỳ ngành nghề kinh doanh nào, bảo hiểm luôn được coi là công cụ hữu ích để phòng ngừa rủi ro. Ở Việt Nam, mặc dù mới tồn tại trong một thời gian ngắn, nhưng hoạt động bảo hiểm đã có bước phát triển mạnh mẽ ở nhiều ngành nghề: vận tải, hàng hóa, vàng, kinh doanh tiền tệ... Tuy nhiên, đối với lĩnh vực chứng khoán, hoạt động bảo hiểm vẫn chưa có đất dụng võ. Điều quan trọng không phải là việc có hay không một hành lang pháp lý cho phép triển khai nghiệp vụ, mà là việc làm thế nào để triển khai hiệu quả hoạt động này.
Trong cuộc trao đổi với báo giới tại Lễ ký kết mở rộng hợp tác kinh doanh tại Việt Nam với Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), ông Edmund Tse, Phó chủ tịch Tập đoàn AIG cho rằng, bảo hiểm chứng khoán là một trong những sản phẩm mong chờ nhất trong những năm qua ở châu Á, nhưng sự phát triển của loại hình này hoàn toàn phụ thuộc vào tình hình kinh tế của nước bản địa và sự sôi động của thị trường vốn. Ông Edmund Tse cũng cho biết, việc cho ra đời dịch vụ bảo hiểm chứng khoán tại Việt Nam đã được AIG chú ý đến, nhưng việc này đòi hỏi TTCK Việt Nam phải phát triển đến một quy mô nhất định.
Chứng khoán phái sinh và công cụ hỗ trợ
Thông tin từ UBCK và mới đây là Công văn số 319 của Thủ tướng Chính phủ đã đề cập đến việc sẽ cho phép CTCK áp dụng nghiệp vụ margin trading (giao dịch tài khoản ký quỹ). Nếu nghiệp vụ này được triển khai, thị trường sẽ có thêm điều kiện để tăng tính sôi động, đồng thời mang lại nguồn thu không nhỏ cho CTCK. Tuy nhiên, một số e ngại cho rằng, việc CTCK chưa phải là tổ chức tín dụng phi ngân hàng nên muốn triển khai nghiệp vụ này, thị trường phải chờ cho đến khi Luật Ngân hàng và Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi được Quốc hội thông qua.
Mang thắc mắc này trao đổi với bà Bùi Thị Thanh Hương, Trưởng ban Quản lý kinh doanh - UBCK, bà Hương cho rằng, không nhất thiết phải chờ đến khi có sửa đổi Luật Ngân hàng và Luật Các tổ chức tín dụng. Việc cho phép CTCK triển khai nghiệp vụ margin trading sẽ do UBCK kiến nghị Bộ Tài chính, sau đó Bộ Tài chính phê duyệt, ban hành văn bản hướng dẫn bổ sung. Như vậy, chúng ta có thể hy vọng, nghiệp vụ margin trading sớm được triển khai.
Với margin trading, NĐT có thể “nhanh” kiếm lời khi thị trường đi lên, nhưng khả năng phòng ngừa rủi ro không cao. Ngoài ra, nghiệp vụ mua - bán khống cũng được coi là cách để NĐT có thể kiếm lời trong ngắn hạn, ngay cả khi thị trường đi xuống. Mặt khác, có thể nghiên cứu, xem xét việc đưa các công cụ phái sinh vào giao dịch như: quyền chọn, hợp đồng tương lai. Với việc bỏ ra một khoản phí nhất định, hợp đồng tương lai giống như việc mua bảo hiểm doanh thu cho một nghiệp vụ kinh doanh, giúp NĐT có thể hiện thực hóa khoản doanh thu của mình (với việc mua quyền chọn mua hoặc ký hợp đồng bán trong tương lai) hoặc cũng có thể là giới hạn mức chi phí (với việc đặt mua quyền chọn mua hay hợp đồng mua trong tương lai).
Về vấn đề này, Tổng giám đốc CTCK Hà Thành, ông Trần Thanh Hải cho rằng, không chỉ là công cụ quản lý rủi ro tốt, việc đưa vào giao dịch quyền chọn và hợp đồng tương lai còn giúp NĐT nhận biết được tình hình thị trường thông qua xu hướng đặt mua - bán các quyền cũng như diễn biến giá của chúng, qua đó có thêm căn cứ để ra quyết định đầu tư.
Bên cạnh ưu điểm đã nêu trên, hợp đồng tương lai, quyền chọn còn giúp tăng khả năng sinh lời trên thị trường, với mức chi phí không quá lớn. Tuy nhiên, NĐT sử dụng quyền chọn có nguy cơ bị mất toàn bộ khoản đầu tư trong tình huống thị trường không đúng như những gì mong đợi.
Mặc dù vậy, việc áp dụng triển khai giao dịch chứng khoán phái sinh là điều không dễ dàng. Giáo sư Stanley Pliska, Trường đại học Illinois, Chicago, Mỹ cho rằng, việc áp dụng giao dịch chứng khoán phái sinh khá phức tạp, cần có sự phát triển nhất định cả về quy mô thị trường, trình độ của các thành viên tham gia... Tuy nhiên, ông Stanley cũng cho rằng, đây sẽ là bước phát triển tất yếu cho TTCK Việt Nam trong tương lai.
Đối với một thị trường mới phát triển như Việt Nam, việc có các công cụ để đa dạng hóa đầu tư, hạn chế rủi ro và tăng tính thanh khoản, ngay cả khi thị trường đi xuống là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, việc này cần có thời gian và sự tương thích về khả năng phát triển của các thành viên. Trước mắt, với sự nỗ lực của cơ quan quản lý, các thành viên tham gia thị trường, nghiệp vụ margin trading có thể sớm đưa vào triển khai, giúp NĐT và CTCK có thêm công cụ để tăng khả năng giao dịch trên TTCK.
đtck
|