Chủ Nhật, 09/03/2008 09:38

Nguyên phụ liệu dệt may nhập khẩu: Đâu là số thực?

Trong khi giữa cơ quan quản lý và các DN dệt may Việt Nam còn chưa thống nhất được con số thực về nguồn nguyên phụ liệu NK (có nơi đưa là 70% - 80%, có nơi kêu tới trên cả mức 80%, song cũng có ý kiến lại cho rằng, chưa đến con số đó)...

Tuy nhiên, có một thực tế không phủ nhận được đó là nguyên liệu phụ trợ cho ngành dệt may Việt Nam còn yếu, vì thế, việc ngành dệt may huy động vốn đầu tư một số lĩnh vực khác như: tài chính, bất động sản, kinh doanh dịch vụ... khiến không ít ý kiến cho rằng, đó là điều bất hợp lý. Vậy lý giải cho điều này thế nào?

Chưa thống nhất được về con số NK

Một trong những nội dung lớn trong bài phát biểu của Thứ trưởng Bộ Công Thương Bùi Xuân Khu tại Hội nghị bàn về việc thực hiện kế hoạch sản xuất – xuất khẩu năm 2008 của ngành dệt may đã đề cập tới vấn đề: sức cạnh tranh hàng dệt may Việt Nam chưa cao do chưa chủ động được nguồn cung cấp nguyên phụ liệu vẫn phải NK “70 - 80% nguyên phụ liệu dệt may là NK từ các nước Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông. Đây chính là trở ngại lớn cho sự phát triển của ngành...”.Phải nói rằng, con số NK nguyên phụ liệu trên không phải chỉ năm 2007 mới được đưa ra mà nó đã được đề cập từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, trong số các ý kiến phát biểu về nội dung này có nhiều sự bất đồng, thậm chí có ý kiến còn cho rằng, cần phải xem xét lại về con số đã đưa ra. Phản ứng đầu tiên chính là ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần May Thái Nguyên: “Tôi không tán thành về con số thống kê khi cho rằng, hiện nay chúng ta phải NK tới 70 - 80% nguyên phụ liệu”. Với luận chứng đưa ra từ chính DN của mình, ông Thời khẳng định NK nguồn nguyên phụ liệu rất thấp so với con số “giật mình” nêu trên. Đồng tình với quan điểm trên, ông Vũ Đức Giang, Ủy viên HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cũng cho rằng: “Bảo rằng 70 – 80% nguyên phụ liệu phải NK từ nước ngoài là không đúng. Trong sản phẩm may mặc của Việt Nam, nội địa cũng chiếm khá cao, ví như: chỉ, mex, nút áo, khóa, bao bì... ngoài ra chúng ta còn XK qua đường tiểu ngạch một số loại sợi, bông... vì thế theo tôi, sau đây công tác thống kê phải làm lại và phải nghiên cứu phân tích một cách rõ ràng, chuẩn xác, nếu không dẫn đến sự hiểu lầm đáng tiếc”.

Liệu có đưa ra được giải pháp xác thực?

Nghi ngờ của ông Nguyễn Văn Thời và ông Vũ Đức Giang về độ chuẩn xác từ con số nguyên phụ liệu dệt may NK cũng là dễ hiểu. Bởi ngay từ năm 2006, khi Bộ Công Nghiệp (cũ) đưa ra con số nguồn nguyên phụ liệu phải NK tới 70 – 80% thì không ít các nhà phân tích kinh tế đã lên tiếng và cho rằng, XK dệt may năm 2006 đạt gần 6 tỉ USD, nhưng NK cũng ở khoảng con số đó, hóa ra ngành dệt may sản xuất kinh doanh “lỗ” (!). Như vậy, ngay giữa cơ quan chủ quản và DN đã có sự bất đồng về những con số XNK. Theo nguyện vọng chung, vấn đề này phải được xem xét rõ ràng. Đây là yêu cầu không có gì vô lý. Tại Hội nghị bàn về việc thực hiện kế hoạch sản xuất – XK năm 2008, khi các ý kiến của DN không đồng tình về con số mà Bộ Công Thương đã đưa ra nhưng lại không hề có ý kiến nào của cơ quan quản lý “bảo vệ” cho chính những con số đó. Vì thế thiết nghĩ, ngay lúc này công tác thống kê phải tiến hành ngay những việc cần làm, để khi đưa ra những kết luận mang tính nghiên cứu, điều tra, chứ không thể cứ “buông” ra một con số lơ lửng đó để rồi tranh luận từ năm này sang năm khác mà vẫn chưa thống nhất được đâu là con số xác thực.

Điều nguy hiểm hơn, nếu không đưa ra được con số “chuẩn” hoặc “tương đối chuẩn” thì việc đưa ra các giải pháp thực hiện sẽ không có cơ sở. Tại một số giải pháp mà Bộ Công Thương đưa ra đối với các Bộ, ngành, Hiệp hội và DN dệt may trong năm 2008, giải pháp đầu tiên được đề cập chính là “Cần đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư chuyển tiếp, các dự án di dời, các dự án đầu tư mới để tăng năng lực sản xuất, cũng như khả năng cạnh tranh, nhất là các dự án sản xuất vải, các dự án sản xuất nguyên phụ liệu để chủ động nguồn nguyên phụ liệu. Tập trung xây dựng các trung tâm nguyên phụ liệu cho ngành dệt may, trước mắt là trung tâm tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, nếu cần thiết có thể kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài”. Ngoài ra, Bộ Công Thương còn có trách nhiệm tiếp tục hoàn chỉnh và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp Dệt may Việt Nam đến năm 2015, có xét đến năm 2020 và triển khai thực hiện 3 Chương trình sản xuất 1 tỉ mét vải để XK, Chương trình phát triển cây bông có tưới... Điều đó cho thấy, Bộ Công Thương đặc biệt quan tâm tới sản xuất nguyên phụ liệu cho dệt may, song từng giai đoạn cụ thể sẽ chủ động được bao nhiêu phần trăm sản xuất trong nước xem ra là cả một vấn đề, đó là chưa nói tới, những con số đó dựa trên cơ sở nào, có chuẩn xác hay không? Bởi nếu dựa trên những ý kiến chưa được thống nhất giữa các cơ quan quản lý và DN dệt may như đã nêu trên thì việc đưa ra những con số để phấn đấu đầu tư cho sản xuất nguyên phụ liệu dệt may sẽ nằm ở đâu?

Có hay không sự vô lý trong đầu tư?

Đã vậy, thời gian qua, không ít ý kiến còn cho rằng, trong khi hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Dệt – May Việt Nam (Vinatex) tăng trưởng thấp hơn so với tăng trưởng toàn ngành, đặc biệt là công nghiệp phụ trợ cho sản xuất XK hàng dệt may còn yếu như vậy thì Vinatex lại tính đến việc dùng vốn đầu tư vào một số lĩnh vực khác như: tài chính, bất động sản, kinh doanh dịch vụ... là điều bất hợp lý. Lý giải cho vấn đề này, ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may kiêm Chủ tịch HĐQT Vinatex cho rằng: thứ nhất, thời gian qua, ngành dệt may Việt Nam đã có sự tham gia của rất nhiều DN mới, nhất là các DN có vốn đầu tư nước ngoài. Điều này làm cho tốc độ tăng trưởng toàn ngành trong năm 2007 đạt 33%. Còn các DN thuộc Vinatex thì phần lớn vẫn là các DN cũ với tốc độ tăng trưởng chỉ đạt khoảng 16%. Vì vậy, tốc độ tăng trưởng của Vinatex chỉ đạt khoảng 50% so với toàn ngành, song các DN thuộc Vinatex vẫn đứng vững trên thị trường. Thứ hai là về đầu tư, trong điều hành của Bộ Công Thương và của Ban lãnh đạo Tập đoàn Dệt - May thì định hướng kinh doanh cơ bản, chủ đạo của Vinatex vẫn là kinh doanh dệt may. Còn các hoạt động kinh doanh khác chỉ đóng vai trò hỗ trợ cho hoạt động chính của Vinatex. Chẳng hạn trong lĩnh vực bất động sản, không phải Vinatex hướng vào kinh doanh nhà ở, văn phòng mà Vinatex chỉ tập trung vào việc đầu tư xây dựng các khu công nghiệp, các dự án trong chuyên ngành để có thể phục vụ cho ngành dệt may, đặc biệt là những khu công nghiệp phục vụ cho dệt, nhuộm có hệ thống xử lý nước thải, môi trường cũng như hạ tầng cơ sở hoàn chỉnh. Cũng theo ông Lê Quốc Ân đầu tư tài chính, dịch vụ thì mục đích cuối cùng cũng không nằm ngoài mong muốn là tăng cường nguồn vốn, năng lực tài chính cho Vinatex để từ đó có thể đưa lĩnh vực dệt may ngày càng được mở rộng và phát triển bền vững. Cách lý giải của ông Lê Quốc Ân không có gì sai, có điều, để tránh tình trạng dàn trải nguồn vốn, nhất là khi nền công nghiệp phụ trợ giữ vai trò quyết định đối với XK hàng dệt may thì kể cả lợi ích trước mắt và về lâu dài hướng đầu tư vào lĩnh vực này xem ra phải được ưu tiên hàng đầu.

Thương Mại

Các tin tức khác

>   Ngành du lịch "khát" nhân lực (09/03/2008)

>   TPHCM : Căn hộ cao cấp rớt giá mạnh (10/03/2008)

>   PTT Thường trực Nguyễn Sinh Hùng kiểm tra một số dự án trọng điểm của ngành giao thông vận tải trên địa bàn thành phố Hà Nội (09/03/2008)

>   Nuôi trồng thuỷ sản thiệt hại 147 tỷ đồng do thời tiết (10/03/2008)

>   Giá cà phê “trượt dốc”, người dân trở tay không kịp (09/03/2008)

>   Đà Nẵng: Giá cả tăng và nguy cơ phá sản của các nhà thầu xây dựng (08/03/2008)

>   ACCOR sẽ triển khai hàng loạt thương hiệu khách sạn tại VN (09/03/2008)

>   Nguy cơ EU sẽ không ưu đãi GSP cho da giày Việt Nam (08/03/2008)

>   Kết luận thanh tra tại Cục Hải quan TP.HCM: 3 vấn đề chưa thống nhất (09/03/2008)

>   Hạt ca cao được giá (09/03/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật