Vụ tiêu cực ở Tổng Cty Miền Trung (Cosevco):
Nếu lãnh đạo Bộ XD biết lắng nghe, sự thể đã khác
Đến khi Chủ tịch HĐQT Trần Xuân Đính cùng một loạt cán bộ Cosevco bị bắt, các vị lãnh đạo Bộ Xây dựng (chủ quản của Cosevco) mới thốt lên “bất ngờ”. Nhưng theo nhiều cộng sự không thuộc cánh hẩu ông Đính ở Cosevco thì khác.
Người “không cộng tác được”
Tiếng đồn về những thành tích bất hảo của ông Trần Xuân Đính đã lan khắp các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ XD từ cuối năm 2003, có cả đơn tố cáo vượt cấp lên lãnh đạo Bộ, nhưng không thấy hồi âm.
Đầu năm 2004, trước tình trạng nội bộ mất đoàn kết cao độ, Chủ tịch HĐQT kiêm Bí thư Đảng ủy Cosevco lúc đó là ông Nguyễn Công Huấn phải báo cáo Bộ bằng văn bản, về tình hình nguy cấp ở Cosevco và những sai phạm của Tổng GĐ Đính.
Những sai phạm đó theo ông Huấn là rất lớn, thể hiện trong các lĩnh vực: tài chính, tổ chức-cán bộ, điều hành, đầu tư, vì thế không đủ uy tín trên cương vị Tổng GĐ. Dù đã được ông Huấn thông báo nội dung đó nhưng ông Đính vẫn la “đây là đòn yêu ghét cá nhân”. Cấp trên không xử lý gì.
Ông Huấn ngày càng bị cô lập, đành xin nghỉ hưu sớm. Ông Đính muốn thế chỗ ông Huấn và đôn người của mình lên Tổng GĐ. Nhưng ông Đính đang bị kiện nhiều và không có khả năng đoàn kết tập thể, nên lãnh đạo Bộ XD phải phái ông Phạm Hữu Minh - Vụ trưởng Kế hoạch&Thống kê - xuống làm Chủ tịch HĐQT Cosevco.
ng Phạm Hữu Minh bắt tay vào việc của chủ tịch HĐQT từ đầu tháng 3/2004. Qua một tháng tìm hiểu thực tế, thấy đúng như ông Huấn báo cáo, ông Minh đã thuyết phục được HĐQT ra nghị quyết chấn chỉnh mọi mặt hoạt động của Cosevco.
Được một quý, tình hình sản xuất kinh doanh khá lên chút ít thì ông Đính lại “quậy”. Có chân trong HĐQT, ông Đính buộc phải ký nghị quyết, nhưng thi hành cụ thể thì theo kiểu riêng, hầu như không bàn với Chủ tịch HĐQT.
Không nản, ông Phạm Hữu Minh vừa kiên trì thuyết phục ông Đính vừa cấp tập chủ trì soạn thảo, ban hành hàng loạt quy chế mới (Dân chủ; Chống lãng phí; Phân công phân cấp quản lý tổ chức-cán bộ; Quản lý xe máy; Quan hệ giữa Cosevco với các Cty cổ phần có vốn Cosevco; Quản lý công văn giấy tờ; Quản lý công tác bảo hộ an toàn và y tế, vệ sinh lao động...).
Các quy chế này trước đó không có hoặc có nhưng sơ lược, lỗi thời. Song tiếc thay, các quy chế mới ban hành chỉ được thực hiện chiếu lệ, bởi lực lượng chủ chốt triển khai vẫn do ông Đính tạo dựng và chỉ đạo. Ngay cả các phó tổng GĐ không chấp hành những mệnh lệnh ngang trái của Tổng GĐ cũng bị vô hiệu hóa mạnh hơn trước.
Hòng vực dậy cơ thể Cosevco quá ốm yếu từ lâu, với kinh nghiệm từ công trường thuỷ điện sông Đà đến cơ quan Bộ, nơi ông làm chánh văn phòng Bộ rồi làm Vụ trưởng Kế hoạch-Thống kê, nỗ lực hết mình, ông Phạm Hữu Minh cũng chỉ trụ được không đầy 1 năm tại Cosevco thì “bật sới”, về Bộ làm phó vụ trưởng xây lắp, do “sức khỏe sút kém không phù hợp điều hành tổng Cty lớn ở miền Trung”. Rồi ít lâu sau đó, ông ra khỏi Bộ.
Tìm gặp ông Phạm Hữu Minh, chúng tôi hỏi ông nghĩ gì về việc ông Đính cùng một số người ở Cosevco vừa bị bắt. Ông cười buồn:
“Nhiều người gọi điện cho tôi; có người nói tôi may không bị cuốn vào đó; có người bảo thế là tôi được minh oan; có người khen tôi khôn; có người giục tôi lên tiếng góp phần làm rõ sự thật ở Cosevco và những gì liên quan sự tồn tại dai dẳng của “một bạo chúa miền Trung”... Tôi không quen bình luận loại chuyện này”.
Theo ông Phạm Hữu Minh, nếu cấp trên lắng nghe đề xuất (bằng văn bản) của ông hồi đó (trong đó có việc thay ông Đính) thì sự thể đã khác.
Kể chút ít về Chủ tịch HĐQT hồi đó bị Tổng GĐ “chèn” thế nào, ông ngậm ngùi:
“Nhưng khổ nhất vẫn là cấp dưới không cùng “chí hướng” ông Đính...”...
Vì sao nhiều người phải ra đi
Chúng tôi tìm gặp một số phó tổng GĐ cũng từng “bật đi” như ông Phạm Hữu Minh.
Ông Ngô Quang Minh ở Cosevco từ năm 1977, làm phó tổng GĐ Cosevco từ giữa năm 1996 đến tháng 3/2005. Theo một vị lãnh đạo Bộ XD thì thời gian ông Phạm Hữu Minh làm Chủ tịch HĐQT Cosevco chỉ có mỗi Phó tổng GĐ Ngô Quang Minh được và phải thường xuyên giúp Tổng GĐ tại trụ sở chính (Đà Nẵng),
còn các phó tổng khác đều được kiêm chỉ huy trưởng “mặt trận” nào đó – người kiêm GĐ BQL dự án xi măng Sông Gianh (Quảng Bình), người kiêm GĐ Cty XD&sản xuất nhôm (tại Khánh Hòa), người kiêm đốc chiến thu hồi và khất nợ trên cả nước...
Theo ông Ngô Quang Minh, ngay từ giữa năm 2004, lãnh đạo Bộ đã nhận được nhiều báo cáo, bằng cả lời nói lẫn văn bản, từ những người trung thực ở Cosevco, rằng tình hình tài chính Cosevco hết sức khó khăn; nguy cơ phá sản rất gần...
Hàng loạt ví dụ đã được nêu, như: nợ vay quá lớn không khả năng thanh toán; nợ quá hạn chồng chất; sản xuất kinh doanh thua lỗ triền miên; hạch toán treo...
Chi phí cơ quan Tổng Cty cũng ăn đong từng tháng bằng cách vay từ các đơn vị; các đơn vị làm ăn không lãi nên chật vật ngay từ việc trích nộp để nuôi bộ máy quá cồng kềnh của cơ quan Tổng Cty...
Đầu tư càng nhiều, tình trạng tiêu cực và thất thoát tài sản Nhà nước ở Cosevco càng lớn. HĐQT khi đó đã báo cáo Bộ: Cần phải cải cách căn bản cung cách tổ chức thực hiện đầu tư, nâng cao tinh thần trách nhiệm của nhiều cán bộ quản lý.
Nhưng số cán bộ không đủ năng lực (theo QĐ 19/Bộ XD) vẫn được ông Đính bổ nhiệm quản lý các dự án đầu tư ngày càng đông; “người của Bộ” (ông Phạm Hữu Minh) làm chủ tịch HĐQT cũng phải thường xuyên đối diện sự đã rồi.
“Ông Phạm Hữu Minh đã gắng sức ngăn chặn kiểu đầu tư “ném tiền qua cửa sổ” của ông Đính...” – Ông Ngô Quang Minh kể. Thấy trước nguy cơ mất toi hàng nghìn tỷ đồng, ông Phạm Hữu Minh đã chủ trì rà soát thực tế, báo cáo Bộ (bằng văn bản), thuyết phục HĐQT ra quyết sách chấn chỉnh, và khi cần thì yêu cầu dừng một số dự án.
Nhưng có những trường hợp oái oăm, Chủ tịch HĐQT đề nghị dừng nhưng Tổng GĐ thì không, lại còn được hỗ trợ từ Bộ, nên cứ quyết hết, và càng quyết càng vênh vang, lộng hành. Ví như dự án Nhà máy thép 25 vạn tấn/năm tại Quảng Trị, sau khi HĐQT đã nêu hết khó khăn mà Bộ vẫn có văn bản (Thứ trưởng Đinh Tiến Dũng ký ngày 24/8/2004) giục “đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa dự án vào vận hành”, để rồi...
Chủ tịch HĐQT đã vậy, cấp dưới khác càng không được coi là gì. Một nguyên phó tổng GĐ Cosevco - ông Nguyễn Hồng Xuân - nói: “Tôi phải đi khỏi Cosevco cuối năm 2004, vì: Cũng như nguyên Chủ tịch HĐQT Phạm Hữu Minh cùng nhiều cán bộ khác, tôi thấy ông Tổng GĐ (Đính) năng lực quản lý kém mà ngày càng chuyên quyền, độc đoán, bất chấp các quy định chung; tác phong thì hết sức tục tằn, thô lỗ, thể hiện đủ loại “con”...”.
Khen ông Đính “giỏi chạy”, ông Xuân đồng thời nhận xét: “Ông Đính bị bắt thế là muộn. Nếu lãnh đạo Bộ làm mạnh, cách chức ông ấy từ dạo đó thì ông ấy khó trượt sâu xuống hố tội lỗi và Cosevco có cơ tránh xa bờ vực phá sản”.
Nguyên Phó tổng GĐ Cosevco Ngô Quang Minh từ chỗ là phụ tá gần nhất của ông Đính, chỉ vì hay phản biện những quyết sách đầu tư và tác phong độc đoán của ông Đính, nên bị cô lập một thời gian dài trước khi ra khỏi Cosevco.
“Không những không được tham gia thẩm định các DA, quyết định đầu tư, xét thầu, chấm thầu..., ngay cả việc bàn bạc, góp ý ban đầu, tôi cũng bị ra rìa” – Ông Ngô Quang Minh nhớ lại. Theo ông Ngô Quang Minh, “Cosevco nay không còn cán bộ có năng lực; những người có năng lực buộc phải bỏ đi hết, để lại Cosevco bên bờ vực phá sản; trách nhiệm này thuộc lãnh đạo Bộ”.
Nguyên Phó tổng GĐ Phạm Văn Cam nói thẳng: “Như thế, “bị” là phải. Ông Phạm Hữu Minh cùng nhiều người không thuộc cánh ông Đính từng báo cáo Bộ từ lâu và nhiều lần, rằng: Ông Đính đang đi đầu phá Cosevco một cách toàn diện, chúng tôi không thể cộng tác được; cần phải chuyển ông Đính sang việc khác, nếu không muốn ông ấy cùng cả loạt cộng sự đi tù và đông đảo người lao động Cosevco chết đói.
Cả cái gọi là “sự nhất trí cao của tập thể” khi đề nghị Bộ tái bổ nhiệm ông Đính vào chức tổng GĐ rồi sau đó là chủ tịch HĐQT Cosevco, lãnh đạo Bộ gọi là “đúng quy trình”, thực ra cũng là hệ quả “gia đình trị” chứ dân chủ gì đâu... Chỉ bởi người ta không muốn nghe nói thật”.
Ngày 28/3/2004, sau khi Chủ tịch HĐQT Cosevco có văn bản báo cáo, Ban cán sự Đảng của Bộ XD ra văn bản yêu cầu ông Đính (lúc đó là Tổng GĐ Cosevco) kiểm điểm 5 nhóm nội dung:
1- Đầu tư tràn lan, hiệu quả thấp; không quan tâm điều hành; nhiều DA không thực hiện đúng quy chế đấu thầu, nguyên tắc ký hợp đồng mua thiết bị...; có biểu hiện tư lợi.
2 - Tài chính rất khó khăn (thiếu vốn hoạt động; nhiều đơn vị lỗ nghiêm trọng; nợ ngân hàng lớn, nhiều đơn vị nợ nội bộ lớn không xử lý được) nhưng không báo cáo trung thực.
3 - Cửa quyền, độc đoán; đưa người nhà, người cùng quê, quen thân nhưng năng lực yếu kém vào các chức vụ quan trọng để dễ thao túng.
4 - Điều hành độc đoán, mất dân chủ, thiếu tôn trọng cấp dưới; gia đình trị; coi thường, không thực hiện nghị quyết HĐQT.
5 - Quan hệ xã hội thiếu lành mạnh.
“Đánh trống lấp” và thực tế phũ phàng
Trên một tờ báo ngành ra ngày 26/4/2005, ông Trần Xuân Đính (Tổng giám đốc Cosevco lúc đó) tuyên bố hùng hồn rằng Cosevco từ ngày thành lập (28/10/1999) đến năm 2004 “tăng trưởng bình quân 30%/năm”; “nộp ngân sách tăng từ hơn 16,4 tỉ đồng/năm 1999 tới gần 142,2 tỉ đồng/năm 2004”; “lợi nhuận, thu nhập của người lao động đều năm sau cao hơn năm trước”; “sản phẩm thương hiệu Cosevco được tín nhiệm và tiêu thụ mạnh trong cả nước và xuất khẩu”; “Cosevco đã và đang đầu tư trên 6.000 tỉ đồng vào nhiều lĩnh vực trọng yếu của sự nghiệp phát triển kinh tế”...
Và hơn thế, “mục tiêu phấn đấu của Cosevco từ nay đến năm 2010 là xây dựng và phát triển thành một tập đoàn kinh tế mạnh ở miền Trung và Tây Nguyên, với tốc độ tăng trưởng hằng năm 15 – 20%”.
Ông Đính “dự kiến tổng giá trị SXKD năm 2005 đạt 3.000 tỉ đồng, năm 2010 là 10.000 tỉ đồng...; thu hút khoảng 25.000 lao động làm việc lâu dài và ổn định”...
Ông Đính tuyên bố như vậy nhưng hiện ông đã bị bắt tạm giam còn lãnh đạo các cấp có liên quan đang chạy đôn chạy đáo để lo ổn định sản xuất và đời sống của hàng nghìn người lao động tại Cosevco.
TP
|