Thứ Hai, 10/03/2008 16:55

Hiệu quả hoạt động của các khu kinh tế cửa khẩu

Tận dụng lợi thế tự nhiên của  đường biên giới dài 4.600 km tiếp giáp với ba nước láng giềng thuộc 25 tỉnh, được thông thương qua 97 cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính, cửa khẩu phụ, bắt nhịp với tiến trình đổi mới quan hệ giữa nước ta với các nước láng giềng, từ cuối năm 1996 mô hình khu kinh tế cửa khẩu (KTCK) ra đời, trở thành một thực thể  cấu thành của nền kinh tế.

12 năm qua, hệ thống các khu KTCK đã trải qua ba giai đoạn phát triển. Giai đoạn mở đầu có tính chất thử nghiệm bằng Quyết định 196 ngày 18-9-1996 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng thí điểm khu KTCK tại Móng Cái (Quảng Ninh). Từ năm 2001 đến nay là giai đoạn khẳng định mô hình khu KTCK bằng Quyết định số 53 của Thủ tướng Chính phủ ngày 19-4-2001 về Chính sách đối với khu KTCK, với một hệ thống cơ chế vận hành đầy đủ, đến nay cả nước có 23 khu KTCK, thuộc địa phận của 19 tỉnh giáp biên giới, trong đó với Trung Quốc có tám khu, Lào có bảy khu và Cam-pu-chia có tám khu KTCK.

Các cửa khẩu đều là vùng biên giới, giao thông khó khăn, thưa dân, kinh tế chậm phát triển. Nhờ được áp dụng chính sách ưu đãi, hệ thống cơ sở hạ tầng  các khu KTCK phát triển nhanh, hoạt động thương mại, dịch vụ, sản xuất, gia công, giao nhận, vận tải... ngày càng tấp nập. Sản xuất, giao lưu thương mại ở vùng sâu, miền núi vốn trầm lắng nay có điều kiện phát triển. Việc quản lý ngày càng đi vào nền nếp, gợi mở nhiều kinh nghiệm để hình thành, hoàn thiện quy chế quản lý.

Nhờ tăng nhanh các khu KTCK đã góp phần tăng trưởng quan hệ mậu dịch giữa Việt Nam với ba nước láng giềng. Năm 2006, tổng kim ngạch xuất khẩu qua các khu KTCK  đạt 2,1 tỷ USD,  chiếm 5,2% giá trị xuất khẩu của cả nước và nhập khẩu 1,4 tỷ USD, chiếm 3,8% giá trị nhập khẩu. Trong đó, các khu KTCK trên biên giới Việt Nam - Trung Quốc có tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu chiếm 59,8% kim ngạch xuất, nhập khẩu của 23 khu KTCK cả nước. Riêng xuất khẩu qua các cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh), Hữu Nghị, Ðồng Ðăng (Lạng Sơn) chiếm 75% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc. Các khu KTCK trên biên giới Cam-pu-chia năm 2006 có tổng kim ngạch hai chiều đạt 1,2 tỷ USD, chiếm 34,4% tổng kim ngạch hai chiều qua các khu KTCK cả nước. Các khu KTCK biên giới Lào năm 2006 có tổng kim ngạch 206 triệu USD. Các dịch vụ tạm nhập, tái xuất, quá cảnh, chuyển khẩu cũng ngày càng phát triển.

Tuy vậy, hoạt động thương mại - dịch vụ của các khu KTCK chưa theo một định hướng tổng thể, có biểu hiện tự phát, lộn xộn, quy mô chưa tương xứng, thường không có cơ quan nhà nước bảo đảm, không được bảo hiểm, nguy cơ rủi ro cao. Hình thức hoạt động tại các khu KTCK mới chỉ ở mức độ trao đổi thương mại quốc tế cấp thấp. Việc quảng bá cơ chế, tiềm năng phát triển khu KTCK chưa sâu rộng, cho nên thu hút đầu tư, du lịch còn hạn chế. Công tác thông tin thường xuyên, thông tin dự báo về tình hình thị trường chưa cao. Sự nhạy bén, nắm bắt thay đổi về chính sách của các nước láng giềng còn yếu, nên thường bị động với những thay đổi đột ngột, dẫn đến tình trạng hàng trăm tấn hàng vận chuyển qua hàng nghìn cây số đến cửa khẩu bị ách lại do chính sách thay đổi, bị đánh thuế cao, ép giá, làm cho doanh nghiệp và người dân thua thiệt. Lợi dụng quy chế thông thoáng áp dụng cho khu KTCK, việc buôn lậu và các hành vi gian lận thương mại diễn ra phức tạp. Sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng trong khu KTCK có lúc còn khập khiễng, chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của hệ thống quản lý.

Trong thời gian tới, các khu KTCK đang đứng trước nhiều triển vọng lớn. Chủ trương xây dựng hai hành lang, một vành đai kinh tế Việt Nam - Trung Quốc đang được triển khai; đầu tư và hợp tác phát triển trong tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia và hợp tác trên con đường xuyên Á nối liền nước ta với Thái-lan, Myanm, nam Trung Quốc... mặc nhiên các khu KTCK trở thành "nhà hai mặt tiền" trên các hành lang hợp tác liên vùng.

Trong lộ trình hội nhập, tự do hóa thương mại, các nước sẽ mở cửa thị trường, từng bước cắt giảm thuế quan tạo điều kiện cho hàng hóa thâm nhập vào thị trường của nhau. Ðây là cơ hội thuận lợi cho các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp các tỉnh có cửa khẩu nói riêng, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa, góp phần xây dựng "vành đai kinh tế xã hội" tạo ra vùng biên giới "hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển". Ðây cũng là thách thức nếu sức cạnh tranh của hàng hóa nước ta kém, để hàng hóa ế thừa từ các nước đổ vào. Vì vậy, chủ động xây dựng các khu KTCK vừa là đòi hỏi trước mắt, vừa là yêu cầu lâu dài của sự phát triển bền vững.

ÐỂ đạt được mục tiêu đó, trước hết phải kiên trì phát triển các khu KTCK để khai thác tiềm năng, thế mạnh, vị trí đầu mối, cửa ngõ giao lưu trên khu vực biên giới, góp phần nâng cao hiệu quả quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại giữa nước ta và các nước láng giềng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương biên giới. Cần tổng kết, đánh giá tác động mọi mặt của các chính sách về khu KTCK, từ đó sửa đổi, bổ sung, hình thành hệ thống các cơ chế chính sách đồng bộ để vận hành mô hình này.

Hoàn thiện quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết mỗi khu KTCK, đổi mới về nội dung và phương thức vận động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, kêu gọi đầu tư. Bên cạnh các dự án vừa và nhỏ, cần thu hút các dự án đầu tư lớn, làm đầu tàu tạo ra sức hút. Ða dạng các hình thức đầu tư, khuyến khích các nguồn vốn trong và ngoài nước tham gia phát triển các khu KTCK, trong đó ưu tiên các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, sản xuất, kinh doanh.

Về trao đổi hàng hóa - dịch vụ, phải từng bước nâng cấp thành các quan hệ nhà nước, áp dụng đầy đủ các cơ chế chính sách đối với hoạt động xuất, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, quá cảnh, chuyển khẩu, về thủ tục thông quan hàng hóa, áp dụng các chính sách thuế, cơ chế thanh toán hối đoái, cung cấp thông tin.

Trước mắt, cần tập trung củng cố các khu KTCK hiện có, phát huy hết công năng từng cụm cơ sở trong khu, tránh làm ào ạt theo phong trào.

ND

Các tin tức khác

>   Xuất khẩu lao động: Có “xóa sổ” thị trường Malaysia? (10/03/2008)

>   Pacific Airlines miễn vé máy bay cho trẻ dưới 2 tuổi (10/03/2008)

>   Thêm một hồ sơ lập hãng hàng không tư nhân được đệ trình (10/03/2008)

>   Tàu 76.500 DWT lớn nhất từ trước đến nay vào nhận than (10/03/2008)

>   Hiệu quả hoạt động của các khu kinh tế cửa khẩu (10/03/2008)

>   Nhân lực cho ngành bán lẻ Việt Nam: Vừa thiếu, vừa yếu (10/03/2008)

>   Giao dịch thành công về nhà, đất giảm mạnh (10/03/2008)

>   Ôtô về Việt Nam bằng máy bay (10/03/2008)

>   Ráo riết kế hoạch bán dịch vụ vệ tinh VINASAT (10/03/2008)

>   Không cảng TCQT, Việt Nam mãi đi "gom hàng" cho nước ngoài (10/03/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật