Hàng tốt bán sao để không ế?
Kết quả đăng ký mua cổ phần của Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) quá thấp, chỉ chiếm gần 12,6% lượng chào bán, một lần nữa cho thấy, tính cấp thiết của việc đa dạng hóa phương thức chào bán cổ phần của DNNN, thay vì cứng nhắc một cách là đấu giá công khai như hiện nay. TTCK đi xuống, một đợt IPO lớn thành công, thị trường sơ cấp sôi động hơn và thị trường thứ cấp do đó cũng được thổi lửa. Chào bán thành công cổ phần của một DN lớn trong thời điểm này cũng có thể là cách hỗ trợ thị trường.
Habeco khá tự tin về sức cầu khi cho biết, nhiều đối tác là nhà phân phối, đại lý tiêu thụ sẽ ủng hộ mua cổ phần nhưng kết quả thật bất ngờ. Chỉ có 215 NĐT, trong đó có 14 tổ chức (đặt mua 3.604.400 cổ phần) và 201 cá nhân (đặt mua 773.500 cổ phần). Tổng khối lượng đăng ký mua là 4.377.900 cổ phần trong số 34.770.000 cổ phần chào bán, chiếm gần 12,6%. Thực tế này đang đặt cả DN và cơ quan quản lý trước những lựa chọn khó khăn.
Theo Nghị định 109/2007/NĐ-CP, nếu đợt đấu giá còn lại từ 50% số lượng cổ phần chào bán trở lên (trừ số lượng cổ phần được bảo lãnh phát hành) thì cơ quan quyết định cổ phần hóa (CPH) xem xét, điều chỉnh giảm giá khởi điểm (tối đa bằng mệnh giá cổ phần) và tổ chức đấu giá bán tiếp số cổ phần còn lại. Nếu làm theo phương án này, những NĐT tham gia đợt đấu giá cổ phần đầu tiên rất thiệt thòi và liệu có dẫn tới tình trạng khuyến khích họ bỏ cọc ngay đợt đầu hay không?
Tuần qua, đại diện HĐQT Habeco đã có công văn báo cáo về việc thực hiện phương án bán đấu giá cổ phần lần đầu của Tổng công ty và xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Tài chính. Theo quan điểm của Habeco, phần không bán hết đề nghị cho phép bán cho Tập đoàn Carlsberg (là NĐT chiến lược đã được chọn trong phương án) vì Carlsberg đã có thư cam kết xin mua số cổ phần bán đấu giá công khai mà các NĐT không mua hết theo mức giá không thấp hơn giá khởi điểm nếu việc CPH được thực hiện trong tháng 3/2008. Theo quan điểm của Bộ Tài chính và Bộ Công thương, số cổ phần không bán hết sẽ bán cho Carlsberg theo phương thức thỏa thuận với giá bán không thấp hơn giá đấu giá thành công bình quân, nhưng quyết định cuối cùng phải chờ sự chấp thuận của Chính phủ. Trong trường hợp cho phép Carlsberg mua toàn bộ số cổ phần đấu giá công khai không bán hết thì Carlsberg nắm giữ 23,1% vốn điều lệ của Tổng công ty (chưa vượt mức khống chế về quyền đầu tư góp vốn của nhà ĐTNN) và vẫn đảm bảo quyền chi phối của phía Việt Nam trong Habeco.
Cách xử lý như trên là hài hòa các nhóm quyền lợi và cũng đảm bảo lợi ích tối đa của DN, NĐT cũng như Nhà nước trong bối cảnh này. Vấn đề đặt ra là, liệu đã đến lúc sửa đổi Nghị định 109 để tạo ra cơ chế thuận lợi cho DNNN khi chào bán cổ phần lần đầu, thay vì mỗi khi có vướng mắc lại phải chờ Chính phủ cho ý kiến? Nghị định 109 có quy định về phương thức bán thoả thuận trực tiếp, nhưng lại bó ở chỗ áp dụng cho NĐT chiến lược sau khi đấu giá ra công chúng; bán cho NĐT đã tham dự đấu giá có nhu cầu mua tiếp số lượng cổ phần do NĐT khác từ chối mua.
Trở lại câu chuyện thị trường, ngày 24/3, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án CPH Ngân hàng Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB), theo đó MHB sẽ chào bán công khai hơn 5 triệu cổ phần. Khi cung cổ phiếu ngân hàng đang quá dư dả, "ông anh" Vietcombank lại chưa tìm được đối tác chiến lược, đợt IPO MHB liệu có đi vào vết xe đổ như Habeco? Dù không muốn cũng phải thừa nhận, khi cổ phần của những DN lớn không được đón nhận hào hứng, sẽ thổi một luồng gió lạnh tới thị trường.
Trên thực tế, liệu tính hấp dẫn của những DN hàng đầu Việt Nam có tỷ lệ thuận với diễn biến TTCK? Câu trả lời không hẳn như vậy. Trao đổi với ĐTCK, ông Thibaut de Monclin, Tổng giám đốc Aelios Finance (Pháp) - công ty chuyên tư vấn M&A cho biết, France Telecom là công ty viễn thông hàng đầu của Pháp đang tìm cách mua cổ phần của MobiFone, một trong những nhà cung cấp dịch vụ điện thoại di động tại Việt Nam. Hiện tại, mức vốn hóa của France Telecom là 61 tỷ euro. Tại châu Á, sự hiện diện của họ mới dừng ở việc lập văn phòng đại diện tại Việt Nam và lập France Telecom Japan Co.,Ltd. Ông Jean Pierre Achouche, Tổng giám đốc France Telecom Việt Nam cho biết, không chỉ MobiFone mà DN này còn quan tâm tới kế hoạch CPH của cả Vinaphone, Viettel. Họ trực tiếp đưa câu hỏi tới đại diện Chính phủ rằng, tại sao kế hoạch CPH những công ty trên được thông báo từ năm 2004 mà tới thời điểm này chỉ thấy một vài động thái nhỏ. Cụ thể, hiện chỉ có MobiFone đưa ra danh sách sơ tuyển, gồm 6 công ty tư vấn tài chính và ngân hàng dự kiến được chọn để tham gia tư vấn cho quá trình CPH. Một đối tác từng tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh với MobiFone là Comvik (Thuỵ Điển) cũng nhiều lần bày tỏ mong muốn được tham gia mua cổ phần của đối tác Việt Nam, hiện hợp đồng đã kết thúc, nhà ĐTNN vẫn đang chờ.
đtck
|