Thứ Sáu, 28/03/2008 16:14

Thủ tục cổ phần hoá - vẫn “hành là chính”?

Thiếu khung pháp lý đủ mạnh khiến thủ tục cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước hiện còn nhiều rườm rà, phức tạp mang nặng tính hành chính. Tuy nhiên, cho đến nay, “phác đồ điều trị” căn bệnh “hành là chính” hầu như vẫn chưa có khiến nhiều doanh nghiệp tiếp tục phải khổ sở nếu muốn được cổ phần hoá.

Thiếu một khung pháp lý đủ mạnh

Cổ phần hoá (CPH) doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) hiện nay được “mặc định” trong suy nghĩ nhiều người - là quá trình đầy khó khăn, phức tạp, “động chạm” đến nhiều vấn đề không chỉ kinh tế mà còn cả xã hội, chính trị… và đặc biệt liên quan đến nhiều tầng lớp người.

Hơn 15 năm qua (1992-2008), việc CPH các DNNN được giới đầu tư nhìn nhận “khi ào ào khí thế, lúc lặng lẽ âm thầm”. Trong đó, sự ì ạch, chậm chạp đôi khi đến khó hiểu của quá trình này là sự thật khó có thể phủ nhận.

Cũng trong hơn 15 năm qua, để thực hiện CPH DNNN đã có ít nhất 5 Nghị định của Chính phủ. Chỉ đạo CPH rơi vào tình trạng “thiếu ổn định” khiến quá trình này - theo Luật gia Cao Đăng Vinh, chuyên viên Vụ Pháp luật Dân sự, Bộ Tư pháp - đang được thực hiện theo kiểu “phong trào tự giác”, phụ thuộc chủ yếu vào các cơ quan giữ vai trò chủ sở hữu Nhà nước. Hậu quả không mong muốn là CPH đã chậm càng chậm, thất thoát, lãng phí vốn Nhà nước.

Nhiều luật gia cùng đưa ra bình luận - việc thiếu một khung pháp lý đủ mạnh là nguyên nhân khiến quy trình CPH chưa sát thực tế, rườm rà, phức tạp.

Cho đến nay, bình quân thời gian để thực hiện CPH một DN thông thường mất hơn một năm, tổng công ty là gần hai năm. Với thời gian kéo dài như vậy, nhiều người đặt câu hỏi: liệu giá trị DN được xác định đến thời điểm hoàn tất chuyển đổi mô hình hoạt động sang công ty cổ phần có còn chính xác không?

Theo Luật gia Cao Đăng Vinh, việc giải quyết một số thủ tục pháp lý để tạo điều kiện cho DN tiến hành CPH vô cùng lề mề: thủ tục về nhà xưởng, đất đai, xác định vốn đối với DN sử dụng tài sản Nhà nước do nhiều cơ quan quản lý.

Trong khi đây vốn được coi là vấn đề quan trọng và khó khăn nhất phải giải quyết trong quá trình CPH. Vì nếu xác định giá trị DN cao hơn thực tế sẽ làm giá cổ phiếu tăng lên, lượng người mua cổ phiếu giảm đi. Nhưng nếu xác định giá trị DN thấp hơn giá trị thực tế, giá cổ phiếu sẽ giảm, người mua tăng nhưng Nhà nước sẽ mất vốn.

Thời gian qua, hàng loạt những tranh chấp, khiếu kiện nảy sinh trong quá trình CPH cũng thường xuất phát từ sự không nhất trí về kết quả xác định giá trị DN.  

Doanh nghiệp “tắc” khi chuyển mô hình hoạt động

Theo quy định của Nghị định 109/2007/NĐ-CP, một trong những nghĩa vụ DN Nhà nước sau khi hoàn thành bán cổ phần phải thực hiện là tổ chức đại hội cổ đông lần đầu, chuyển mô hình hoạt động sang công ty cổ phần và đăng ký kinh doanh trong thời hạn một tháng (kể từ ngày hoàn thành bán cổ phần). Tuy nhiên, nghĩa vụ này của DN sẽ khó mà thực hiện nếu không nhận được sự hợp tác thiện chí từ phía cơ quan có thẩm quyền phê duyệt khâu chuyển đổi này.

Trên thực tế, quá trình CPH trong nhiều DN đã bị “tắc” ở giai đoạn nhạy cảm này mà điển hình là vụ việc ở công ty cổ phần Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội (Hacinco) hồi cuối năm 2005.

Sau khi tổ chức bán đấu giá cổ phần lần đầu tại Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội vào ngày 2/12/2005, công ty đã tiến hành đại hội đồng cổ đông lần đầu để thành lập công ty cổ phần Hacinco. Mặc dù có tới hơn 99,32% cổ đông biểu quyết nhất trí việc chuyển đổi này nhưng do vướng mắc nảy sinh nên UBND Thành phố Hà Nội đã không ra quyết định chuyển đổi mô hình hoạt động cho Hacinco. Công ty vì thế không thể thực hiện đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật mặc dù đã tổ chức thành công đại hội cổ đông. Điều này đồng nghĩa giá trị pháp lý của kết quả họp đại hội cổ đông không hề có nghĩa lý gì.

Trong những nguyên nhân “hành chính hoá” quá trình CPH, còn phải kể tới sự thờ ơ, vô cảm của không ít cán bộ, quan chức. Khi quá trình CPH phát sinh những vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính, nghiệp vụ chuyên môn thuộc trách nhiệm giải quyết của bộ máy công quyền, đôi khi những người có trách nhiệm lại không hề “động lòng trắc ẩn”. Điều này dẫn tới nhiều DN gặp phải khó khăn vô lý làm ngừng trệ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Vụ tranh cãi hy hữu của Hacinco nói trên kéo dài đến hai năm là ví dụ điển hình.

Tuy nhiên, đến nay “phác đồ điều trị” cho căn bệnh vô cảm này vẫn chưa có. Nhiều DNNN vẫn phải chấp nhận “chung sống” với những khổ ải “hành chính hoá” trong quá trình CPH. Còn cải thiện tình hình được đến đâu, vướng mắc được tháo gỡ ở mức nào lại không phải chuyện có thể nói trong ngày một, ngày hai.

tổ quốc

Các tin tức khác

>   Sẽ cổ phần hóa VinaPhone (28/03/2008)

>   Bắt khẩn cấp Giám đốc, Trưởng phòng KD Nhà máy Cồn QN (28/03/2008)

>   Xây dựng và Trang trí Kiến trúc ADC: TB trả cổ tức 2007 và ĐHCĐ 2008 (28/03/2008)

>   IDJ: Chốt danh sách chi trả cổ tức (28/03/2008)

>   Hoàng Long Long An: Chi trả cổ tức đợt 2 năm 2007 (28/03/2008)

>   Sacomreal: Phát triển kênh phân phối bất động sản tại Đà Nẵng (27/03/2008)

>   Thông tin đăng ký tham gia đấu giá CP Cty Thái Dương (27/03/2008)

>   CTCP Chứng khoán FPT thông báo sửa đổi Điều lệ và thay đổi thành viên HĐQT (27/03/2008)

>   TCT Bia - Rượu - NGK Hà Nội: Kết quả đấu giá cổ phần (27/03/2008)

>   DVSC: ĐHĐCĐ thường niên 2008 (27/03/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật