CPH doanh nghiệp nhà nước: Tắc vì những can thiệp hành chính
Tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc trên là nội dung chính của hội thảo tháo gỡ vướng mắc hành chính trong cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tổ chức ngày 20.3 tại Hà Nội.
Theo luật gia Vũ Xuân Tiền, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty tư vấn VFAM (CTVFAM), CPH các DNNN là "tước đi" quyền lực vô cùng lớn của cán bộ, công chức nhà nước. Vì vậy mà tiến trình này "đã và đang bị âm thầm ngăn cản", ông Tiền nói.
Ngay cả khi thực hiện xong các thủ tục, trình tự CPH thì việc chuyển từ DNNN sang công ty cổ phần (CP) cũng rất trắc trở. Theo quy định, sau khi hoàn thành việc bán CP, DN phải tổ chức Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) lần đầu để chuyển thành công ty CP và đăng ký kinh doanh theo quy định. Cụ thể thời hạn để thực hiện là 1 tháng, kể từ ngày hoàn thành việc bán CP. Thế nhưng trên thực tế, các DN vướng mắc rất nhiều, thậm chí còn rơi vào bế tắc. Ông Vũ Xuân Tiền bức xúc: "Vì cái quyền lực (do cơ chế chủ quản tạo ra - PV) này, một Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã dùng điện thoại đình chỉ ĐHCĐ thực hiện đúng luật của Công ty CP khách sạn Phan Thiết và tổ chức thanh tra, kiểm tra gay gắt. Vị Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành công văn không thừa nhận kết quả ĐHCĐ của Công ty CP dược phẩm tỉnh Ninh Bình"... Hay trường hợp Công ty đầu tư xây dựng Hacinco, sau khi tổ chức đấu giá bán CP, tháng 12.2005, công ty tổ chức ĐHCĐ đúng luật. Thế nhưng sau đó UBND TP Hà Nội lại không ra quyết định chuyển DN thành công ty CP. Ông Cao Đăng Vinh (Vụ Pháp luật dân sự, Bộ Tư pháp) đặt câu hỏi: "Cơ quan có thẩm quyền đã ra quyết định CPH, phê duyệt phương án CPH và DN đã thực hiện bán CP xong cho các nhà đầu tư thì liệu có cần thiết phải có thêm quyết định chuyển DNNN thành công ty CP?". Theo ông Vinh, "trong trường hợp này, chính quyền chỉ cần cấp đăng ký kinh doanh cho DN".
Một rào cản nữa là sự lúng túng trong việc phải đồng thời đạt được những mục đích trái chiều nhau: đa dạng hóa về sở hữu nhưng vẫn phải đảm bảo quyền chi phối của Nhà nước, bảo tồn và làm tăng hơn giá trị vốn nhà nước tại DN; bảo đảm quyền lợi của người lao động. Nhiều dự án đầu tư của DN đã không thực hiện được chỉ vì nguyên tắc "vốn nhà nước phải chiếm 51% vốn". Luật gia Vũ Xuân Tiền dẫn chứng trường hợp Công ty xi măng, đá vôi Phú Thọ. Năm 2005, UBND tỉnh đã ra quyết định phê duyệt phương án chuyển DN thành công ty CP với nguyên tắc Nhà nước phải chiếm 51% vốn điều lệ (22,95 tỉ đồng). Để nâng sản lượng, công ty lập dự án đầu tư xây dựng một nhà máy xi măng lò quay với số vốn đầu tư khoảng 300 tỉ đồng. Ngân hàng đồng ý cho vay nhưng yêu cầu, vốn điều lệ của công ty phải đạt 20% tổng mức đầu tư (tức là phải nâng vốn điều lệ từ 45 tỉ lên 61 tỉ đồng). Oái oăm thay, tỉnh không có tiền, dự án đành phải... nằm chờ!
Một vấn đề khác, theo tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng (khoa Pháp luật kinh tế, Đại học Luật Hà Nội) là: "Pháp luật chưa có quy định về trường hợp DN có một bộ phận đã CPH, nay tiếp tục CPH toàn bộ DN thì giải quyết quyền mua CP ưu đãi của người lao động như thế nào". Ông Nhưỡng cho rằng: "Đây là lỗ hổng của pháp luật".
Nhiều chuyên gia nhận định, với đủ thứ vướng mắc như vậy, tiến trình CPH các DNNN chậm trễ kéo dài là điều dễ hiểu.
tn
|