Miền Trung - Thêm một nhà máy dứa chết yểu
Ngày 1/4/2008, Nhà máy Chế biến dứa và rau quả XK, thuộc Công ty CP Thực phẩm XK Bình Định được UBND tỉnh đồng ý “ngưng” hoạt động vì thua lỗ, thiếu nguyên liệu. Như vậy, đây là nhà máy chế biến dứa thứ 2 của miền Trung đóng cửa. Nguyên nhân do đâu?
Nhà máy Chế biến dứa và rau quả XK (NMCBD) gồm 5 cổ đông là TCT Pisico Bình Định, Công ty Vật tư kỹ thuật nông nghiệp, Lâm trường Quy Nhơn, Lâm trường Hà Thanh và Lâm trường An Sơn; được khởi công tháng 3/2002, có tổng diện tích 100.000m2, đặt tại huyện Hoài Nhơn. Theo thiết kế, nhà máy có công suất 10.000 tấn sản phẩm/năm, sản xuất nước quả Puree cô đặc, sản phẩm dứa đóng hộp và rau quả đông XK với tổng vốn đầu tư 72 tỉ đồng; toàn bộ sản phẩm làm ra được Tổng công ty Rau quả bao tiêu 100% trong vòng 5 đến 10 năm. Để chuẩn bị cho ra lô sản phẩm đầu tiên vào tháng 10/2004, Công ty CP Bình Định đã được UBND tỉnh đồng ý cho xây dựng một vùng nguyên liệu dự kiến trên 3.300ha ở 4 huyện: Hoài Nhơn, Hoài Ân, An Lão và Phù Mỹ. Giống dứa được chọn là Queen, do Tổng công ty Rau quả cung cấp với lời hứa năng suất sẽ đạt 50- 60 tấn/ha. Dứa được cung cấp cho dân có hợp đồng thu mua hẳn hoi, nhưng theo ông Bùi Tiến Thịnh - cán bộ Phòng nguyên liệu Lâm trường An Sơn, chỉ 3 - 4% diện tích là có quả. Sau dứa Queen không đạt năng suất, công ty chuyển sang hướng dẫn nông dân trồng giống dứa Cayen, song vẫn chung số phận. Nhà máy lỗ, nông dân lỗ, nợ ngân hàng ngập đầu.
Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là nông dân cũng không biết bán số dứa thu hoạch được ở đâu bởi công suất của nhà máy theo thiết kế 10.000 tấn sản phẩm/năm, nhưng khi hoạt động chưa đến 15 tấn nguyên liệu/ngày (?). Do nhà máy không tiêu thụ hết, nông dân buộc phải mang ra bán ngoài và nhà máy chạy được chỉ hơn 1 tháng là hết nguyên liệu, đóng máy. Sản xuất đã ít, năm 2005 chỉ vài chục tấn sản phẩm, nhưng công ty cũng không tiêu thụ được mà phải nhờ Công ty Dứa Quảng Nam, Ninh Bình tiêu thụ dùm. Để hỗ trợ, UBND tỉnh Bình Định đã đưa ra kế hoạch liên doanh, liên kết với một số DN khác như Công ty thủy sản để tăng vốn mà vẫn không có hiệu quả và việc đóng cửa nhà máy là tất yếu khi dự án đã chi ra 32,3 tỉ đồng nhưng thu hồi chỉ được 2,7 tỉ đồng. Cũng trong năm 2002, Nhà máy Chế biến nước dứa cô đặc và rau quả XK Quảng Nam (thuộc Công ty Nông sản XK Đà Nẵng) cũng đi vào hoạt động với vốn đầu tư hơn 80 tỉ đồng, công suất thiết kế 24.000 tấn/năm. Vùng nguyên liệu được UBND tỉnh quy hoạch cho nhà máy là 5.000 ha ở 8 huyện. Riêng tiền ngân sách địa phương và vốn DN đầu tư cho vùng nguyên liệu này từ năm 2001- 2005 khoảng trên 32 tỉ đồng.
Thế nhưng, do quản lý kém, nguyên liệu không đủ, đầu ra không có, chi phí cao và nhiều yếu tố khác nên đến năm 2006 nhà máy này chấp nhận mất vốn, đóng cửa. Ngoài tiền nhà nước mất trắng, hàng trăm hộ nông dân cũng vì nhà máy dứa này mà “chết” theo dù hộ nào cũng có hợp đồng với nhà máy về đầu tư, thu mua, nhưng cuối cùng không biết bán cho ai, tiền mua dứa của nông dân nhà máy cũng không trả nổi. Lâu nay, nói đến các nhà máy chế biến thực phẩm, nông sản…, người ta hay nói đến từ “tay ba” (DN- nhà nông- nhà khoa học). Thế nhưng, khi nhà máy đóng cửa thì chỉ có người nông dân thiệt thòi, nhà nước mất vốn còn DN, nhà khoa học và chính quyền địa phương (người chấp nhận dự án) lại… ngoài cuộc!?
THƯƠNG MạI
|