“Bia Hà Nội” IPO: Giá khởi điểm 50.000 đồng có đắt?
Khi Habeco quyết định IPO vào thời điểm thị trường suy giảm, đã có không ít ý kiến cho rằng không thích hợp. Tuy nhiên, theo quan điểm của Tổng giám đốc Tổng công ty Rượu - Bia - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) Nguyễn Văn Việt thì tổng công ty này có đủ tự tin để đảm bảo IPO sẽ diễn ra thành công, bởi lẽ có một số điểm khá đặc biệt và khác biệt chỉ có ở Habeco.
Chất lượng và thương hiệu
Bí quyết lựa chọ nguồn nước và bí quyết công nghệ qua nhiều thế hệ đã làm nên Habeco trong Top 100 thương hiệu mạnh. Người tiêu dùng dù khó tính đến mấy cũng phải thừa nhận bia hơi, bia chai và bia lon Hà nội có chất lượng rất “Hà Nội”.
Không “ồn ào” trong tiếp thị, nhưng bia Hà Nội đã được người dân cả nước, đặc biệt các tỉnh miền Bắc, đón nhận và hiện nguồn cung sản phẩm này vẫn chưa đáp ứng đủ cầu.
Chiến lược phát triển thị trường
Habeco có chiến lược phát triển khá đặc thù:
Thị trường trọng điểm: Tận dung thế manh về thương hiệu truyền thống, Habeco lựa chọn thị trường mục tiêu là các tỉnh phía bắc từ Quảng Trị trở ra để đầu tư tập trung và trọng điểm, tránh đối đầu với các thương hiệu bia khác tại các địa bàn mà đơn vị này chưa có lợi thế.
Sản phẩm trọng điểm: Habeco không phát triển tràn lan nhiều sản phẩm mà chỉ tập trung vào 4 nhãn hiệu nổi tiếng: bia hơi, bia chai, bia lon và bia Premium. Habeco đã thành lập viện nghiên cứu phát triển sản phẩm bia rượu của riêng mình để tạo ra giá trị sản phẩm khác biệt.
Kênh phân phối
Habeco đã có trên 300 đại lý phân phối tại hầu hết các tỉnh phía Bắc, với chủ trương xem kênh phân phối là phương thức tốt nhất để mở rộng thị phần.
Quản lý sản xuất, tiêu thụ và chất lượng tập trung: Habeco phát triển mô hình công ty mẹ con nhằm tập trung năng lực sản xuất, thị trường tiêu thụ và đảm bảo sự đồng nhất về chất lượng tại tất cả các cơ sở sản xuất bia.
Hiện đã có 12 công ty con tại các địa bàn trọng điểm phía bắc (Hà Nội, Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nam Định, Quảng Trị) và 9 công ty liên kết. Thị phần Habeco đã chiếm khoảng 40% từ Nghệ An trở ra và kỳ vọng sẽ tăng lên 70% trong vài năm tới.
Việc tránh mở rộng quá sớm thị trường vào các tỉnh phía nam vốn chưa phải là thế manh của Habeco đã giúp cho Habeco tránh bị phân tán nguồn lực và tiết kiệm được các chi phí tiếp thị và phát triển thị trường.
Nguồn nhân lực và công nghệ phụ trợ
Habeco đang sở hữu đội ngũ gồm trên 50 kỹ sư giàu kinh nghiệm và đôi ngũ lãnh đạo, quản lý đã gắn bó với Habeco qua nhiều thời kỳ, nhiều thế hệ. Đây là tài sản lớn của Habeco.
Việc hình thành các công ty liên kết nhằm phát triển ngành nghề phụ trợ về nguyên liệu và thương mại phục vụ cho mục tiêu tối thượng là sản phẩm bia rượu chứ không phải mặt hàng nào khác.
Đối tác chiến lược
Habeco gây không ít ngạc nhiên cho nhà đầu tư về cách lựa chọn đối tác chiến lược.
Khác với Vietcombank hay Bảo Việt lựa chọn đối tác chiến lược song song với quá trình cổ phần hóa và mục tiêu thu lợi về giá bán được coi trọng, Habeco lựa chọn đối tác chiến lược từ rất sớm, trước khi cổ phần hóa.
Habeco không đặt mục tiêu bán giá cao mà cần ở đối tác chiến lược những mặt Habeco còn thiếu. Carlsberg là nhà đầu tư có thể bổ sung cho Habeco những mặt mà Habeco đang rất thiếu như đào tạo nguồn nhân lực, kinh nghiệm quản lý và phát triển thị trường.
Tính thanh khoản
Dòng tiền thu được và tính thanh khoản cao của tài sản trong báo cáo của Habeco là thế mạnh mà nhiều doanh nghiệp ngoài ngành bia khó có thể có được. Hệ số thanh toán nhanh: 3.6; hệ số thanh toán hiện hành: 7,22; vòng quay hàng tồn kho: 12,3; vòng quay khoản phải thu: 88.
Ý kiến cho rằng Habeco chưa phát huy được nhiều lợi thế dòng tiền tuy có xác đáng, nhưng chính đây lại là điểm rất thuận lợi của Habeco sau khi cổ phần hóa. Các họat động đầu tư khác của Habeco ngoài bia chỉ là thứ yếu và chiểm tỷ trọng nhỏ để đảm bảo tỷ lệ an toàn cao. Cơ chế linh họat của công ty cổ phần và mô hình công ty mẹ-con nhiều khả năng sẽ làm tăng hịệu quả sử dụng luồng tiền này sau IPO.
Tiềm năng thị trường
Bia vẫn còn được coi là mặt hàng “xa xỉ” có hệ số co dãn đối với thu nhập lớn trên 1. Theo ước tính, tiêu thụ bia bình quân đầu người của Việt Nam hiện còn ở mức khiêm tốn khoảng 20 lít/người, chiếm khoảng 1,7% thu nhập.
Mức tiêu thụ bia bình quân đầu người chỉ bằng 1/2 so với Hàn quốc và bằng 1/6-1/7 so với Ireland, Đức, Séc.
Theo dự báo, quy mô dân số Việt Nam sẽ tăng từ 85 triệu lên 100 triệu vào năm 2023 và ổn định ở mức 120 triệu dân. Trong vòng 15 năm nữa , sự tăng trường 20% về quy mô dân số, 200% GDP binh quân đầu người (5% năm) cùng với mức tiêu thụ bia bình quân đầu người tăng lên như mức của Hàn Quốc hiện nay thì nhu cầu tiêu thụ bia ước sẽ tăng gần 5 lần.
Có lẽ đây là con số mơ ước về sự tăng trưởng của thị trường bia và đó cũng là lý do các hãng bia nổi tiếng như Heneiken, Carlsberg, Tiger, SanMiguel, Foster vấn tiếp tục đầu tư vào thị trường cùng với trên 400 cơ sở sản xuất bia đang họat động.
Habeco đang chiếm khoảng 10-12% thị phần bia cả nước. Có rất nhiều lý do để tin rằng con số thị phần 15% Habeco sẽ đạt được trong một thời gian rất gần.
Giá khởi điểm 50.000 đồng có đắt?
Đây là câu hỏi làm không ít nhà đầu tư "đau đầu" để đưa ra quyết định nên hay không tham gia đấu giá cổ phần Habeco.
Trong lúc thị trường chứng khoán đang suy giảm và giá của hầu hết các cổ phiếu trên sàn đều rẻ ở mức PE 15-16, thì mức giá khởi điểm 50,000 VND tương đượng PE=25 (nếu tính đầy đủ báo cáo hợp nhất thì EPS của Habeco khoảng 2.000) rất khó hấp dẫn nhà đầu tư ngắn hạn.
Trong vòng 1-2 năm tới, Habeco vẫn trong giai đọan đầu tư phát triển nên EPS sẽ bị pha loãng, do vậy việc nắm giữ cổ phiếu Habeco khó mang lại lợi nhuận mong muốn trong ngắn hạn.
Có lẽ quyết định đầu tư dài hạn vào Habeco mới đáng được các nhà đầu tư có tổ chức quan tâm. Ngoài việc góp 10% vốn là đối tác chiến lược, hãng bia Carlsberg đã nhận mua hết số cổ phần không bán hết trong đợt đấu giá này với giá bằng mức giá khởi điểm 50.000 đồng.
Habeco cũng có khảo sát, làm việc với những đối tác trong nước như nhà tiêu thụ, đại lý phân phối và khối nhà đầu tư này cho biết, sẽ đăng ký mua khoảng 20% lượng bán ra.
Như vậy, có thể thấy sức cầu đối với cổ phiếu Habeco là khá tốt để đợt IPO thành công. Khó có ai hiểu biết hơn giá trị thật của Habeco hơn chính những người đang làm việc tại Habeco, các đại lý bia và đặc biệt là Carlsberg và một khi các nhà đầu tư này tích cực tham gia là căn cứ rất đáng để các nhà đầu tư khác tham khảo.
Mỗi nhà đầu tư đều có cách nhìn và cảm nhận riêng về Habeco. Những hạn chế hiện tại của Habeco về hiệu quả sử dụng vốn, phát triển và mở rộng thị trường phía nam, tỷ suất lợi nhụận thấp đã được nói đến trong một số phân tích. Tuy nhiên, điều không thể phủ nhận là mặt hàng bia đang phải chịu thuế suất tiêu thụ đặc biệt, lại thêm cả thuế khai thác tài nguyên nước. Một khi các lọai thuế suất này được điều chỉnh về mức hợp lý trong năm nay và những năm tới, có thể hy vọng lợi nhuận Habeco sẽ tăng lên đáng kể.
tbktvn
|