Công ty chứng khoán lao đao
TTCK xuống dốc, nhà đầu tư không còn mặn mà với việc đến sàn giao dịch khiến nhiều công ty chứng khoán (CTCK) lao đao. Trong khi đó, hiện có gần 100 CTCK tham thị trường nhưng vẫn còn nhiều hồ sơ xin cấp phép thành lập đang chờ sự chuẩn y của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Một số CTCK đã được cấp phép cuối năm 2007 hy vọng TTCK sớm phục hồi để ra mắt nhà đầu tư, thế nhưng đến nay vẫn chưa thể mở cửa hoạt động. Do ảnh hưởng bởi sự sụt giảm của TTCK, nhiều CTCK đang phải hoạt động cầm chừng, chờ ngày chứng khoán phục hồi nhằm thu phí giao dịch, bán các khoản tự doanh để trang trải chi phí.
Để thu hút nhà đầu tư cũ đến sàn và mong muốn có thêm nhà đầu mới, CTCK Đông Dương (DSS) đã miễn phí giao dịch kể từ ngày 1/3 đến hết tháng 5/2008 cho những nhà đầu tư đến mở tài khoản mới; nhà đầu tư cũ được giảm phí giao dịch xuống còn 0,02%, dù các CTCK vẫn phải đóng phí cho Sở GDCK TP. HCM (HOSE) ở mức 0,05%. Như vậy, trong khoảng thời gian này, DDS phải tự bỏ thêm tiền túi để trả phí cho HOSE, đó là chưa kể đến những khó khăn khi TTCK vẫn đang trên đà xuống dốc.
Ngoài việc giảm, miễn phí giao dịch, nhiều CTCK còn tổ chức các khóa đào tạo kiến thức từ cơ bản đến phân tích chứng khoán cho nhà đầu tư. Thế nhưng, vẫn khó thu hút nhà đầu tư mở tài khoản do ảnh hưởng bởi diễn biến xấu của giá cổ phiếu. Nhiều CTCK rơi vào tình cảnh rất khó khăn, nhất là đối với những công ty "sinh sau đẻ muộn", với mong muốn lấy nguồn thu tự doanh để trang trải chi phí thì đang phải dở khóc, dở cười. So với cuối năm 2007, các khoản tự doanh của nhiều CTCK đã mất gần 50% giá trị, nhưng vẫn khó chuyển thành tiền mặt, vì diễn biến thị trường ngày một xấu đi. Một số CTCK đang phải cắt giảm nhân sự do nguồn thu không đủ để trang trải.
Theo tổng giám đốc một CTCK, các CTCK gia nhập thị trường cuối năm 2007 và đầu năm 2008 không bị phá sản nhờ dựa vào "cứu cánh" lớn là dịch vụ repo cổ phiếu (giao dịch có kỳ hạn). Các CTCK này đã sử dụng vốn điều lệ để cho nhà đầu tư repo cổ phiếu. Vị tổng giám đốc trên cho rằng, tuy giá chứng khoán giảm nhưng thị trường vẫn không thiếu những người "lướt sóng" kiếm lời, do đó nhu cầu repo cổ phiếu vẫn cao, CTCK vẫn có nguồn thu, nhất là lãi suất repo trong những tháng gần đây lên đến 1,6 - 1,7%/tháng, thay vì mức cao nhất 1,3%/tháng như trong năm 2007. Một số CTCK khác hoạt động chỉ nhờ vào việc thu phí, nhưng chủ yếu là phí từ khách hàng bán chứng khoán, thay vì mua như trước.
Sau khi Ngân hàng Nhà nước thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt nhằm kiềm chế lạm phát, hầu hết ngân hàng đã cắt giảm khoản vốn cung ứng cho CTCK đối với dịch vụ cho vay cầm cố cổ phiếu. Dịch vụ hỗ trợ CTCK thu hút nhà đầu tư bị cắt giảm, trong khi nhân viên tư vấn, môi giới trong giai đoạn này ít việc, thường rơi vào cảnh "ngồi chơi, xơi nước", còn mảng tự doanh thì càng mua càng lỗ khiến doanh thu của CTCK từ đó sụt giảm mạnh. Kể cả những đơn vị có quy mô và thị phần lớn như SSI, ACBS hay BVSC cũng không tránh khỏi khó khăn.
Tình hình trên đã ảnh hưởng xấu đến giá cổ phiếu của các CTCK đang giao dịch trên thị trường, kể cả niêm yết hoặc chưa niêm yết. Lấy mức giá ngày 25/3 so với mức giá phiên giao dịch đầu tiên sau Tết Nguyên đán (ngày 12/2) thì giá cổ phiếu SSI giảm 58%; cổ phiếu BVS giảm 54,4%, HPC giảm 63%...
Nếu TTCK tiếp tục đi xuống, nhà đầu tư không còn mặn mà đến sàn thì làn sóng mua lại giữa các CTCK có thể sẽ diễn ra sớm hơn so với dự báo.
đtck
|