TTCK - Đã hết thời lướt sóng
Hôm nay, ngày 27/3, bắt đầu ngày giao dịch thu hẹp biên độ trên hai sàn xuống còn 2% và 1%, TTCK không còn lùi sâu và tiến nhanh nữa.Thời gian biến động giá cổ phiếu đã được kéo dài từ một ngày trước đây thành một tuần hiện nay. Thị trường sẽ ổn định hơn nhưng các nhà đầu tư lại băn khoăn nhiều hơn và mang nặng tâm lý chờ đợi.
Với việc hai sàn chứng khoán điều chỉnh biên độ xuống 1% (sàn HoSE) và 2% (sàn HaSTC), các nhà đầu tư lướt sóng trên cả hai sàn xem ra hết cơ hội làm ăn vì không còn khả năng thắng nhanh rút nhanh nữa. Nếu trước đây với giá trần mỗi cổ phiếu tăng lên 5000 VND, chỉ cần 2-3 phiên tăng kịch trần, nhà đầu tư lướt sóng 3+1 đã có thể thu chênh lệch chí ít từ 5-10.000 VND/CP. Như vậy nếu họ bỏ ra mua 1000 CP nào đó với giá tăng kịch trần liên tục thì sẽ hưởng lợi 5-10 triệu VND chỉ trong vòng 4 ngày. Nay với hạn chế biên độ xuống còn 1% nếu có tăng kịch trần liên tục thì lời lãi chẳng được là bao vì phí dịch vụ giao dịch ( mua + bán ) phải trả đã là 0,8% rồi. Đó là chưa kể khi TTCK đang xuống dốc như hiện nay thì cơ hội để tăng liên tục là rất khó xảy ra. Các nhà đầu tư đành phải chuyển hướng khác. Anh Hùng Anh, một người chuyên lướt sóng trên sàn HaSTC cho biết, trước đây, thời kỳ chứng khoán đang đi lên, mỗi tháng anh ấy kiếm được 50-70 triệu từ các khoản đầu tư lướt sóng như vậy. Sáng nào hai vợ chồng anh cũng đều đặn ra sàn trước 8 giờ và ở đó khoảng 15-30 phút để quan sát và giao dịch. Gần như ngày nào cũng diễn ra như vậy. Mới đây gặp lại, tôi có hỏi dạo này còn lướt sóng được nữa không, thì anh lắc đầu bảo khó lắm, thời kỳ vàng son cho những người lướt sóng hết rồi, đành phải chờ thời thôi.
Việc giới hạn biên độ giao dịch trên cả hai sàn có thể giúp cho TTCK không lao nhanh xuống dốc như những phiên vừa qua, nhưng ngược lại nó cũng không làm cho TTCK sôi động nhanh lên được. Rõ ràng biện pháp can thiệp của UBCKNN chỉ là giải pháp tình thế. Theo tính toán của một chuyên gia phân tích TTCK cho biết với biên độ 1% thì để VN-Index quay trở lại ngưỡng 1000 điểm từ mốc dưới 500 điểm hiện nay thì phải mất khoảng 4 tháng các mã cổ phiếu tăng liên tục kịch trần mới được. Điêù đó xem ra trong bối cảnh hiện nay là không thể.
Phao cứu hộ của Nhà nước
Cùng với việc giảm biên độ giao dịch trên hai sàn, Thủ tướng Chính phủ chiều hôm qua, 25/3/2008 đã ban hành công văn 1909/VPCP-KTTH đề ra các biện pháp chỉ đạo cứu nguy khẩn cấp TTCK, trong đó có một giải pháp là giao cho TCT Kinh doanh và Đầu tư vốn NN (SCIC) tập trung mua các cổ phiếu để ổn định thị trường. Kết quả là ngay sau khi kết thúc phiên giao dịch sáng nay, ngày 26/3 chỉ số VN-Index đã ra khỏi mốc 500 và đạt 504,67 điểm so với 496,64 điểm ngày 25/3. Nhìn vào bảng các mã cổ phiếu niêm yết trên hai sàn có thể thấy rõ, hầu như tất cả các cổ phiếu mà có tỷ trọng vốn nhà nước lớn đều tăng lên, như DHG, PVD, VNM, DPM, GMD, PPC, VSH…
Một giải pháp khác là yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng TM nhà nước chưa giải chấp các hợp đồng cầm cố và repo chứng khoán để giúp các DN đầu tư CK tháo gỡ khó khăn. Mặt khác NHNN sẽ cho vay tái chiết khấu với lãi suất 9% khi các NHTM thiếu khả năng thanh khoản tạm thời…
Những biện pháp mạnh mẽ này chắc chắn góp phần làm bình ổn TTCK tại thời điểm hiện nay, nhưng về trung và dài hạn liệu nó có còn phát huy tác dụng hay không thì chưa ai có câu trả lời khẳng định. Tuy nhiên nếu biên độ trên được kéo dài thì tính hấp dẫn của TTCK đối với các nhà đầu tư sẽ không còn như trước.
Ai là người mất nhiều nhất?
Trong bối cảnh hiện nay, việc can thiệp mạnh mẽ của Nhà nước sẽ làm cho TTCK không rơi xuống vực thẳm nhưng có đem lại niềm tin thật sự cho nhà đầu tư vào sự phục hồi của thị trường hay không còn nhiều dấu hỏi bởi thị trường hoạt động luôn được điều tiết bởi quy luật cung cầu. Sự can thiệp tức thời của Nhà nước chỉ ngắt cơn co giật cho một thị trường đang lên cơn sốt cao “mất khả năng thanh khoản”, chứ không phải là liều thuốc hữu hiệu giúp cho thị trường nhanh chóng phục hồi.
Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, thì việc nắm giữ phần lớn cổ phần trong 10 công ty mà Nhà nước nắm giữ từ 5% cổ phần trở lên như: GMD,VNM,DPM,PPC,PVD,FPT,SJS,VSH,REE,DHG) từ lúc chỉ số VN-Index lên đỉnh điểm 1170,67 (12/3/2007) đến nay hầu hết các cổ phiếu của các công ty trên đều đã giảm giá 50-60% làm cho vốn Nhà nước mất đi khoảng 22.000 tỷ VND. Con số này còn lớn hơn nhiều vì vốn nhà nước đâu chỉ nằm ở 10 công ty đó mà còn nhiều công ty khác nữa. Với việc SCIC bỏ số lượng lớn tiền ra mua lại các cổ phiếu như hiện nay liệu Nhà nước có bù lại được số tiền đã thất thoát hay không hay là làm cho số vốn mất đi tăng thêm, đang là mối quan tâm lớn. Cơ chế nào để số vốn lớn đó bỏ ra được bảo toàn khi SCIC thua lỗ ?
Mối quan tâm của nhà đầu tư
Nói đến nhà đầu tư ở đây thì đại đa số là các nhà đầu tư nhỏ lẻ, chiếm tỷ trọng vốn rất nhỏ trong tổng số cổ phần của các công ty. Họ là những người “chơi chứng khoán” theo đúng nghĩa hơn là những nhà đầu tư thực thụ. Họ chỉ quan tâm đến cổ phiếu nào tăng nhanh, xuống nhanh để mua vào bán ra kiếm lời. Chính vì vậy tâm lý “đầu tư theo phong trào” là phổ biến. Cái nghèo đã làm cho những khát vọng làm giàu nhanh chóng đã trở thành phổ biến trong đầu nhiều người dân. Điều đó có sai không? Không, họ mong muốn làm giàu là chính đáng. Có điều là làm giàu như thế nào và bằng cách nào thì câu trả lời laị rất khác nhau do nhận thức khác nhau, trình độ hiểu biết khác nhau mà hình thành. Một thực tế thời gian qua là nhiều người chơi lướt sóng trên sàn đều thắng nên có tác động lớn đến tâm lý những người kém hiểu biết luôn chạy theo cái lợi nhãn tiền.
Với biên độ giao dịch hiện nay chắc chắn các “nhà đầu tư” lướt sóng không còn đất dụng võ nữa. Họ buộc phải dừng lại tìm hiểu khả năng đầu tư lâu dài hoặc quay sang các thị trường có khả năng thanh khoản cao hơn như vàng, ngoại tệ và bất động sản.
Sau hai phiên giao dịch sáng nay (27/3) chỉ số VN-Index đã tiếp tục lên trên 3 điểm và đạt 507,79 điểm. Với đà này sau khi kết thúc cả 3 phiên giao dịch sáng nay, chắc chắn chỉ số VN-Index vẫn tiếp tục tăng lên so với hôm qua, tuy nhiên với tốc độ chậm hẳn lại. Điều đó cho thấy sự can thiệp kịp thời của Nhà nước đã có tác dụng tích cực kéo TTCK quay trở lại, không để rơi sâu xuống vực như trước.
Tuy nhiên tâm lý bao trùm trong giới đầu tư vẫn là lo lắng, chờ đợi và niềm tin vào sự phục hồi lâu dài của TTCK vẫn chưa trở lại. Liệu các giải pháp can thiệp mạnh mẽ của Chính phủ vào TTCK có tiếp tục phát huy tác dụng lâu dài hay không? Thị trường luôn có quy luật của thị trường. Nó đòi hỏi Nhà nước luôn phải dự đoán trước được tình hình để đưa ra các giải pháp kịp thời và linh hoạt để giữ cho thị trường được bình ổn, qua đó góp phần tích cực vào sự tăng trưởng kinh tế bền vững.
tổ quốc
|