Khó khăn chỉ là tạm thời
Trước thực trạng TTCK liên tục sụt giảm mạnh, Chính phủ, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đã và đang có những biện pháp tổng thể nhằm duy trì sự phát triển ổn định của kinh tế vĩ mô nói chung và TTCK nói riêng. Chủ tịch UBCK, ông Vũ Bằng cho biết, hiện cơ quan này đã có kiến nghị Chính phủ về việc yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nên có đề nghị các NHTM ngừng ngay việc giải chấp cổ phiếu.
VN-Index đã xuống dưới mức 500 điểm. Ông nhận định như thế nào về TTCK giai đoạn này?
TTCK giai đoạn vừa qua đã giảm mạnh. Tuy nhiên, chúng tôi đánh giá thị trường đang ở mức rất hấp dẫn. Hiện chỉ số P/E dao động khoảng 12 lần, thị giá trên giá trị sổ sách (P/B) khoảng 1,7 - 1,8 lần (trước kia khoảng 3,5 - 3,7 lần). Trong bối cảnh này, NĐT cần hết sức bình tĩnh, không nên bán tháo cổ phiếu. Theo quan sát của UBCK, nhiều tổ chức đầu tư nước ngoài đang bắt đầu mua vào.
Có quan điểm rằng, số người tham gia TTCK không đại diện cho phần đông dân số nên không thể vì TTCK mà đưa ra giải pháp ảnh hưởng đến lợi ích chung?
Thực tế, nếu tính cả cổ phiếu chưa niêm yết và cổ phiếu niêm yết thì tổng giá trị vốn hóa thị trường chiếm khoảng 90 - 100% GDP. Do vậy, không thể nói rằng, TTCK là một thị trường nhỏ bé, mà bỏ qua sự ổn định của nó. Nếu TTCK suy giảm, các doanh nghiệp sẽ rất khó khăn trong việc huy động vốn (không chỉ các công ty niêm yết mà cả các công ty cổ phần nói chung). Điều này sẽ ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng và quay trở lại chính là vấn đề lạm phát. Ổn định TTCK sẽ tạo môi trường đầu tư tốt, nâng cao hình ảnh của Việt Nam trong công cuộc cải cách, thực hiện cam kết WTO, phát triển kinh tế thị trường. Chúng tôi tin rằng, Chính phủ ý thức được điều này và đang rất quan tâm xử lý. Thời gian qua, Chính phủ đã lắng nghe những kiến nghị từ thị trường và chỉ đạo thực hiện các giải pháp đề ra trong Công văn 319/TTg-KTTH.
UBCK có giải pháp chiến lược gì để phục hồi và duy trì sự phát triển bền vững của TTCK, thưa ông?
Chúng tôi đang nghiên cứu để xây dựng một số giải pháp nhằm tăng sức cầu cho TTCK, như việc cho phép công ty quản lý quỹ 100% vốn nước ngoài được lập chi nhánh tại Việt Nam; nới room trong các DN chưa niêm yết… Bên cạnh đó, Ủy ban cũng đang tiến hành sửa đổi một số điểm trong các văn bản pháp luật để tăng năng lực đầu tư cho các thành viên thị trường. Chẳng hạn, theo quy định hiện hành, các DN niêm yết muốn mua cổ phiếu quỹ phải công bố trước 7 ngày, đồng thời trong thời gian 6 tháng sau không được tăng vốn điều lệ. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, quy định như vậy không thật phù hợp, nên chúng tôi dự kiến sẽ sửa đổi hoặc bổ sung bằng một quy định khác cho phép các DN niêm yết tham gia mua cổ phiếu quỹ như một cách để bình ổn thị trường.
Một vấn đề nữa là việc mua ngoại tệ cho đầu tư chứng khoán. Hiện tại, ưu tiên cho mua ngoại tệ đầu tư chứng khoán đang ở vị trí thấp, do vậy, nhà ĐTNN đang tồn đọng một khối lượng ngoại tệ lớn chưa được chuyển thành tiền đồng để đầu tư. Dự kiến, chúng tôi sẽ trình Chính phủ đề nghị NHNN nâng cao thứ tự ưu tiên cho việc mua ngoại tệ đầu tư chứng khoán.
Nhưng TTCK đang suy giảm đến mức báo động và NĐT chờ đợi những giải pháp tức thời từ cơ quan quản lý?
Với tình hình cấp bách hiện nay, Ủy ban đã nghiên cứu và trình Chính phủ một số giải pháp cấp bách, tất nhiên quyết định cuối cùng là của Chính phủ và các bộ, ngành. Trong việc hỗ trợ TTCK, chúng tôi cho rằng, vai trò của NHNN rất quan trọng. Trên TTCK quốc tế, trong nhiều trường hợp, ngân hàng trung ương thường có những giải pháp tích cực để vực dậy TTCK và từ đó vực dậy nền kinh tế nói chung. Chúng tôi đề xuất giải pháp Chính phủ yêu cầu NHNN buộc các NHTM ngừng ngay việc giải chấp cổ phiếu. Vì khi thị trường đi xuống, việc giải chấp cổ phiếu, kể cả các hợp đồng repo cũng khiến cho thị trường sụt giảm mạnh hơn.
Bản thân SCIC mua cổ phiếu đã tác động nhất định đến thị trường, nhưng chưa đủ. Vì vậy, UBCK đang trao đổi với các công ty quản lý quỹ, công ty chứng khoán, công ty niêm yết về việc mua cổ phiếu lúc này.
Chúng tôi cũng đã chấp thuận việc giảm biên độ dao động giá xuống còn 1% đối với sàn HOSE và 2% đối với sàn HASTC từ ngày 27/3, nhưng việc này chỉ có tính chất tình thế. Khi thị trường ổn định, biên độ dao động giá sẽ được điều chỉnh lại. Chúng ta cần thiết phải cho NĐT cơ hội để họ không tháo chạy khỏi thị trường.
Ông có lời khuyên nào cho NĐT lúc này?
NĐT hãy bình tĩnh, vì TTCK Việt Nam không đáng bị suy giảm như hiện tại. Thời gian vừa qua thị trường có quá nhiều tin đồn, gây nhiễu thông tin, ảnh hưởng đến tâm lý NĐT và ảnh hưởng mạnh nhất lại là tới NĐT nhỏ, thiếu bình tĩnh. Chúng tôi sẽ phối hợp với công an để làm rõ những loại tin đồn nghiêm trọng này. Chính tâm lý không ổn định của các NĐT đã khiến thị trường liên tục đi xuống, trong khi các yếu tố cơ bản của nền kinh tế vĩ mô đang được cải thiện (lạm phát có xu hướng giảm, lãi suất ngân hàng đang được điều chỉnh giảm, tăng trưởng kinh tế vẫn duy trì ở mức cao…). Đây là một nghịch lý và tôi tin TTCK sẽ sớm trở về quỹ đạo tăng trưởng.
đtck
|