Công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam: Mạnh dạn hội nhập
Những năm gần đây, ngành Công nghiệp (CN) chế biến gỗ Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 20%-21%/năm. Tuy nhiên, với việc Việt Nam chính thức gia nhập WTO, bên cạnh lợi thế là không ít khó khăn nếu không có sự chuẩn bị chu đáo.
Những con số ấn tượng…
Giai đoạn 2000-2006, ngành Gỗ Việt Nam đã phát triển cả về quy mô sản xuất, khối lượng, giá trị xuất khẩu (XK). Cụ thể, kim ngạch XK gỗ tăng gấp 10 lần. Đến năm 2007, tổng giá trị kim ngạch XK đạt 2,5 tỷ USD. Việt Nam hiện là nhà nhập khẩu (NK) gỗ nguyên liệu lớn thứ 6 của Mỹ. Sản phẩm gỗ Việt Nam đã có mặt tại hơn 120 quốc gia trên thế giới, trong đó Mỹ, Nhật Bản và EU là 3 thị trường chính. Ngoài ra, các thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Đông... cũng đầy tiềm năng.
Tuy nhiên, Tiến sỹ Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Vifores nhận định, ngành Gỗ Việt Nam phải nỗ lực hơn nữa, nhất là khi gia nhập WTO, khó khăn, thách thức càng nhân gấp đôi. Ông đưa ra hai dự báo về thị trường nguyên phụ liệu cũng như thị trường XK. Theo đó, từ nay đến năm 2010, sản lượng gỗ khai thác tự nhiên trong nước không tăng do Chính phủ giới hạn sản lượng khai thác. Do vậy, có đến 80% nguyên liệu chế biến, sản xuất gỗ dựa vào nguồn NK. Về thị trường XK, Hiệp hội chủ trương mở rộng thị trường sang Trung Quốc, Nga, Rumani... nhằm tạo cơ hội giao thương, thúc đẩy tăng kim ngạch thương mại, chủ động trong XK.
Tập trung phát triển dịch vụ Logistics
Cuộc chơi nào cũng có những luật lệ và quy định riêng, Việt Nam gia nhập WTO đồng nghĩa với việc bước vào một “sân chơi” lớn, hấp dẫn nhưng cũng đầy thử thách. Năm 2007, đồ gỗ là sản phẩm đứng thứ 5 trong số 11 mặt hàng đạt giá trị kim ngạch XK lớn nhất. Gia nhập WTO là cơ hội lớn để vươn tới các thị trường tiềm năng. Các DN sẽ dễ dàng thu hút đầu tư nước ngoài, đầu tư công nghệ chế biến tiên tiến, hiện đại; được hưởng thuế ưu đãi từ các nước thành viên... Tuy nhiên, Tiến sỹ Trịnh Minh Anh, Phó Vụ trưởng, Phó Chánh Văn phòng UBQG về Hợp tác quốc tế đã nêu những tác động của WTO đối với các doanh nghiệp (DN) ngành gỗ. Theo đó, cần lưu ý tới những rào cản về thuế quan, thương mại, quy định về kỹ thuật và thuế chống bán phá giá... Theo ông, ngành Gỗ không nên phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu NK, mà khuyến khích phát triển, sử dụng nguyên liệu trong nước. Ngoài ra, việc tập trung phát triển dịch vụ giao nhận kho vận (logistics) là rất cần thiết. Chỉ tính riêng năm 2006, chi phí cho dịch vụ này chiếm gần 20% GDP, bằng 50% kim ngạch XK. Dịch vụ này mang lại nguồn thu lớn nhưng chưa được khai thác triệt để.
Mục tiêu ngành Gỗ đặt ra trong thời gian tới là thu hút thêm lao động; tăng cường đầu tư, tạo cơ hội cho các DN trong nước sản xuất, chế biến gỗ XK; xây dựng, mở rộng các khu CN chế biến lâm sản; gắn sản xuất với bảo vệ môi trường sinh thái; quan tâm phát triển thị trường nội địa... Ngành phấn đấu đạt giá trị kim ngạch XK 3 tỷ USD trong năm nay và 4 tỷ USD vào năm 2010. Đó là nhiệm vụ lớn nhưng sẽ đạt được nếu các DN triển khai đồng bộ những giải pháp khắc phục nhược điểm, tự tin bước vào sân chơi lớn.
hnm
|