Chủ nghĩa tiêu dùng và lạm phát
Tiến sĩ Greg Mills (nguyên Giám đốc quốc gia Viện Các vấn đề quốc tế Nam Phi) có nhận xét rằng một trong những khó khăn về kinh tế-xã hội mà các nhà hoạch định Việt Nam phải tập trung giải quyết, chính là “Chủ nghĩa tiêu dùng”.
Tiến sĩ Greg Mills đưa ra nhận xét này khi đến Việt Nam để dự Hội thảo “Việt Nam - Châu Phi: Nghiên cứu so sánh kinh nghiệm và cơ hội phát triển”.
Tiến sĩ Mills nói: “Mặc dù có đồng lương hạn hẹp (trung bình mỗi công nhân hay nhân viên được trả khoảng 70USD/tháng), nhưng nền kinh tế tăng trưởng mạnh đã thúc đẩy tiêu dùng tăng nhanh, đặc biệt trong giới trẻ.
Ở các nước Đông Á, nhiều bạn trẻ luôn nghĩ đến việc tích lũy hoặc đầu tư dài hạn, và đó là cơ sở cho sự tăng trưởng bền vững ở Đông Á hơn 50 năm qua.
Xu hướng của thanh niên Việt Nam hiện nay là sành điệu: từ chiếc Honda Dreams họ muốn có chiếc xe tay ga Piaggio, đến những quần áo hàng hiệu, máy nghe nhạc và điện thoại di động đời mới nhất”.
Tiêu dùng sẽ thúc đẩy sản xuất, nhưng trong trường hợp Việt Nam, những mặt hàng sành điệu thường phải là những mặt hàng “có yếu tố nước ngoài”.
Như vậy, tiêu dùng càng mạnh thì nhập siêu càng nhiều. Đơn cử trong hai tháng đầu năm nay, nhập siêu đang có chiều hướng gia tăng mạnh, với gần 4,3 tỷ USD.
Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do nhập khẩu máy móc và nguyên liệu về để phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, một nguyên nhân nữa cũng khá quan trọng là lượng ô tô nhập khẩu tăng mạnh, gấp 4 lần so với cùng kỳ cả về lượng và giá trị kim ngạch.
Trong khi lạm phát đã tới mức báo động đỏ, xăng dầu tăng giá, người nghèo quay cuồng với miếng cơm manh áo, thì không những lượng ô tô nhập khẩu tăng mạnh, mà lượng xe bán ra của Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cũng nhiều hơn.
VAMA cho biết, tháng 1 vừa qua, tổng lượng xe bán ra của các doanh nghiệp thành viên đạt 12.084 xe, tăng 156% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tháng thứ 10 lượng xe bán ra của VAMA tăng liên tiếp, kể từ tháng 3/2007.
Khoảng cách giàu nghèo đang ngày càng trầm trọng. Các con số thống kê cho thấy trong giai đoạn 1996-2003, khoảng cách chênh lệch giữa các nhóm giàu và nghèo đã tăng từ 7,3 lần lên 8,7 lần.
Hiện, trên đường phố TPHCM và Hà Nội đã có những chiếc Rolls-Royce lăn bánh, Việt Nam cũng đã có tỷ phú muốn thành cổ đông lớn nhất của Arsenal bằng tiền cá nhân, nhưng lại có hàng chục vạn dân ở Hà Tĩnh lâm vào nguy cơ bị đói sau khi bão lũ hoành hành và giá rét kéo dài.
Như tiến sĩ Greg Mills, đã bình luận, sự tiêu dùng sành điệu của những công dân ở đô thị, không chứng minh cho một nền kinh tế tăng trưởng bền vững, thậm chí là một khó khăn về kinh tế-xã hội mà Việt Nam đang phải đương đầu.
tp
|