“Phải bảo đảm đủ nguồn vốn để TTCK phát triển”
“Cứu” TTCK ra khỏi tình trạng sụt giảm hiện nay, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh, cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, bởi TTCK không chỉ gắn bó chặt chẽ với thị trường bất động sản (BĐS), thị trường tiền tệ, mà còn chịu tác động bởi nhiều chính sách điều hành kinh tế vĩ mô của Nhà nước.
Là cơ quan quản lý nhà nước về chứng khoán và TTCK, Bộ Tài chính đã có giải pháp gì để thị trường phục hồi trở lại, thưa ông?
Cũng như các thị trường khác, yếu tố cung - cầu đóng vai trò quan trọng trong sự tăng/giảm giá chứng khoán. Về phần mình, Bộ Tài chính đã nghiên cứu yếu tố cung - cầu hàng hóa trên thị trường để đưa ra các giải pháp nhằm điều hòa, cân đối lại nguồn cung hàng hóa cho thị trường trong từng giai đoạn cụ thể. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đã đưa ra 4 mục tiêu lớn để thực hiện trong năm 2008; trong đó, mục tiêu rất quan trọng là duy trì hoạt động TTCK an toàn, hiệu quả trên cơ sở phát triển một cách ổn định và bền vững. Để thực hiện các mục tiêu của mình, UBCK đã đề ra 7 nhiệm vụ trọng tâm, như hoàn thiện khung pháp lý và thể chế chính sách để hỗ trợ thị trường; tăng cường quản lý hàng hóa trên thị trường; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về TTCK…
TTCK gắn bó chặt chẽ với thị trường BĐS, thị trường tiền tệ. Theo ông, để giúp TTCK phục hồi thì cần các giải pháp nào để chấn chỉnh thị trường BĐS?
Thời gian gần đây, thị trường BĐS “sốt nóng” trong khi TTCK lại “sốt lạnh”. Đây không phải là ngẫu nhiên mà thực tế cho thấy, 2 thị trường này như bình thông nhau; cứ mỗi khi thị trường BĐS tăng thì TTCK giảm và ngược lại. Chính vì vậy, một trong những giải pháp kích cầu cho TTCK là phải quản lý chặt chẽ thị trường BĐS, mà mục tiêu cụ thể là chống đầu cơ, tạo khan hiếm giả. Tuy nhiên, theo tôi, giải pháp quan trọng nhất vẫn là điều hòa cung - cầu trên TTCK một cách hợp lý.
Theo ông, tình trạng giá BĐS hiện nay tăng nóng là do đâu?
Tôi cho rằng, thị trường BĐS tăng giá nóng như hiện nay là do yếu tố cung - cầu và tình trạng đầu cơ gây ra. Để bình ổn thị trường BĐS, một mình Bộ Tài chính không thể thực hiện được, mà cần có sự phối hợp đồng bộ của nhiều cấp, nhiều ngành. Cụ thể, muốn tăng hàng hóa cho thị trường thì ngân hàng phải cấp tín dụng để cho DN phát triển nguồn cung. Vấn đề ở chỗ, khi cho vay, ngân hàng phải tìm hiểu kỹ dự án đầu tư, nếu DN và cả người dân vay vốn để đầu cơ, đầu tư không đúng mục đích thì phải kiên quyết xử lý. Câu hỏi đặt ra là, ngân hàng và cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn có biết được dự án BĐS nào là đầu tư, dự án nào là đầu cơ không? Tôi tin, ngân hàng và cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương hoàn toàn có thể biết được dự án nào vay vốn để đầu tư xây dựng nhằm tăng cung cho thị trường; dự án nào vay vốn mua đất, sau một thời gian bán đi để hưởng chênh lệch. Với dự án đầu cơ thì kiên quyết không cho vay, còn với dự án đầu tư thì phải cho vay, bởi nếu không có đủ hàng hóa thì làm sao bình ổn được thị trường.
Thế nhưng, để kiềm chế tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI), Ngân hàng Nhà nước lại thực hiện chính sách tín dụng thắt chặt?
Tốc độ tăng CPI năm 2007 và đặc biệt là 2 tháng đầu năm 2008 đang là một trong những thách thức của nền kinh tế (CPI tháng 2/2008 tăng 3,56%, tăng cao hơn tốc độ tăng 2,38% của tháng 1/2008, tăng cao nhất so với tốc độ tăng CPI của tháng 2 cùng kỳ trong 13 năm trở lại đây). Việc kiềm chế tốc độ tăng CPI là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tất cả các cấp, các ngành; trong đó, Ngân hàng Nhà nước đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, nếu thực hiện chính sách thắt chặt tín dụng tới mức nhà đầu tư không có vốn để đầu tư chứng khoán, đầu tư vào BĐS chưa hẳn đã là giải pháp hữu hiệu.
Bộ Tài chính đã có quan điểm về vấn đề này chưa, thưa ông?
Bộ Tài chính đã chính thức có ý kiến về vấn đề này, theo hướng phải nghiên cứu để đưa ra một giới hạn an toàn trong hoạt động tín dụng của hệ thống ngân hàng, cũng như bảo đảm sự an toàn trong đầu tư chứng khoán, đầu tư BĐS. Chính sách tín dụng không thể thắt tới mức nhà đầu tư không có vốn, khiến cầu đầu tư giảm mạnh.
Trên quan điểm cá nhân, ông đánh giá thế nào về chính sách tín dụng hiện nay?
Tôi cho rằng, điều hành chính sách tiền tệ một mặt phải chặt chẽ, thận trọng; mặt khác cũng phải linh hoạt, song không nên điều hành theo kiểu “giật cục”.
Nhưng trong điều kiện hiện tại, nếu không đưa “giải pháp mạnh” thì khó có thể kiềm chế tốc độ tăng CPI?
Trong khi CPI tăng, nguồn tiền có hạn đã buộc nhiều ngân hàng phải nâng lãi suất huy động để bảo đảm quyền lợi cho người gửi tiền; đồng thời, để bảo đảm lợi nhuận, các ngân hàng phải tăng lãi suất đầu ra. Việc lãi suất tăng trong thời gian trước mắt có thể gây khó khăn cho nền kinh tế, nhưng trong dài hạn thì điều này lại làm lành mạnh hóa các khoản tín dụng. Bởi khi lãi suất tăng, doanh nghiệp phải cân nhắc, tính toán thận trọng trước khi vay vốn và chỉ dám vay vốn đầu tư vào những dự án, những kênh có hiệu quả. Thắt chặt tín dụng là một trong các giải pháp kiềm chế tốc độ tăng CPI, nhưng không nên thắt chặt tới mức nhà đầu tư không thể vay được vốn để đầu tư vào TTCK, thị trường BĐS cũng như vay vốn để đầu tư vào các dự án có hiệu quả. Nếu thắt chặt quá mức sẽ ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng kinh tế. Đối với việc cung cấp vốn cho đầu tư chứng khoán, theo tôi, cần phải nghiên cứu để đưa ra mức giới hạn hợp lý, bảo đảm cho việc đầu tư an toàn và tạo điều kiện cho TTCK phát triển.
đtck
|