Bán lúc này là tự đánh mất lợi thế
Mặc dù có góc nhìn khá bi quan về thị trường chứng khoán Việt Nam trong ngắn hạn, nhưng buổi thuyết trình của ông Fiachra Aodh de Suipeal Mac Cana, Giám đốc điều hành CTCK TP. HCM vừa qua đã được giới đầu tư hồ hởi đón nhận. ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Mac Cana xung quanh những cơ hội và thách thức của nhà đầu tư.
Ông nhận định như thế nào về mức đáy mới mà VN-Index đang hướng tới?
Tâm lý bán cổ phiếu của nhà đầu tư đang là sức ép đối VN-Index. Nhìn nhận sâu xa từ nguồn cung cổ phiếu có thể thấy, chủ yếu bắt nguồn từ các ngân hàng. Đó là những khoản chứng khoán mà nhà đầu tư cầm cố bị sức ép phải thanh lý bởi tới thời điểm phải bổ sung khoản ký quỹ do giá cả đã giảm quá sâu nhưng không có tiền để bổ sung. Tôi cho rằng, để thị trường phục hồi thì phải hạn chế được nguồn cung cổ phiếu. Vì thế, thị trường phải tiếp tục chờ đợi để một khối lượng lớn cổ phiếu từ các ngân hàng thanh khoản xong. Chính điều này khiến kết quả của phương pháp phân tích kỹ thuật chỉ rõ, VN-Index có thể tiếp tục điều chỉnh xuống, không loại trừ khả năng dao động trong khoảng 400 - 500 điểm.
Như vậy, nhà đầu tư có nên bán ra và chờ mua lại cổ phiếu ở mức đáy mới, thưa ông?
Việc nhà đầu tư bán cổ phiếu trong thời điểm hiện nay là không nên, bởi đây là việc làm khá muộn. Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh tới những nhà đầu tư riêng lẻ, vì đa số đã lỗ từ 30 - 50% tổng vốn đầu tư. Nếu họ quyết định bán cổ phiếu để bảo toàn phần vốn còn lại thì họ tự tạo cho mình một tâm lý rời bỏ thị trường và bỏ lỡ cơ hội mua lại cổ phiếu khi thị trường phục hồi. Vấn đề họ cần nhìn nhận để tạo lập niềm tin là thị trường khó có thể xuống sâu hơn vì mốc tâm lý này cũng đã chứng tỏ việc những nhà đầu tư cần bán chứng khoán đã bán xong. Trong khi đó, mới đây, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã đứng ra mua lại các cổ phiếu cầm cố. Do đó, nhà đầu tư bán vào thời điểm này là họ tự đánh mất lợi thế của mình khi số cổ phiếu đó không chịu sức ép trả lãi ngân hàng và thời gian tất toán. Tuy nhiên, lời khuyên không nên bán ra lại dễ bị những nhà đầu tư khác hiểu lầm là đã đến thời điểm mua vào. Đó là cách hiểu không đúng, bởi xu hướng điều chỉnh có mức dao động mạnh. Hơn nữa, một số phiên giao dịch gần đây, thị trường đã xuất hiện tình trạng một số cổ phiếu mất dần tính thanh khoản. Việc nhà đầu tư chờ đợi để mua cổ phiếu ở giá rẻ hơn là cần thiết và đúng với xu hướng tâm lý trên thị trường.
Không ít nhà đầu tư đồng quan điểm với ông là VN-Index sẽ còn giảm, bởi cơ sở phân tích của họ là sức ép lạm phát của nền kinh tế. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?
Để nhìn nhận lạm phát của nền kinh tế, cần rành mạch hai vấn đề. Đó là lạm phát tài sản và lạm phát giá tiêu dùng. Lạm phát của nền kinh tế Việt Nam chủ yếu được nhìn ở góc độ lạm phát giá tiêu dùng. Tuy nhiên, vấn đề này đang có tín hiệu tốt. Hiện giá một số hàng tiêu dùng trên thế giới đã giảm. Điều này sẽ gây tác động dây chuyền tới các nước như Trung Quốc và Việt Nam. Theo tính toán của tôi, thời gian tác động cũng chỉ khoảng 1 - 2 tháng nên khoảng tháng 6/2008 thì nền kinh tế Việt Nam sẽ phát triển tốt vì ngăn chặn được lạm phát và tất nhiên sẽ kéo theo thị trường chứng khoán phục hồi và phát triển. Khi thị trường chứng khoán giảm đến đáy, việc thị trường sẽ đi ngang là khó xảy ra. Bởi khi có động thái phục hồi, thị trường sẽ tỏ rõ sức hút của nó. Lúc đó, nhiều nhà đầu tư sẽ quay lại thị trường, không chỉ bởi niềm tin, mà còn là thực tế giá chứng khoán đã quá rẻ.
Một vấn đề nữa làm cơ sở cho thị trường chứng khoán Việt Nam có thể phục hồi ở thời điểm tháng 6/2008 là chiều hướng nới rộng dòng tiền trong nước khi chỉ số lạm phát đã được cải thiện. Theo quy luật, để ngăn chặn lạm phát, Chính phủ phải dùng các biện pháp hạn chế cung tiền đồng trong một khoảng thời gian dài, từ 6 tháng đến 1 năm.
Đến nay, điều này đã được thực hiện khá triệt để trong vòng 9 tháng qua và có thể mang lại kết quả khả quan trong khoảng 2 tháng nữa. Lúc đó, một lượng tiền lớn sẽ lại được cung ứng cho thị trường chứng khoán và đến cuối năm 2008, chỉ số VN-Index có thể sẽ đạt 800 - 900 điểm.
đtck
|