Xăng dầu tăng giá tác động toàn diện đến sản xuất, kinh doanh
Việc tăng giá xăng dầu lần này hoàn toàn khác biệt so với những lần điều chỉnh giá trước đây, nên dự báo, sẽ tác động một cách toàn diện đến nền kinh tế.
Nhiều doanh nghiệp gặp khó
Ngay sau khi có thông tin xăng dầu tăng giá, Ban giám đốc Công ty Vận tải Phương Trang đã họp khẩn cấp để bàn về kế hoạch tăng giá cước vận tải. Ngay sau khi kết thúc cuộc họp vào cuối ngày 25-2, ông Ngô Văn Giáp, Phó Giám đốc Công ty Phương Trang, cho biết, sẽ phải tăng giá cước vận chuyển ngay vào những ngày cuối tháng 2 này hoặc chậm nhất vào đầu tháng 3-2008.
Theo ông Giáp, mức cước sẽ tăng khoảng 20% so với hiện nay đối với tất cả tuyến và phương tiện vận chuyển.
Hiện Phương Trang có trên 200 phương tiện vận chuyển hành khách, trong đó 110 taxi và 120 xe vận tải hành khách đường dài.
Ngoài ra còn khoảng 20 chiếc xe trung chuyển trong thành phố. Ông Giáp tính toán, mỗi ngày số xe này tiêu thụ khoảng 7.000 lít dầu DO.
Với giá mới, Phương Trang phải chi thêm khoảng 40 triệu đồng/ngày. Giá nhiên liệu tăng 28%-30%, nhưng mức cước chỉ có thể tăng giá cước lên 20% để giữ khách, vì vậy mỗi tháng công ty phải mất ít nhất 500 triệu đồng lợi nhuận.
Cũng theo ông Giáp, không riêng Phương Trang, các doanh nghiệp (DN) vận tải khác cũng đang chuẩn bị tăng giá cước lên 25%-30%. Theo một số DN vận tải, khi giá nhiên liệu biến động 10% thì DN có quyền điều chỉnh giá cước. Điều đó cũng báo trước một đợt tăng giá cước vận chuyển mới sẽ diễn ra trong một vài ngày tới.
Theo ông Nguyễn Hữu Bình, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, việc xăng dầu tăng giá lần này sẽ có tác động lớn đến ngành dệt may - kể cả trực tiếp lẫn gián tiếp. Hiện tại ngành dệt sử dụng khoảng 50% sợi PE (sợi tổng hợp có nguồn gốc từ dầu mỏ).
Khi giá dầu tăng, sợi PE cũng tăng theo khiến các DN sản xuất sợi phải nghiêng sang sản xuất sợi có nguồn gốc từ tự nhiên (bông vải) và làm cho loại sợi này tăng giá vì khan hiếm. Hiện có đến 90% bông vải và 100% sợi bông vải đang sử dụng tại Việt Nam được nhập từ các nước. Trong khi đó giá sợi bông và bông nhập hiện đang ở mức rất cao, và dự kiến từ nay đến cuối năm 2008 giá nhập bông ở mức 1,75 USD/kg.
Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Giám đốc Công ty Công nghiệp Cao su miền Nam (Casumina), cho biết, lượng dầu sử dụng để đốt lò hơi hiện chiếm khoảng 5% giá thành sản phẩm, nếu căng theo mức tăng giá dầu thêm 30% thì DN phải tăng giá thành các loại săm, lốp lên 1%-2%, đó là chưa kể phải cộng thêm giá các loại nguyên liệu và chi phí khác. Casumina đang gắng sức chịu đựng cho đến hết tháng 2, chắc chắn đầu tháng 3 sẽ tăng giá thành phẩm nếu không sẽ bị lỗ rất nặng.
Giá hàng hóa chắc chắn tăng
Chưa bao giờ, giá xăng dầu lại nóng bỏng, trở thành vấn đề thời sự, được tiểu thương bàn tán khá nhiều tại các chợ vào sáng 26-2. Trên thực tế, giá bán lẻ tại các chợ hiện vẫn tương đối ổn định ở mức khá cao so với mặt bằng giá chung vào thời điểm trước Tết Mậu Tý. Vì vậy, nếu giá tiếp tục tăng thì tiểu thương sẽ không bán được hàng.
Nói theo cách của chị Lê (chợ Xóm Cháy, quận Gò Vấp): “Mặc dù mỗi ngày tôi phải chi thêm 12.000 đồng vì giá xăng tăng, nhưng không thể tăng giá bán cá vào ngay lúc này được vì sức mua ở chợ vẫn còn rất chậm. Thà chấp nhận giảm lãi một thời gian để bán được hàng còn hơn là tăng giá!”.
Ở các ngành hàng thực phẩm tươi sống khác như rau củ quả, trái cây, giá đã bắt đầu nhấp nhổm tăng thêm 500-1.000 đồng/kg vì lý do giá cước chuyên chở từ chợ đầu mối vào các chợ bán lẻ đã bắt đầu tăng 15%-20%.
Tại các chợ đầu mối, lượng hàng hóa về vẫn rất dồi dào, phong phú. Giá bán sỉ các mặt hàng như thịt heo vào sáng 26-2 đã nhích thêm khoảng 500-1.000 đồng/kg, trong khi đó giá bán các loại rau củ quả tại chợ đầu mối Thủ Đức lại tiếp tục giảm khoảng 700-1.000 đồng/kg.
Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Công ty Quản lý kinh doanh và khai thác chợ Thủ Đức, cho biết, ngay sau khi giá xăng dầu tăng, nhiều thương lái đã phải chấp nhận tăng chi phí cho vận chuyển nhằm kéo giá xuống để tăng sức mua. Về lâu dài, không ai có thể chịu lỗ mãi để bù vào các khoản chi phí phát sinh!
Tại các siêu thị, giá hàng hóa vẫn tương đối ổn định vì ngay trong dịp Tết Nguyên đán vừa rồi đã có một số nhóm hàng tăng giá 5%-15% như đồ dùng gia đình, đồ nhựa, mì gói, dầu ăn, bia… Nhưng theo nhận định của bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Tổng giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op), trong thời gian tới thị trường sẽ khó tránh khỏi đợt tăng giá mới, đặc biệt là những mặt hàng liên quan nhiều đến việc vận chuyển.
Theo bà Hạnh, khác với những lần tăng giá xăng trước đây là chỉ một số nhóm hàng hóa có sử dụng xăng bị tác động, lần này, cả xăng và dầu đều được điều chỉnh sẽ tác động khá toàn diện đến giá hàng hóa trên thị trường.
Trong lĩnh vực hàng công nghiệp, theo tính toán của Hiệp hội Thép VN, giá thép có thể sẽ thiết lập một mặt bằng giá mới, theo hướng tăng thêm khoảng 15% so với hiện nay. Giá thép đến tay người tiêu dùng sẽ vào khoảng 17 triệu đồng/tấn. Nhiều DN sản xuất các mặt hàng gia dụng có nguyên liệu từ nhựa và cao su cũng đang tính đến chuyện phải tăng giá thành phẩm khoảng 5%-10%.
DN có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực sản xuất săm lốp ô tô, xe máy, ngay trong sáng 26-2, đã chính thức điều chỉnh giá bán thành phẩm tăng 5%-10% tùy loại.
sggp
|