Thứ Ba, 26/02/2008 18:05

Đầu tư ở Việt Nam: “Chất” thua xa “lượng”

Mới đây trên tờ Straits Times của Singapore có đăng bài viết của tác giả Omkar Shrestha về tình trạng đầu tư “lượng” nhiều, “chất” ít của Việt Nam. VnEconomy xin giới thiệu tới độc giả bản lược dịch bài viết này.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao của Việt Nam là kết quả của số lượng hơn là của hiệu quả đầu tư. Tại nhiều quốc gia đang phát triển, Chính phủ cảm thấy hài lòng nếu đạt được những mục tiêu đặt ra trong các kế hoạch phát triển 5 năm. Nhưng đối với Việt Nam thì khác.

Những con số ấn tượng

Việt Nam hiện đang phấn đấu để trở thành nước thu nhập trung bình vào năm 2010 và giảm tỷ lệ nghèo xuống dưới 10%. Có thể nói, đây là những mục tiêu đầy tham vọng đối với một quốc gia mà nền kinh tế mới thực sự đi lên từ những năm 1990.

Vào năm 1993, cứ 5 người Việt Nam thì có khoảng 3 người sống dưới mức nghèo khổ, trong khi cơ sở hạ tầng trên cả nước đều rất lạc hậu. Nhưng hiện nay, Việt Nam đã là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á, với mức tăng GDP bình quân hàng năm là hơn 7,5% trong 10 năm qua. Vào năm 2006, Việt Nam được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) coi là một “Trung Quốc đang nổi lên” và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) coi là một “ngôi sao”.

Lĩnh vực kinh tế tư nhân đã và đang được khuyến khích phát triển tại Việt Nam. Đây là khu vực tạo việc làm cho hơn 90% trong tổng số 1,6 triệu người Việt Nam đến tuổi lao động hàng năm và là một trong những động lực quan trọng của kinh tế Việt Nam.

Một nhân tố khác dẫn tới thành công của Việt Nam là Việt Nam đã đặt trọng tâm vào tỷ lệ đầu tư cao, đặt biệt là trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng. Trong kế hoạch 5 năm từ 2001 đến 2005, tổng đầu tư của Việt Nam đạt mức 37,5% so với GDP. Việt Nam đang nỗ lực nâng tỷ lệ này lên 40% trong kế hoạch 5 năm từ 2006 đến 2010. Hiện Trung Quốc nước duy nhất trong khu vực có tỷ lệ đầu tư so với GDP cao hơn Việt Nam.

Được thúc đẩy bởi những thành tựu như trên, Chính phủ Việt Nam đang đặt mục tiêu đạt mức GDP bình quân đầu người hàng năm là 1.150 USD vào năm 2009, sớm hơn đúng một năm so với mục tiêu của kế hoạch 5 năm lần thứ 6, giảm tỷ lệ nghèo xuống dưới 10% vào năm 2008, hai năm trước kế hoạch, và tăng tỷ lệ đầu tư lên mức 42% GDP trong năm nay.

Những thách thức

Tuy nhiên, bên cạnh những bước tiến tích cực này, trong những năm tới, Việt Nam sẽ phải đối mặt với số lượng nhiều hơn những thách thức với mức độ phức tạp cao hơn. Thúc đẩy tăng trưởng nhờ tăng đầu tư cũng có những giới hạn của nó. Chỉ tăng đầu tư về mặt số lượng có thể sẽ không đem đến những kết quả như mong muốn, vì nhiều lý do.

Thứ nhất, hoạt động đầu tư ở Việt Nam tỏ ra xuất sắc về mặt số lượng, nhưng lại tương đối kém về mặt chất lượng. Một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2004 của Ngân hàng Thế giới (WB) đối với 23 quốc gia cho thấy, Việt Nam xếp ở vị trí thứ 3 về tỷ lệ đầu tư so với GDP, nhưng chỉ xếp thứ 17 về mặt chất lượng và hiệu quả đầu tư.

Thứ hai, một khi mức GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã vượt qua một ngưỡng nhất định nào đó, cộng đồng các nhà tài trợ sẽ giảm mức độ hỗ trợ đối với Việt Nam. Điều này có thể xảy ra sau năm 2010 và Việt Nam cần tích cực chuẩn bị cho thời điểm này bằng cách nhấn mạnh vào các biện pháp tăng cường năng suất đầu tư.

 Thứ ba, những cam kết FDI trong tương lai có thể phụ thuộc vào khả năng của Việt Nam trong việc tiến hành những cải cách xa hơn và cung cấp những hỗ trợ cơ sở hạ tầng hiệu quả, cung như một nguồn nhân lực có kỹ năng và khả năng cạnh tranh.

Những việc cần làm

Từ những phân tích trên có thể thấy, Việt Nam cần chuyển trọng tâm từ nâng cao số lượng đầu tư sang tăng cường hiệu quả và năng suất của đầu tư. Đã đến lúc Việt Nam nên chuyển từ mô hình tăng trưởng dựa trên đầu vào sang tăng trưởng dựa trên hiệu quả. Sự chuyển biến như vậy sẽ đòi hỏi Việt Nam phải hành động trên nhiều mặt.

Do đầu tư của Chính phủ đóng vai trò rất quan trọng, việc tăng cường hiệu quả của lĩnh vực này cần đến việc xác định lại ưu tiên của các dự án. Có thể giảm quy mô của những dự án có mức độ cấp thiết ít hơn và ưu tiên đầu tư vào những dự án có chất lượng cao và tỷ lệ hoàn vốn lớn. Đây là việc làm đặc biệt quan trọng vì mức độ phân cấp ở Việt Nam là rất cao.

Mỗi địa phương có thể muốn theo đuổi chương trình dự án của riêng mình, do đó sẽ gây bất lợi cho chương trình đầu tư chung của quốc gia. Do đó, Chính phủ sẽ phải tăng cường các quy định về lựa chọn dự án, thiết lập các thủ tục thẩm định dự án chặt chẽ, tăng cường hoạt động giám sát trong thực hiện dự án cũng như đảm bảo hoạt động kiểm toán lành mạnh.

Phát triển thể chế của Việt Nam hiện vẫn chưa bắt kịp với tốc độ phát triển nhanh chóng của dòng vốn FDI. Mặt khác, sự kết nối giữa lĩnh vực FDI và các doanh nghiệp trong nước vẫn còn hạn chế.

Trong khoảng thời gian từ 2001 đến 2005, chỉ có 69% trong tổng số 20,8 tỷ vốn FDI cam kết đổ vào Việt Nam được giải ngân. Năm ngoái, chưa đầy 40% trong 12,7 tỷ USD cam kết vào năm 2006 được giải ngân. Tình hình giải ngân các khoản vay phát triển cũng diễn ra tương tự. Do đó, một việc làm cấp thiết là Việt Nam phải tăng cường khả năng hấp thụ vốn để giảm khoảng cách giữa lượng cam kết và lượng giải ngân của các dòng vốn từ bên ngoài đổ vào.

Tăng cường hiệu quả đầu tư cũng có nghĩa là những nguồn tài chính dài hạn mới cần được phát triển để thay thế những nguồn hỗ trợ phát triển từ các nước tài trợ. Những nguồn vốn mới này cần đến từ thị trường vốn vì các ngân hàng thương mại sẽ phải đối mặt với mức độ rủi ro cao nếu cung cấp những khoản cho vay ngắn hạn để đáp ứng nhu cầu vốn dài hạn cho các dự án phát triển.

Sự nổi lên của thị trường chứng khoán Việt Nam là một bước phát triển được chào đón. Tuy nhiên, cần có nhiều hơn nữa các biện pháp cải cách, trong đó có việc thiết lập những khung pháp lý phù hợp để đảm bảo sự vận hành trơn tru của thị trường vốn.

Mặt khác, Việt Nam cũng cần phát phát triển nguồn nhân lực vì hầu hết tất cả các ngành nghề ở Việt Nam hiện nay đều đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động có kỹ năng ở nhiều cấp độ khác nhau. Nền kinh tế Việt Nam sẽ có nguy cơ mất đi sức cạnh tranh nếu Chính phủ không có các biện pháp để giải quyết vấn đề này.

Với địa vị thành viên WTO, khả năng duy trì sức cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường thế giới sẽ quyết định tốc độ và mức độ bền vững của sự tăng trưởng của nền kinh tế này trong tương lai. Trong bối cảnh Việt Nam đang phấn đấu đạt tới một mức độ phát triển cao hơn, việc chuyển hướng sang đặt trọng tâm vào hiệu quả và năng suất đầu tư là việc làm khôn ngoan và cần thiết.

tbktvn

Các tin tức khác

>   10.000 lao động VN sẽ sang Trung Đông trong năm nay (26/02/2008)

>   VN-Xinhgapo thúc đẩy kết nối hai nền kinh tế (26/02/2008)

>   Hạ thủy tàu xuất khẩu cho Canada (26/02/2008)

>   T.Ư nhận ý kiến phản đối dự án thép tại Vân Phong (26/02/2008)

>   Kỷ luật tham tán nếu xúc tiến thương mại kém (26/02/2008)

>   Dệt may VN vào Mỹ có thể đạt 6,1 tỷ USD năm 2008 (26/02/2008)

>   30 tỷ đồng xây dựng chợ nông sản tại Đắk Nông (26/02/2008)

>   KFC khai trương cửa hàng hiện đại nhất tại VN (26/02/2008)

>   Mở Diễn đàn kinh tế tài chính Pháp- Việt (26/02/2008)

>   Triển vọng mới cho hợp tác kinh tế Việt Nam - Singapore (26/02/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật