TPHCM bắt đầu xây dựng metro
Nếu không có gì thay đổi, ngày mai TPHCM sẽ làm lễ khởi công dự án xây dựng tuyến metro (tàu điện chạy ngầm) Bến Thành - Suối Tiên, hạng mục Xây dựng tường rào bảo vệ và san lấp mặt bằng Depot (ga dừng đậu và sửa chữa, duy tu tàu) tại quận 9.
Hạng mục này tuy nhỏ so với toàn bộ công trình xây dựng tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên nhưng đó là một điểm khởi đầu tốt đẹp cho việc phát triển vận tải công cộng khối lượng lớn ở TPHCM, chuẩn bị cho việc thực hiện mạnh mẽ Quy hoạch giao thông vận tải TPHCM tới năm 2020 và tầm nhìn sau 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm qua.
* Sự bứt phá ngoạn mục của tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên
Thoạt đầu, tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên là tuyến số 3 trong tổng số 6 tuyến metro đã được Thủ tướng phê duyệt trong Quy hoạch giao thông vận tải của TPHCM. Lúc đó, 2 tuyến metro Bến Thành - Tham Lương, Bến Thành - Bến xe Miền Tây được coi là 2 tuyến metro ưu tiên, dự kiến sẽ được thực hiện đầu tiên ở TP. Tuy nhiên, do vướng mắc về tài chính, 2 tuyến ưu tiên này đã phải nhường ngôi vị đầu cho tuyến Bến Thành - Suối Tiên.
Tuyến Bến Thành - Suối Tiên có tổng chiều dài 19,7 km trong đó có 2,6 km đi ngầm và 17,1km đi trên cao. Công trình có tổng mức đầu tư khoảng 1.091 triệu USD do Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản cho vay với hình thức ODA.
Tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên sẽ bắt đầu ở chợ Bến Thành - khu vực vòng xoay Quách Thị Trang, sau đó đi ngầm giữa đường Lê Lợi với 2 đường hầm đơn chạy song ngang. Đến ngã tư Lê Lợi - Pasteur vẫn là 2 đường hầm đơn nhưng chuyển sang chạy song song trên - dưới, qua bên hông Nhà hát TP - trụ sở Công ty Điện lực Sài Gòn, theo đường Nguyễn Siêu, qua Fafilm đến Nhà máy Ba Son thì chuyển lên trên cao.
Đoạn trên cao bắt đầu từ Nhà máy Ba Son, vượt qua đường Nguyễn Hữu Cảnh, đi theo rạch Văn Thánh, đến sát công viên Văn Thánh, vượt đường Điện Biên Phủ, vượt sông Sài Gòn tại khu vực Nhà hàng Tân Cảng, sau đó đi tiếp trong hành lang phía Bắc xa lộ Hà Nội, qua sông Rạch Chiếc, tiếp tục đi theo hành lang phía Bắc, đến gần ga Suối Tiên thì chuyển qua phía Nam xa lộ Hà Nội để kết thúc ở depot Long Bình, phường Long Bình, quận 9. Hiện nay, UBND quận 9 đã giải phóng mặt bằng được 17ha trong tổng số 28 ha phải giải tỏa để xây dựng depot.
Theo Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế Giao thông Vận tải phía Nam (Tedi South), đơn vị tư vấn thực hiện dự án nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt Bến Thành - Suối Tiên, depot Long Bình có 4 khu vực chính: trung tâm kiểm tra, sửa chữa, bảo trì; bãi đậu tàu; các kho vật liệu; trung tâm đào tạo cán bộ, công nhân cho việc vận hành, quản lý metro.
Hạng mục quan trọng nhất của dự án: tuyến metro, dự kiến sẽ được khởi công xây dựng trong năm 2009, hoàn tất trong năm 2013 và vận hành vào đầu năm 2014.
Đoàn tàu dự kiến có 6 toa, trong đó 2 toa có buồng lái với số lượng hành khách có thể chuyên chở được là 942 người (trong đó có 312 chỗ ngồi). Dự kiến đoàn tàu sẽ hoạt động khoảng 20 giờ/ngày với thời gian giãn cách giữa các chuyến là 5 - 6 phút. Thời gian đi hết tuyến khoảng 29 phút. Giá vé dự kiến trong năm 2014 là 3.000 đồng/vé, đến năm 2020 là 5.000 đồng/vé.
* Khởi động các tuyến còn lại
Hai tuyến metro ưu tiên Bến Thành - Tham Lương, Bến Thành - Bến xe Miền Tây tuy phải nhường vị trí khởi đầu cho tuyến Bến Thành - Suối Tiên song cũng đang có những bứt phá đáng ghi nhận.
Hiện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và UBND TPHCM đã ký kết văn bản tiếp nhận 1,7 triệu USD vốn tài trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật thông qua Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cùng vốn đối ứng 0,5 triệu USD từ ngân sách TP để thực hiện dự án hỗ trợ kỹ thuật, nghiên cứu đầu tư xây dựng 2 tuyến metro này. Dự kiến, dự án nghiên cứu sẽ hoàn thành vào tháng 4-2008.
Tuyến metro số 4 có tổng chiều dài khoảng 16 km đi từ quận 12 đến quận 4 với tổng mức đầu tư 1.038 triệu USD dự kiến cũng sẽ được đầu tư bằng vốn ODA. Hiện nay Tập đoàn SFECO của Thượng Hải, Trung Quốc đã giúp TPHCM tiến hành khảo sát, nghiên cứu hình thành dự án theo phương thức vay vốn ưu đãi của Trung Quốc 70% và sử dụng 30% vốn đối ứng trong nước. Nếu không có gì thay đổi, dự án có thể được khởi động vào năm 2010 và hoàn thành vào năm 2016.
Tuyến metro số 5, có chiều dài 15 km, bắt đầu từ Bến xe quận 8 và kết thúc ở cầu Sài Gòn. Dự án có vốn đầu tư khoảng 900 triệu USD, dự kiến cũng sử dụng vốn ODA. Hiện UBND TPHCM dự định sử dụng sự hỗ trợ của Chính phủ Tây Ban Nha để khảo sát dự án này trong năm 2008.
Tuyến metro cuối cùng, số 6 có tổng chiều dài 6km, bắt đầu từ Bà Quẹo đến Phú Lâm. Dự án có vốn đầu tư thấp nhất, khoảng 320 triệu USD nhưng dự kiến đến năm 2010 TPHCM mới tiến hành thu xếp nguồn vốn đầu tư.
Cả 6 tuyến metro này đều đảm bảo kết nối giữa trung tâm hiện hữu của TP (khu vực Bến Thành) với các khu vực có mật độ dân cư cao, các đô thị vệ tinh trong tương lai (tuyến Bến Thành - Suối Tiên kết nối trung tâm TP với đô thị khoa học kỹ thuật cao ở quận 9, tuyến Bến Thành - Bến xe Miền Tây kết nối trung tâm TP với các khu dân cư, đô thị mới ở Nam Sài Gòn…).
Ngoài 6 tuyến metro, TPHCM còn dự định đầu tư 3 tuyến xe điện chạy trên mặt đất với tổng chiều dài 35km. Các tuyến này đang được các nhà đầu tư nghiên cứu đầu tư theo hình thức BOT. Theo đó, tuyến số 1 chạy trên đại lộ Đông-Tây, tuyến số 2 chạy từ Bình Chánh qua đường Nguyễn Văn Linh đến đô thị mới Thủ Thiêm, tuyến số 3 đi từ Ngã sáu Gò Vấp đến Công viên Phần mềm Quang Trung. Nếu 9 tuyến vận tải công cộng khối lượng lớn này được hình thành, cộng với mạng lưới xe buýt hiện có, có thể nói, mạng lưới vận tải công cộng TPHCM đã được xây dựng khá hoàn chỉnh.
sggp
|